Tràn lan rao bán thông tin khách hàng

(ĐTCK) Ăn theo sự sôi động của thị trường bất động sản, dịch vụ rao bán thông tin cá nhân của những người đã mua bất động sản tại các dự án đang ngày một rầm rộ.

Rầm rộ dịch vụ rao bán thông tin cá nhân

"Danh sách 578 khách hàng mua Bất động sản Đất Xanh tại TP.HCM", "Danh sách 6.000 khách hàng VIP bất động sản TP.HCM", "200 khách hàng thu nhập trên 1.000 đô/tháng","600 giảng viên bác sĩ TP.HCM"…, hay "Danh sách khách hàng bất động sản mua nhà tại Ecolife Capitol, Mỹ Đình Plaza,"… Đó là những thông tin công khai khi phóng viên Đầu tư Bất động sản truy cập vào một website bằng từ khóa "danh sách khách hàng mua nhà" trên Google.

Với khoảng 101 triệu kết quả, các website này cung cấp những thông tin khách hàng khá chi tiết được phân loại theo ngành nghề, công việc, thu nhập, tiết kiệm ngân hàng, mua xe hơi, bảo hiểm và rất nhiều lĩnh vực khác với mức giá 25 - 30 đồng/số điện thoại, đồng thời có giảm giá nếu mua trọn bộ, tùy theo nhu cầu. Sẽ đắt hơn với những thông tin cập nhật và có tính "mật" như tài khoản tiết kiệm, thậm chí thông tin các thành viên trong gia đình, chức danh đang làm, địa chỉ công ty…

Tương tự, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, chỉ cần chịu khó dạo qua các Fanpage, diễn đàn, người đọc có thể dễ dàng thấy hoạt động chào bán danh sách khách hàng giữa các môi giới diễn ra một cách rầm rộ và công khai. Chỉ cần để lại bình luận, những người này sẽ ngay lập tức inbox chào bán danh sách với mức giá vô cùng hấp dẫn chỉ từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng là có trọn bộ danh sách hàng ngàn dự án lớn nhỏ khác nhau với đa dạng các thể loại.

Thậm chí, không cần phải tìm kiếm, theo chia sẻ từ một số môi giới địa ốc tại một sàn giao dịch cỡ lớn trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, những người bán danh sách khách hàng còn gửi thư điện tử hoặc tin nhắn mời chào. Có thời điểm, trung bình 1 ngày, những môi giới này nhận được vài email và tin nhắn mời chào.

Để chào hàng, các công ty này thường gửi email tới nhiều địa chỉ, bằng những lời mời hấp dẫn như: "giúp bạn nhanh chóng thiết lập quan hệ, hoạch định đúng hướng kinh doanh, tiếp cận chính xác đối tượng khách hàng". Họ còn lập website hay quảng cáo rộng rãi trên mạng Internet, đồng thời những đơn vị kinh doanh data còn giới thiệu nguồn dữ liệu được lấy từ các ban, bộ, ngành của Nhà nước.

Trong vai một môi giới, phóng viên Đầu tư Bất động sản đã thử mua một bộ thông tin về data khách hàng từ một website trên mạng. Theo đó, có những thông tin chi tiết đến cả tên dự án, block mà khách hàng đó đã mua. Không ít trong danh sách đó cập nhật cả những người nổi tiếng như giám đốc ngân hàng, doanh nghiệp, chủ tịch các tập đoàn… cho đến người tiêu dùng, khách quen của một số trung tâm thương mại, bệnh viện, dịch vụ spa... Sau khi người mua nhận được data, nhân viên bán hàng cung cấp gói data cho biết thêm, nếu có nhu cầu thì sẽ cập nhật theo từng tháng.

"Sử dụng dịch vụ trên, khách hàng sẽ được tặng kèm một phần mềm gửi email tự động thông minh, có khả năng gửi hàng loạt nhiều email cùng lúc vào inbox, người nhận sẽ chỉ biết duy nhất địa chỉ email của mình", một đơn vị cung cấp data quảng cáo về dịch vụ của mình.

Khách hàng lãnh đủ

Theo Luật sư Trần Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;…

Tuy nhiên, thực tế nhiều tổ chức như ngân hàng hay các công ty bảo hiểm hoặc các nhà mạng khó, thậm chí không thể kiểm soát được việc nhân viên của mình tuồn thông tin nội bộ khách hàng ra ngoài thị trường. Theo quy định hiện hành, có thể bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng/tổ chức (mức phạt cá nhân bằng 50%) với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông, có thể bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng/tổ chức (mức phạt cá nhân bằng 1/2).

Nếu mua thông tin cá nhân rồi liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị trái ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên; hoặc gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng, thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 0,5-2 triệu đồng/cá nhân (tổ chức phạt gấp đôi); bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện vi phạm.

Quy định là vậy, nhưng ghi nhận thực tế cho tới nay gần chưa từng có trường hợp tổ chức bị xử phạt vì tuồn thông tin khách hàng ra ngoài. Chưa kể, đa phần nhân viên môi giới sử dụng sim rác khi gọi điện cho khách hàng hoặc số điện thoại ẩn theo hotline của các sàn nên khách hàng rất khó truy hỏi được vì sao những thông tin "mật" của mình lại bị nắm rõ đến vậy.

Trong thời gian vừa qua, Báo Đầu tư Bất động sản rất thường xuyên nhận được thông tin phản hồi từ độc giả về việc bị làm phiền bởi các nhân viên môi giới bất động sản với tần suất gọi liên tục đến vài cuộc mỗi ngày, dù đó là số điện thoại riêng tư rất ít khi sử dụng với người lạ. Cách đây không lâu, chính đường dây nóng của Đầu tư Bất động sản cũng bị một nhân viên kinh doanh từ Công ty TNHH Khu du lịnh Vịnh Thiên Đường (Alma) gọi điện tới mời tham dự hội thảo mua kỳ nghỉ tại dự án này.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, chưa xét tới việc vi phạm pháp luật thì việc tuồn và rao bán các thông tin cá nhân cơ bản của khách hàng cũng không đúng với tiêu chuẩn hành nghề môi giới chuyên nghiệp, chứ chưa nói đến các thông tin thuộc dạng "mật" kia.

Tại các quốc gia phát triển, bảo mật thông tin khách hàng luôn là số một và việc chuyển thông tin khách hàng chỉ được thực hiện với một số nguyên tắc nhất định cũng như có sự giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Nhờ đó, hoạt động môi giới rất minh bạch và hiệu quả, đồng thời giúp người mua nhà an tâm hơn khi giao dịch.

Trong khi đó, tại Việt Nam, dù các đơn vị cung cấp quảng cáo là cập nhật, chính xác, nhưng cũng có nhiều thông tin rao bán hiện nay không chính xác, và đôi lúc không thực sự tạo ra hiệu quả về doanh số bán hàng. Do đó, theo vị lãnh đạo này, thời gian tới, cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp với việc rao bán thông tin của khách hàng nhằm giúp thị trường hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn. Đồng thời, vị lãnh đạo Hội Môi giới cũng khuyến cáo người mua nhà hạn chế cung cấp số điện thoại hay dùng của mình trên các website, diễn đàn, mạng xã hội…

“Khi cần cung cấp hoặc tiết lộ số điện thoại của mình cho một bên khác, khách hàng cần tìm hiểu tính xác thực và uy tín của bên mà mình sẽ cung cấp số điện thoại. Nếu địa chỉ liên hệ không rõ ràng, không rõ đơn vị chủ quản (đại lý ), chính sách bảo mật thông tin không có hoặc không rõ ràng thì hãy cân nhắc trước khi kết nối  liên lạc với bên đó.

Nếu bị nhân viên telesales làm phiền, khách hàng nên cho họ một câu trả lời dứt khoát: “Đừng làm phiền anh/chị nữa" bởi vì nếu nhận được câu trả lời không rõ ràng thì khách hàng sẽ tiếp tục nhận được những cuộc “chăm sóc" tiếp theo”, vị này khuyến cáo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan