Trái ngược bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ - Trung

Trái ngược bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ - Trung

(ĐTCK) Chiến tranh thương mại với Mỹ và các chính sách kiểm soát sử dụng đòn bẩy của giới chức Trung Quốc đã bắt đầu tạo gánh nặng lên tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp tại quốc gia này.

Các công ty lớn tại Mỹ vẫn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận 2 con số, trong khi các doanh nghiệp cùng hạng tại Trung Quốc chứng kiến đà giảm mạnh, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã nhen nhóm kể từ năm 2018 và ngày càng căng thẳng cho tới nay.

Lợi nhuận của các công ty có trụ sở chính tại Mỹ tăng 10% trong năm tài chính 2018, theo phân tích của Nikkei dựa trên dữ liệu của
QUICK-FactSet về 7.800 doanh nghiệp có giá trị thị trường ít nhất 1 tỷ USD. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm mạnh từ mức 22% xuống còn 3% trong năm vừa qua.

Màn biểu diễn ấn tượng của doanh nghiệp Mỹ có động lực chính xuất phát từ mảng công nghệ. Lợi nhuận của
Apple trong năm tài chính kết thúc vào ngày 29/9 tăng tới 23% so với năm trước đó, đạt 59,5 tỷ USD, mức cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết trên toàn cầu. Alphabet, công ty mẹ của Google chứng kiến lợi nhuận tăng gấp đôi trong năm tài chính kết thúc vào tháng 12/2018.

Trong khi đó, các tập đoàn tài chính cũng có một năm kinh doanh khởi sắc, mà Citigroup là tập đoàn có lợi nhuận ròng lớn nhất thế giới, nhờ những yếu tố tác động tích cực như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, thuế doanh nghiệp được hạ xuống.

Theo số liệu từ QUICK-FactSet, các doanh nghiệp có giá trị ít nhất 1 tỷ USD có trụ sở chính tại Mỹ chiếm 31% trong tổng số 4.140 tỷ USD lợi nhuận mà các doanh nghiệp tạo ra trên toàn cầu năm 2018, tăng 2% so với tỷ trọng năm trước.

Trong khi đó, quốc gia có tỷ trọng đóng góp lợi nhuận đứng thứ hai là Trung Quốc lại kéo lùi tốc độ tăng trưởng chung của khối doanh nghiệp trên toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính là việc giới chức nước này kiểm soát quy định sử dụng đòn bẩy, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc gọi vốn, tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Đại lục là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Doanh số bán xe ô tô mới thường niên của Trung Quốc năm 2018 lần đầu tiên giảm trong 28 năm qua, khiến các nhà sản xuất xe ô tô chứng kiến lợi nhuận đi xuống, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, thương mại toàn cầu suy giảm cũng khiến lợi nhuận của Cosco
Shipping Holdings giảm một nửa trong năm 2018.

Trên toàn cầu, Top 1% công ty lớn nhất thế giới đóng góp gần 30% tổng lợi nhuận tạo ra. Có 4 doanh nghiệp Mỹ thuộc Top 10 là Apple, Alphabet, JPMorgan Chase và Bank of America - tất cả đều chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận 2 con số. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc thuộc nhóm này bao gồm Industrial and Commercial Bank of China, China Construction Bank và Agricultural Bank of China báo cáo lợi nhuận tăng trưởng chưa tới 10%.

Các chuyên gia dự báo, tình hình sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Đại lục, khi chiến tranh thương mại bùng nổ tạo tác động lên nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.

“Tình trạng kinh doanh trên toàn cầu chưa có những thay đổi rõ nét, nhưng đó là bởi các tác động của chiến tranh thương mại cần thời gian để thể hiện. Chu kỳ hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ bị chậm lại bởi diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay”, Masayuki Kichikawa, chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại còn 3,3% trong năm 2019, so với mức 3,6% năm 2018.

Tin bài liên quan