Ùn tắc nghiêm trọng ở đường Cách mạng tháng 8 – cửa ngõ nối khu Nam và sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Trọng Tín

Ùn tắc nghiêm trọng ở đường Cách mạng tháng 8 – cửa ngõ nối khu Nam và sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Trọng Tín

TP.HCM viết tiếp “giấc mơ” đường trên cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ khi lên kế hoạch vào năm 2007 đến nay, TP.HCM vẫn chưa có tuyến đường trên cao nào được đầu tư xây dựng…

14 năm dang dở

Những người thường xuyên lưu thông đi qua nút giao Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) và khu vực đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chứng kiến cảnh ùn tắc xảy ra như cơm bữa, nhất là vào những giờ cao điểm. Đặc biệt, do đường sắt giao cắt với đường Nguyễn Văn Trỗi và các đường xung quanh nên tình trạng ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng hơn mỗi khi tàu lửa chạy qua khu vực này.

Để giải quyết bài toán kẹt xe, các cầu vượt bằng thép đã được bố trí qua các giao lộ này, nhưng tắc nghẽn chỉ giảm nhẹ một thời gian rồi lại tái diễn. Do đó, trong quy hoạch giao thông khu vực này, cơ quan chức năng đã tính tới phương án làm đường trên cao.

Tuy nhiên, nhiều người nghe xong cũng chỉ thở dài bởi câu chuyện làm đường trên cao ở TP.HCM nhiều năm nay luôn được nhắc đến, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào hình thành. Cách đây hơn 13 năm, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2007), chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km. Đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm và đặt vấn đề nghiên cứu đầu tư, nhưng sau mỗi lần nghiên cứu, đường trên cao lại đi vào… “ngõ cụt”.

Tháng 12/2007, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đã có báo cáo nghiên cứu ban đầu với đề xuất đầu tư theo hợp đồng BOT, xây dựng tuyến đường trên cao số 1 dài 9,5 km, 4 làn xe, tổng số vốn khoảng 340 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2009, đơn vị này cho biết, phải dừng dự án vì theo tính toán của họ, số tiền thu phí không đủ để hoàn vốn.

Năm 2009, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cũng đề xuất bỏ ra 36.694 tỷ đồng để đầu tư xây dựng dự án đường trên cao số 5, nhưng không biết vì lý do gì cũng “bỏ của chạy lấy người”. Mãi đến năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất với UBND TP.HCM làm tuyến đường trên cao số 1 với tổng vốn đầu tư khoảng 21.500 tỷ đồng, trong đó vốn đền bù giải tỏa khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau thời gian khảo sát, CII nhận thấy tuyến đường trên cao này đi qua các trục đường dày đặc các dự án mới, rất khó đền bù, giải phóng mặt bằng, nên doanh nghiệp cũng tạm dừng.

Phối cảnh đường trên cao theo trục Bắc - Nam khi hoàn thành. Ảnh: Công Ty CII

Phối cảnh đường trên cao theo trục Bắc - Nam khi hoàn thành. Ảnh: Công Ty CII

Gần nhất, năm 2019, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của UBND TP.HCM, ông Harold Chen, Phó chủ tịch Tập đoàn Alpha King mong muốn muốn lãnh đạo TP.HCM cho phép Alpha King và Công ty TNHH Build Your Dream (BYD) nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và số 2.

Tuy nhiên, sau khi “trống giong cờ mở” với nhiều dự án bất động sản hàng hiệu có giá hàng trăm triệu đồng/m2, Alpha King trở thành cái tên gây nhiều “tiếc nuối” tại thị trường địa ốc Việt Nam khi đầu năm 2021, doanh nghiệp này đã chuyển nhượng toàn bộ các dự án bất động sản tại TP.HCM cho Masterise Home và âm thầm rời đi.

Vì gặp khó trong kêu gọi đầu tư, đầu năm 2021, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó có đề cập đến các dự án đường trên cao bị “ế”.

Riêng ba dự án đường số 2, 3 và 4 dù có trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài từ năm 2014, nhưng đến hết năm 2020 vẫn chưa có nhà đầu tư nào đoái hoài. Chính vì vậy, căn cứ các tiêu chí đề xuất và lựa chọn lĩnh vực/dự án đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, UBND Thành phố đã loại ba dự án này ra khỏi danh mục trong 5 năm tới.

Thậm chí, trong đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 vừa được UBND Thành phố phê duyệt, hai đường trên cao số 1 và số 5 cũng xếp sau nhiều dự án khác về mức độ ưu tiên đầu tư.

Hơn 45.000 tỷ đồng khởi động lại “giấc mơ” đường trên cao

Tuy nhiên, một trong những động thái mới đây đã cho thấy “cửa sáng” dần lên với các tuyến đường trên cao ở TP.HCM là Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND Thành phố về việc nghiên cứu dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Đây là dự án do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất ý tưởng.

Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, với tổng chiều dài toàn tuyến 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu tại nút giao Cộng Hoà - Trường Chinh và kết thúc ở đường Nguyễn Văn Linh, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng, được đề xuất theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Đường trên cao Bắc - Nam thực chất là dự án được CII nghiên cứu từ việc ghép lại các phân đoạn của 3 tuyến trên cao số 1, 2 và 3. Ngoài CII, mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển hạ tầng IDICO cũng đề xuất tự bỏ kinh phí nghiên cứu đầu tư dự án đường trên cao số 5 giai đoạn 1 theo hợp đồng BOT. Tuyến đường dài 21,5 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) đi trùng Quốc lộ 1 đến ngã tư An Sương (quận 12), tổng vốn đầu tư hơn 15.400 tỷ đồng.

Dự án thuộc danh mục TP.HCM kêu gọi đầu tư năm 2021, thực hiện giai đoạn 2021 - 2030 theo hợp đồng BOT. Phương án này được Sở Giao thông - Vận tải ủng hộ và đang đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập hồ sơ đầu tư.

Cùng với đề xuất tham gia nghiên cứu của các doanh nghiệp, Sở Giao thông - Vận tải nhận định, trước tình hình khó khăn về ngân sách, việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT giai đoạn hiện nay là phù hợp.

Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đánh giá, việc các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm trở lại với các tuyến đường trên cao là tín hiệu rất đáng mừng.

Đồng thời, đề án tăng chỉ tiêu điều tiết ngân sách giữ lại tăng từ mức 18% tổng thu lên 23% cho Thành phố vừa nhận được sự đồng thuận của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó tinh thần của đề án là ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng. Như vậy, bên cạnh cơ hội đẩy nhanh các dự án cấp bách, trọng điểm, đối với các dự án có thể xã hội hóa được, Thành phố sẽ có thêm nguồn vốn ngân sách để huy động thêm nguồn lực từ khối doanh nghiệp tư nhân, giống như phương án các doanh nghiệp đang đề xuất đối với tuyến đường trên cao Bắc - Nam và đường số 5.

Đánh giá đề xuất trên, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia quy hoạch đô thị có kinh nghiệm từng tham gia tư vấn quy hoạch cho phố Đông - Thượng Hải cho rằng, nhà đầu tư lên ý tưởng nối các phân đoạn thuộc 3 đường trên cao khác thành một tuyến là cách tiếp cận linh hoạt, không làm thay đổi quy hoạch ở thành phố.

Tuyến này giúp đi lại giữa Nam Sài Gòn đến sân bay Tân Sơn Nhất và khu trung tâm thành phố thuận lợi hơn. Đồng thời, đường trên cao băng qua các nút giao sẽ hạn chế xung đột giao thông, giảm ùn tắc các tuyến hiện hữu.

Tuy nhiên, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc nghiên cứu dự án không nên cục bộ, mà cần trong tổng thể các dự án khác nhằm tạo mạng lưới liên kết. Đặc biệt, ở các tuyến quanh sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, trong khi ga T3 dự kiến khai thác vài năm tới, nên nơi này càng đối mặt nguy cơ tạo điểm đen ùn tắc. Do đó, điểm đầu dự án tại nút giao Cộng Hoà - Trường Chinh nếu không kết hợp với những dự án giao thông xung quanh sân bay thì sẽ dễ xảy ra tình trạng ùn tắc bởi lượng xe ở đây tăng cao.

Tin bài liên quan