Kế hoạch lớn cho hạ tầng giao thông
Suốt nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng tại TP.HCM không ngừng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo Thành phố từng ngày. Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát và Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nhiều dự án hạ tầng vẫn được thi công.
Đơn cử, tại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) - chủ đầu tư dự án cho biết, để đồng thời bảo đảm an toàn thi công và phòng chống dịch bệnh, toàn bộ kỹ sư và công nhân đều tuân thủ nguyên tắc 5K, “3 tại chỗ”.
Hay tại dự án cầu Thủ Thiêm 2 (bắc qua sông Sài Gòn, nối liền TP. Thủ Đức và quận 1), sau nhiều lần “lỗi hẹn” thì nay đã được hợp long, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Để có được kết quả này, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh và nhà thầu đã bố trí phương án “3 tại chỗ”, tổ chức xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ cán bộ kỹ thuật và công nhân, vừa đảm bảo nguồn lực để thi công được liên tục, vừa đảm bảo bảo chống dịch hiệu quả.
Ngoài những dự án trên, trong năm 2021, TP.HCM còn đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông khác như mở rộng đường Bùi Đình Túy, hoàn thành sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), thông xe cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè), thông xe một nhánh cầu Bưng mới (nối quận Bình Tân và Tân Phú)...
Theo ghi nhận của phóng viên, trong năm 2022, sẽ có thêm nhiều dự án giao thông trọng điểm được dự kiến khởi công như xây dựng nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50 và đặc biệt là nhóm 5 dự án xóa, giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, dự án Xây dựng nút giao An Phú (TP. Thủ Ðức) đang được chủ đầu tư Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM lập báo cáo nghiên cứu khả thi, bao gồm thi tuyển kiến trúc công trình và lập đánh giá tác động môi trường.
Kế đến là dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), vừa được TP.HCM bố trí nguồn vốn 120 tỷ đồng để triển khai trong năm 2022, khi hoàn thành vào năm 2024 sẽ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, chia sẻ áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam Thành phố.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, trong những dự án trên, dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa có khả năng triển khai sớm nhất, bởi Ban Quản lý đang phối hợp chặt chẽ với UBND quận Tân Phú hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để sớm khởi công, tạo kết nối đồng bộ và thuận tiện cho việc khai thác dự án Nhà ga T3 sau này. Ở giai đoạn tiếp theo, các công trình khép kín đường Vành đai 2, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đường Vành đai 3 và Vành đai 4, các dự án mở rộng cửa ngõ Thành phố... sẽ lần lượt khởi công và hoàn thiện từ nay đến năm 2025.
“Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị cho những dự án hạ tầng giao thông lớn. Các công trình này sau khi hoàn thành sẽ cơ bản thay đổi bộ mặt giao thông của Thành phố”, ông Phúc nhấn mạnh.
Nút giao hầm chui An Sương, kết nối TP.HCM và Tây Ninh. Ảnh: Lê Toàn |
Doanh nghiệp địa ốc trông ngóng
Theo ghi nhận của phóng viên, kể từ khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành lắp đặt dầm thép cuối cùng, các dự án căn hộ hạng sang trong khu vực Thủ Thiêm được rầm rộ rao bán, có thể kể đến đầu tiên là dự án The Metropole Thủ Thiêm do Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư và SonKim Land là nhà phát triển, với mức đầu tư dự kiến gần 7.500 tỷ đồng, đang bàn giao giai đoạn I và II.
Cách đó khoảng 2 km là dự án căn hộ Empire City, nằm dọc trục đại lộ Mai Chí Thọ, kề bên hầm Thủ Thiêm và đường ven sông Sài Gòn quy mô 15 ha, với tổng kinh phí 1,2 tỷ USD, giai đoạn I gồm 2 cụm tháp với gần 1.000 căn hộ.
Cùng “chạy đua” là dự án The River Thủ Thiêm của chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, với tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô 3,5 ha, gồm 6 tòa nhà cao 12-24 tầng, dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 1.140 căn hộ.
Hướng về phía quận 1, dự án Grand Marina Saigon tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng cũng đang đẩy nhanh tiến độ để đón “cú huých” của cầu Thủ Thiêm 2.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc TP.HCM đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp các dự án bất động sản xung quanh được hưởng lợi lớn, bởi trong câu chuyện hình thành giá trị cho dự án, không thể không nhắc đến yếu tố vị trí, tính kết nối, mà điều này phụ thuộc phần lớn vào các dự án hạ tầng giao thông kết nối.
Song, có một thực tế là bên cạnh những dự án đã và đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm khác vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành. Đơn cử, dự án nâng cấp đường Lương Định Của, đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định (TP. Thủ Đức) có mức đầu tư 325 tỷ đồng, mới thi công đạt khoảng 60% khối lượng do chậm trễ trong khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Tương tự, dự án cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè, vốn đầu tư 557 tỷ đồng, đang tắc do mặt bằng chưa bàn giao xong. Công trình này thực hiện xây lắp phần cầu đạt 53,1% kế hoạch, nhưng phải dừng thi công từ tháng 12/2019 do mặt bằng phần mố M1-trụ T1 và mố M2-trụ T8 chưa được bàn giao…
“Những dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, mà còn gây sức ép rất lớn cho kinh tế nói chung, thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng. Do vậy, chính quyền Thành phố cần khẩn trương rà soát để có hướng xử lý đối với những dự án này trong năm 2022”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Thủ Đức chia sẻ.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Địa ốc Thắng Lợi cho rằng, TP.HCM đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng dân số, hạ tầng các khu công nghiệp, khu sản xuất quá tải…, nên cần phát triển thị trường bất động sản theo hướng bền vững cho Thành phố và vùng mở rộng phía Nam.
Theo ông Quyền, để thành công với chiến lược này, cần đảm bảo 3 yếu tố, đó là công ăn việc làm, môi trường sống và kết nối giao thông. Mặt khác, khi đầu tư vào các vùng TP.HCM mở rộng, doanh nghiệp gặp khó khăn về pháp lý dự án và đền bù giải tỏa. Do vậy, cần có các quỹ đất sạch, kết nối giao thông thuận lợi và cho doanh nghiệp tham gia thực hiện.
“Như vậy, giá thành sản phẩm sẽ giảm và người dân sẽ tiếp cận bất động sản dễ hơn. Đó là cách để thị trường bất động sản phát triển bền vững”, ông Quyền nói.
Thấu hiểu những băn khoăn của các doanh nghiệp, tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP.HCM khóa X vừa diễn ra, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đã nhấn mạnh rằng, các cấp, các ngành cần chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm trong năm 2022, bảo đảm giải ngân trên 95% kế hoạch. Đối với các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm, cần ưu tiên bố trí đảm bảo đủ vốn thực hiện…