Toàn cảnh hội nghị (ảnh: Trọng Tín)
Cụ thể, bước 1 làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; bước 2 trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; bước 3 làm thủ tục giao thuê đất; bước 4 quy định doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; bước 5 mới được cấp “sổ đỏ” dự án; bước 6, doanh nghiệp mới được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, với quy trình 6 bước triển khai này, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Thành phố nên nghiên cứu lại bởi nếu thực hiện theo đúng quy trình này, các doanh nghiệp có thể phải mất trên dưới 5 năm mới xong thủ tục một dự án.
Tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản diễn ra vào sáng 22/2, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, nếu doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 thì chưa phù hợp với quy định hiện hành.
“Hiện pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này, mà chỉ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước trong 2 trường hợp: một là để làm thủ tục cấp sổ đỏ; hai để bán nhà, nền nhà hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai”, ông Châu nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)
Theo ông Châu, việc nộp tiền sử dụng đất tại bước 4, chưa kể thời gian làm thủ tục phải mất trên dưới 2 năm hoặc lâu hơn, điều này đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ bị chôn vốn. Ngoài ra, các chi phí khác như chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý sẽ tăng lên.
“Nếu theo quy trình mà Thành phố đưa ra thì đến bước thứ 6 doanh nghiệp mới được công nhận chủ đầu tư và được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng. Tức là tới lúc đó doanh nghiệp mới được thi công xây dựng các công trình của dự án thì quy định này cũng không phù hợp với pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị. Doanh nghiệp bị chôn vốn khoảng trên dưới 5 năm, làm tăng giá thành mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu”, ông Châu phân tích.
Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho rằng, tình trạng chậm tính tiền sử dụng đất dự án cũng là vướng mắc chung mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải gánh chịu thiệt hại. Hiện các khách hàng mua nhà tại dự án đã nhiều lần cầu cứu các cơ quan chức năng để sớm cấp sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Lấy ví dụ ngay tại dự án mình triển khai, ông Nghĩa cho biết, Dự án chung cư cao tầng An Bình (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) đã được Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Tuy nhiên, do một số vướng mắc về pháp lý nên đến tận năm 2018, UBND TP.HCM mới có Quyết định số 1937 về chuyển mục đích sử dụng đất của dự án.
“Tuy nhiên, đến tận bây giờ dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất để công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà”, ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đồi, Giám đốc Công ty SSG, cho rằng thực tế rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gồng mình lên để thực hiện dự án. Quy trình thực hiện dự án 4 bước, 5 bước hay 6 bước không quan trọng mà quan trong là mất bao lâu để thực hiện các bước đó.
Doanh nghiệp luôn mong muốn được nộp tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt. Thực tế thì quy trình vẫn phải thực hiện nhưng cần phải nhanh. Nếu không thực hiện nghĩa vụ tài chính trước thì có một số doanh nghiệp chưa xong đã bán lúa non, chưa biết tiền sử dụng đất bao nhiêu đã bán, bán hớ, bán giá thấp khi doanh nghiệp phá sản lại kêu.
“Các sở ban ngành thẩm định để cho doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt. Điều này thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể đi các bước tiếp theo trong việc thực hiện một dự án”, ông Đồi nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, bắt buộc doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bản thân cán bộ nhà nước không dám buông lơi để doanh nghiệp hoàn thành dự án xong mới nộp nghĩa vụ tài chính.
Theo ông Hoan, nghĩa vụ tài chính là khâu khó thực hiện. Nếu chưa thực hiện khâu này thì nhà nước sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp đi ngược, có giấy chứng nhận, triển khai xây dựng dự án xong mới nộp tiền sử dụng đất rất dễ dẫn đến doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất. Chưa kể, bản thân doanh nghiệp chưa biết được mình có nộp tiền sử dụng đất ít hay nhiều, giá thành của dự án sẽ ra sao, rồi chuyển nhượng như thế nào nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước quyết định thì cứ phải làm, cấp phép xây dựng vẫn cứ phải cấp. Bởi thực tế có nhiều chủ đầu tư bỏ tiền vào đất, nếu không được giải quyết thì rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiền dự án nằm trong ngân hàng”, ông Hoan nói và nhấn mạnh, nếu quy trình để thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp còn chậm trễ, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì Thành phố sẽ coi lại quy trình xử lý nội bộ để làm nhanh hơn.