Hướng đến đô thị thông minh
Nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, UBND TP.HCM mới đây đã tổ chức Hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng - dự báo kinh tế xã hội.
Sự kiện này đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, từ cuối năm 2017, Thành phố đã ban hành Đề án xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2025 và là địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước.
Việc quản lý gắn với đô thị thông minh nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt là tính bền vững trong phát triển kinh tế; nâng cao mức sống của người dân, cung cấp cho người dân những dịch vụ sống tốt nhất; phục vụ người dân tốt nhất, cũng như hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình quản lý và giám sát chính quyền.
Như vậy, đô thị thông minh có 4 chủ thể, gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân và tất cả các chủ thể này phải là những chủ thể thông minh.
Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi trường là môi trường thực; không gian mạng, internet, viễn thông để con người tương tác với các thiết bị xung quanh mình.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, mục tiêu của đề án đô thị thông minh là giúp Thành phố phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giải quyết những vấn đề tắc nghẽn, kéo dài bức xúc như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng cường sự tương tác giữa chính quyền đối với doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, một khu đô thị sáng tạo của thành phố gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, sẽ được xây dựng bởi nơi đây có 20 trường đại học và khu công nghệ cao.
Khu đô thị này sẽ là trung tâm tài chính, khoa học, công nghề và sẽ làm hạt nhân để tương tác, phát triển sang những khu vực khác của thành phố.
Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã mời gọi đầu tư, xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn cho toàn thành phố, xây dựng một công ty an ninh thông tin, xây dựng 2 trung tâm giúp thành phố điều hành thông minh các vấn đề về an toàn giao thông, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp Thành phố mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội.
Thể hiện sự quyết tâm của việc TP.HCM bắt tay vào triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Thông tin và Truyền thông với tư cách là đơn vị thường trực của ban điều hành dự án phải nhanh chóng triển khai với nhiệm vụ xác định trong năm 2018, sẽ lựa chọn ai, điều hành trung tâm thông minh này như thế nào... và phải có báo cáo cụ thể vào ngày 23/11/2018.
“Tôi thấy đã đến lúc dừng lại việc lên kế hoạch để bắt tay vào triển khai ngay. Phải làm thì mới biết vướng ở đâu để hoàn thiện từ từ, phải làm để có kết quả cụ thể thì mới đảm bảo được đề án này từ nay đến 2020 - 2022 sẽ như thế nào”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói và cho biết thêm, Thành phố sẽ chủ trì và ngân sách thành phố sẽ bỏ ra cho đề án này.
Môi trường đầu tư sẽ minh bạch và hiệu quả
Để hiểu rõ hơn về 2 trung tâm đô thị thông minh sẽ được triển khai trong thời gian tới, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, Trung tâm điều hành đô thị thông minh là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của đô thị.
Tại đây sẽ được trang bị các công nghệ tiên tiến, cho phép tích hợp các tính năng bổ sung khi cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu điều hành quản lý tổng thể của lãnh đạo Thành phố, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển Thành phố.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ quan chức năng dễ dàng giao tiếp, phối hợp để vừa cung cấp bức tranh toàn cảnh về các hoạt động của Thành phố cho lãnh đạo, vừa giúp nâng tầm chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội là mô phỏng xu hướng phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thuộc giai đoạn 2015 - 2020.
Từ giai đoạn 2021 trở đi, Trung tâm mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với tất cả lĩnh vực thuộc Đề án Đô thị thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố.
Trao đổi với phóng viên Báo đầu tư Bất động sản về vấn đề này, đại diện nhiều doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM đều cho rằng, nếu các chương trình này được triển khai mà có kết quả thì gánh nặng về thủ tục hành chính của doanh nghiệp sẽ được giải quyết. Đồng thời, thị trường sẽ minh bạch hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, những thủ tục liên quan đến việc đầu tư, cấp phép cho các công trình xây dựng hiện nay rất nhiều và là gánh nặng đối với doanh nghiệp bất động sản.
Đơn cử, hiện nay, muốn làm giấy chứng nhận đầu tư phải mất 3 giai đoạn, như chấp nhận chủ trương đầu tư, địa điểm đầu tư, chấp thuận đầu tư.
Trong khi đó, việc này không phải chỉ có một mình Sở Xây dựng làm, mà còn phải hỏi ý kiến các ban, ngành khác, rồi lại phải đợi trình lên UBND Thành phố phê duyệt.
Tương tự, thủ tục về việc cấp phép xây dựng hiện nay cũng phải trải qua 3 giai đoạn vô cùng ngặt nghèo, như thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, rồi giấy phép xây dựng.
Chưa kể, nếu một dự án chuẩn bị xây dựng nhưng lại nằm trong khu vực điều chỉnh quy hoạch thì ngoài việc đợi UBND quận và Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh, phải mất thêm 4 tháng để trình UBND Thành phố xét duyệt lại một lần nữa.
Tuy nhiên, khi Trung tâm điều hành đô thị thông minh đi vào hoạt động thì mọi thông tin sẽ được minh bạch hơn, việc giao tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp cũng dễ dàng và tiện lợi hơn.
“Lúc này, doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào hệ thống là có thể biết được thông tin về quy hoạch tại khu vực mình định đầu tư. Từ đó giúp ban lãnh đạo có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, không phải mất quá nhiều thời gian để điều chỉnh.
Cũng qua hệ thống này, doanh nghiệp có thể biết được hiện trạng hồ sơ của mình như thế nào, ai tiếp nhận, ai thụ lý, ai kiểm tra... và cũng có thể biết được hồ sơ của mình còn thiếu hay cần phải bổ sung thêm thông tin gì”, ông Đực nói.
Dưới góc độ đơn vị nghiên cứu thị trường, đại diện JLL cho biết, các nền tảng công nghệ mới sẽ là bước nhảy vọt lớn cho ngành bất động sản.
Mặc dù việc thu thập dữ liệu trên diện rộng luôn đầy thử thách, nhưng nhờ đó mà chỉ số minh bạch được nâng cao, đặc biệt là tại những thị trường quản lý thông tin chặt chẽ.
“Bất động sản đang đứng giữa bước đột phá của công nghệ, công nghệ mới giúp mọi người tiếp cận thông tin thị trường dễ dàng hơn, là chìa khóa cho minh bạch toàn ngành bất động sản”, Jeremy Kelly, Giám đốc Nghiên cứu Toàn cầu của JLL chia sẻ.
Đại diện JLL cho biết thêm, công nghệ mới sẽ cung cấp cho nhà đầu tư, khách thuê và đơn vị quản lý khả năng truy cập thông tin của dự án dễ dàng hơn, hỗ trợ việc đưa ra các quyết định quan trọng một cách sáng suốt hơn... Đặc biệt, dữ liệu được chia sẻ công khai hứa hẹn sẽ góp phần mở rộng quy mô thị trường.