Hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.
Ngày 12/1, UBND TP.HCM đã làm việc với các tỉnh Đồng Nai; Long An; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương để thảo luận về việc đầu tư đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, TP.HCM.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM ông Trần Quang Lâm cho biết, dự án đường Vành đai 3, đến nay, các địa phương đã hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Dự kiến, sẽ bàn giao mặt bằng để khởi công vào quý II/2023.
Đối với dự án đầu tư đường Vành đai 4, ông Lâm cho biết, hiện nay, các địa phương đang tổ chức thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với từng đoạn đi qua các địa phương.
Kế hoạch dự kiến đưa ra là quý II/2023, hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trong năm 2023, hoàn thành thẩm định kế hoạch chủ trương đầu tư. Tháng 9/2024, khởi công công trình. Quý I năm 2028, đưa dự án vào khai thác, thu phí.
Hội nghị đã thống nhất quy mô quy hoạch của dự án là 6-8 làn xe, trong đó giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe, giải phóng mặt bằng 1 lần để giai đoạn 2 mở rộng lên 8 làn xe.
Về nguồn vốn các địa phương thống nhất dự án cần có nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, cộng với vốn của địa phương và nhà đầu tư.
Trong đó, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Các địa phương cũng thống nhất trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.
Lãnh đạo TP.HCM và 4 địa phương lân cận ký kế hoạch đầu tư dự án đường Vành đai 4, TP.HCM - Ảnh: TTBC TP.HCM |
Sau khi nghe ý kiến từ các địa phương, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đề nghị, đối với đường Vành đai 3, cần tập trung hoàn thiện phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường. Sau đó, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để có văn bản chính thức sớm nhất; đồng thời hoàn thiện thủ tục thiết kế kỹ thuật để phê duyệt.
Liên quan vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Mãi đề nghị thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư của dự án Vành đai 3 là dự án kiểu mẫu.
Đối với dự án đầu tư đường Vành đai 4, ông Mãi cho biết, sau buổi làm việc này, TP.HCM sẽ đăng ký làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải để thống nhất về hình thức và thời gian trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Chủ tịch UBND TP. HCM đề nghị, các địa phương cần xác định tiến độ để đầu tư và hoàn thành hai tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 trước năm 2030.
Đường Vành đai 4 TP. HCM: chiều dài khoảng 200 km, đi qua 5 địa phương gồm: TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điểm đầu của dự án giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM).
Lộ trình dự kiến thực hiện dự án đường Vành đai 4, TP.HCM
- Quý II/2023, hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
- Năm 2023, hoàn thành thẩm định kế hoạch chủ trương đầu tư.
- Quý III/2024, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
- Tháng 9/2024, khởi công công trình.
- Tháng 12/2027, thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến.
- Quý I/2028, đưa dự án vào khai thác, thu phí.