TP. HCM đề xuất giải pháp giảm tồn kho BĐS

TP. HCM đề xuất giải pháp giảm tồn kho BĐS

(ĐTCK) Sở Xây dựng TP. HCM vừa đề xuất một giải pháp được xem là sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản giải quyết được bài toán hàng tồn kho.

Với quy định, chỉ những căn hộ dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 mới thuộc diện được ưu tiên trong Nghị quyết 02 của Chính phủ, các doanh nghiệp cho rằng, sẽ không giải được bài toán hàng tồn kho BĐS, bởi phần lớn căn hộ tồn kho hiện nay có diện tích trên 70 m2.

Để giải quyết nút thắt này, Sở Xây dựng TP. HCM đề xuất, phần diện tích 70 m2 trở xuống được tính theo giá nhà ở xã hội, phần còn lại được tính thêm tiền sử dụng đất. Về giá bán căn hộ thuộc diện ưu tiên, TP. HCM sẽ lấy giá thành tại dự án nhà ở xã hội 157/R8 Tô Hiến Thành đã hoàn thành (khoảng 11 triệu đồng/m2) làm giá tối đa cho các dự án chuyển đổi.

Về lo ngại phân khúc nhà ở xã hội sẽ bội cung trước “trào lưu” xin chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội như hiện nay, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, Thành phố chỉ xét và ưu tiên những dự án đã hoàn chỉnh căn hộ, xem xét các dự án đang xây dựng, còn các dự án nhà ở thương mại đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chưa khởi công chỉ xem xét chuyển đổi khi các chủ đầu tư chứng minh được năng lực, hiệu quả, tính khả thi của dự án và phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, Thành phố cũng cho điều chỉnh căn hộ sang diện tích nhỏ thuộc khu trung tâm Thành phố.

Về vấn đề mua lại dự án nhà ở thương mại làm nhà tái định cư hoặc nhà ở xã hội để giải bài toán hàng tồn, ông Tuấn khẳng định, Thành phố không có chủ trương này, bởi không thể cùng một lúc bỏ tiền làm nhà tái định cư và bỏ tiền ra mua lại dự án. Tuy nhiên, Thành phố có thể đứng ra làm đầu mối để những người thuộc diện ưu tiên ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư. Với cơ chế này, Sở sẽ kiến nghị cho người mua được vay tại Quỹ phát triển nhà ở Thành phố với lãi suất 6%/năm ổn định trong 10 năm.

Ủng hộ giải pháp trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành chia sẻ, việc TP. HCM không bỏ tiền ra mua lại dự án làm nhà ở xã hội là hoàn toàn đúng đắn.

“Là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh BĐS, chúng tôi ủng hộ chủ trương này, vì như vậy sẽ hạn chế tình trạng tiêu cực. Còn vấn đề chủ đầu tư và người mua được hưởng ưu đãi ký hợp đồng mua nhà thông qua Sở Xây dựng, thì nên xem xét để cho chủ đầu tư và người mua tự thỏa thuận, sau đó sẽ báo cáo lên Sở để hưởng ưu đãi”, ông Đực đề xuất.

Giải pháp mà Sở Xây dựng TP. HCM đưa ra được nhiều doanh nghiệp BĐS nhận định, sẽ giải quyết được bài toán hàng tồn kho

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành khẳng định, giải pháp mà Sở Xây dựng TP. HCM đưa ra hoàn toàn hợp lý tại thời điểm này. Giải pháp này gỡ khó cho các dự án đã và đang hoàn thiện, đặc biệt cho các dự án có căn hộ lớn. Quy định tính giá tối đa 11 triệu đồng/m2, phần còn lại cộng thêm tiền sử dụng đất là hoàn toàn hợp lý, bởi doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội đã được hưởng ưu đãi.

“Nên để cho người mua đủ điều kiện hưởng ưu đãi tự tìm căn hộ theo ý họ, sau đó đề xuất mua và Sở Xây dựng là cơ quan kiểm duyệt thì sức mua sẽ tăng lên, thay vì ấn định phải mua cụ thể tại một dự án”, ông Nghĩa kiến nghị.

Dù đánh giá cao giải pháp trên của Sở Xây dựng TP. HCM, nhưng vẫn có một số ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp và người mua lách luật để được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, cũng có một số lo ngại về chất lượng của các dự án căn hộ nhà ở xã hội, cũng như tình trạng “lộn xộn” khi dự án nhà ở thương mại có xen kẽ dự án nhà ở xã hội.

Về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, khác biệt giữa dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội là ở chính sách, cơ chế mua bán nhà, còn chất lượng và tiện ích đi kèm thì được hưởng như nhau. Cần xóa bỏ quan điểm nhà ở xã hội đi kèm chất lượng thấp, kém tiện ích.

“Giải pháp của TP. HCM không chỉ gỡ cho các dự án căn hộ có diện tích lớn hiện tại, mà còn mở ra hướng mới cho dự án có diện tích căn hộ lớn trong tương lai. Nhà ở xã hội không nhất định phải là căn hộ nhỏ, mà căn hộ lớn, giá thấp vẫn có quyền tham gia thị trường. Miễn là sản phẩm phù hợp với túi tiền và nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM bày tỏ quan điểm.

 

Tại TP. HCM có 20 dự án chung cư nộp đến Sở Xây dựng để xem xét chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Trong đó có 2 dự án đã hoàn chỉnh căn hộ, 6 dự án đang trong quá trình thi công, các dự án còn lại mới xong phần mặt bằng hoặc chưa khởi công.