Top 5 cổ phiếu hút tiền nhất thị trường chứng khoán Việt Nam

Top 5 cổ phiếu hút tiền nhất thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Quán quân của bảng xếp hạng không ai khác là FLC của CTCP Tập đoàn FLC.

Cùng Đầu tư Chứng khoán thống kê và phân tích tình hình phát triển kinh doanh của 5 cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh bình quân cao nhất trong 691 mã niêm yết trên 2 sàn 10 tháng qua. 

Điểm chung của những cổ phiếu được xếp hàng đầu về thanh khoản trên thị trường niêm yết là đều nằm trong nhóm VN30. Trong đó, quán quân của bảng xếp hạng không ai khác là FLC của CTCP Tập đoàn FLC.

FLC chính thức gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2011 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Sau 2 năm niêm yết trên sàn HNX, FLC đã chuyển sàn sang HOSE kể từ ngày 29/7/2013 với vốn điều lệ tại thời điểm này là 772 tỷ đồng.

Trong năm 2014, FLC đã thực hiện 3 đợt phát hành và tăng vốn lên 1.543,6 tỷ đồng. Sang năm 2015, chỉ trong 6 tháng đầu năm, FLC tiếp tục thực hiện thêm 3 đợt phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ lên gần 4.550 tỷ đồng.

Tháng 10 vừa qua, FLC đã chính thức thông báo sửa đổi điều lệ Công ty với vốn điều lệ là hơn 6.380 tỷ đồng sau 2 đợt phát hành thêm vào tháng 6 và tháng 9 trong năm.

Được mệnh danh là “vua thanh khoản”, FLC thường có khối lượng khớp lệnh vài triệu đến vài chục triệu đơn vị mỗi phiên. Tính trung bình 10 tháng năm 2016, FLC là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất với lượng khớp đạt hơn 6,87 triệu đơn vị/phiên.

Trong khoảng thời gian này, diễn biến giá cổ phiếu FLC dao động trong khoảng 4.200-8.000 đồng/CP, trong đó giá cao nhất 8.000 đồng/CP là mức giá đóng cửa phiên 6/1, còn mức giá đóng cửa thấp nhất được ghi nhận ngày 16/9.

Kể từ đầu năm đến thời điểm cuối tháng 10, giá cổ phiếu FLC đã giảm 16,13% từ mức 7.900 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 31/12/2015) xuống 6.710 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 31/10).

Đầu tháng 11 vừa qua, lãnh đạo FLC đã cho biết, tính đến đầu tháng 10, Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà ĐHCĐ giao, đạt 1.200 tỷ đồng.

Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng những cổ phiếu giao dịch tốt nhất thị trường cũng là cổ phiếu quen thuộc trong nhóm bất động sản - ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 tháng đạt 3,47 triệu đơn vị/phiên.

ITA chính thức tham gia vào thị trường niêm yết từ 2006 với số vốn điều lệ 450 tỷ đồng. Sau 10 năm niêm yết, ITA đã nâng số vốn điều lệ lên 8.384 tỷ đồng và nằm trong Top 10 cổ phiếu có tốc độ tăng vốn điều lệ khủng nhất thị trường.

Cũng giống FLC, trong 10 tháng qua, giá cổ phiếu ITA đã giảm 13,21% từ mức giá 5.600 đồng/CP cuối năm ngoái, xuống 4.860 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 31/10). Trong khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu ITA đã biến động trong khoảng 4.100 - 5.600 đồng/CP.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, 9 tháng, ITA đạt 253,52 tỷ đồng doanh thu, giảm 67,66% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 21,63% kế hoạch năm (1.172 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 31,5 tỷ đồng, giảm tới 82% so với cùng kỳ năm trước và chỉ hoàn thành 8,18% kế hoạch cả năm (385 tỷ đồng).

STT
Tên công ty
Ngày niêm yết
Vốn điều lệ chào sàn (tỷ đồng)
Vốn điều lệ hiện tại (tỷ đồng)
Khối lượng khớp lệnh bình quân 10 tháng (cổ phiếu/phiên)

1

CTCP Tập đoàn FLC

FLC

29/07/2013

772

6.380

6.872.673

2

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo

ITA

11/1/2006

450

8.384

3.465.874

3

CTCP Hoàng Anh Gia Lai

HAG

15/12/2008

1.798

7.900

3.426.697

4

CTCP Tập đoàn Hòa Phát

HPG

31/10/2007

1.320

8.429

3.103.824

5

Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc – CTCP

KBC

7/12/2009

1.991

4.757

2.962.194

Có khối lượng giao dịch trung bình 10 tháng xấp xỉ ITA là HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai, đạt 3,43 triệu đơn vị/phiên.

Với những khó khăn phát sinh từ giai đoạn vay nợ để đầu tư khiến HAG kinh doanh khá bết bát trong quý III và 9 tháng. Trong đó, quý III, Công ty lỗ 77 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng lỗ tới 1.268 tỷ đồng.

Chính những thông tin khá tiêu cực khiến dcổ phiếu HAG giảm khá mạnh trong 10 tháng qua, với mức giảm 50% từ mức giá 10.400 đồng/CP cuối năm trước, xuống 5.200 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 31/10).

Trong 10 tháng, biến động giá cổ phiếu HAG cũng khá lớn, từ 4.900 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 16/9) đến 11.300 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 12/1).

2 vị trí tiếp theo là HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát có khối lượng khớp lệnh trung bình 10 tháng đạt 3,1 triệu đơn vị/phiên và KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP đạt 2,96 triệu đơn vị/phiên.

Là một trong những cổ phiếu bluechip có các yếu tố cơ bản tốt, diễn biến giá cổ phiếu HPG trong 10 tháng qua khá tích cực, với mức tăng trưởng đạt 39,55% từ mức giá 29.200 đồng/CP, lên 40.750 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 31/10), thậm chí, HPG còn leo lên mức giá đóng cửa cao nhất 49.300 đồng/CP tại ngày 23/8.

Tương tự, giá cổ phiếu KBC cũng có mức tăng trưởng tốt trong 10 tháng đầu năm, từ mức giá 13.100 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 31/12/2015) lên mức 17.700 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 31/10), tương ứng tăng trưởng 35,11%.

Được biết, 9 tháng năm 2016, HPG đạt 23.333 tỷ đồng doanh thu và 4.656 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 14,77% và 58,48% so với cùng kỳ năm trước; còn KBC đạt doanh thu 1.567 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 628 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ 2015.

Tin bài liên quan