Tổng thống Nga Vladimir Putin. ẢNh: TASS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. ẢNh: TASS.

Tổng thống Vladimir Putin: Tôi không giống Sa hoàng, tôi không trị vì

(ĐTCK) Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS hôm 19/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, ông không giống với Sa hoàng và còn quá sớm để đặt câu hỏi về tương lai của ông sau khi hết nhiệm kỳ vào không năm 2024.

Không đồng ý việc được gọi là Sa hoàng

 Trong buổi phỏng vấn cho dự án “20 câu hỏi cùng Vladimir Putin”, khi được phóng viên đặt câu hỏi về cảm nhận khi được gọi là Sa hoàng (tên gọi vua của Nga), ông Putin nói: “Điều này không đúng. Tôi làm việc mỗi ngày, tôi không trị vì”.

Theo giải thích của ông Putin, Sa hoàng là người chỉ ngồi một chỗ, thỉnh thoảng liếc mắt từ trên cao xuống và ra lệnh bắt người khác phục tùng, trong khi bản thân thì chỉ đội mũ rồi tự ngắm mình trong gương.

Vladimir Putin, người lãnh đạo nước Nga trong suốt 20 năm qua, thừa nhận, ông chưa bao giờ nghĩ tới việc bản thân có thể nắm quyền lực lâu đến như vậy.

“Tôi toàn toàn không ngờ, giờ này mình vẫn đang ngồi đây”, ông Putin nói.

Khi được hỏi, liệu có bao giờ trong một khoảng khắc nào đó, bản thân nghĩ tới việc “bỏ cuộc giữa chừng” hay chưa, nhà lãnh đạo Nga cho biết, ông ý thức được bản thân có trách nhiệm với “những gì đang diễn ra và những chuyện sẽ xảy đến”.

Ông Putin cũng chia sẻ thêm rằng, vào thời điểm rời vị trí Tổng thống Nga năm 2008, ông không nghĩ sẽ trở lại vị trí đó 4 năm sau đó, song cũng không gạt bỏ hoàn toàn khả năng cơ hội đó sẽ đến. 

Sau năm 2024, người dân Nga sẽ quyết định

 Ông Putin cho rằng, hiện tại còn quá sớm nói về quyền lực sau khi ông hết nhiệm kỳ năm 2024. 

 “Còn bốn năm nữa phía trước, hiện tại tôi không có hình dung nào cả”, nhà lãnh đạo nga nói về tương lai sau năm 2020.

"Vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất là mong muốn của đại đa số người dân. Đây là vấn đề về niềm tin, tất nhiên", ông Putin nói.

Trước đó, ngày 11/3, Duma quốc gia đóng vai trò là Hạ viện Nga cũng đã phê chuẩn các sửa đổi Hiến pháp do ông Putin đề xuất. Cùng ngày, Hội đồng Liên bang đóng vai trò là Thượng viện Nga và tất cả 85 nghị viện khu vực cũng đã thông qua.

Đến ngày 14/3, Thượng viện Nga đã phê chuẩn kết quả phân tích của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Ngày 16/3, Tòa án Hiến Pháp Liên bang Nga đã công nhận tính hợp hiến dự thảo sửa đổi và ngay lập tức đệ trình lên Tổng thống.

Luật sẽ có hiệu lực chỉ khi được sự chấp thuận thông qua cuộc bỏ phiếu toàn Liên bang Nga, dự kiến diễn ra vào ngày 2/4.

Luật sửa đổi đề xuất trao thêm quyền lực cho Quốc hội và Tòa án Hiến pháp, đồng thời đưa ra những thay đổi về nhiệm kỳ Tổng thống. Theo đó, một người không thể giữ chức Tổng thống Nga trong hơn hai nhiệm kỳ (trước kia là hai nhiệm kỳ liên tiếp).

Việc sửa đổi Hiến pháp mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin có thể tiếp tục ra tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm, tức có thể lãnh đạo nước Nga tới năm 2036.

Tin bài liên quan