Tin vui bất ngờ đến với giới đầu tư

(ĐTCK) Thông tin tích cực về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung được tờ Wall Street Jounal đưa ra đã giúp giới đầu tư thêm tự tin xuống tiền trong phiên thứ Năm (17/1).
Ảnh AFP

Ảnh AFP

Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư kỳ vọng vào triển vọng đàm phán thương mại sau khi Wall Street Jounal đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã thảo luận về việc dỡ bỏ một số hoặc tất cả các mức thuế áp dụng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và đề nghị đưa ra mức giảm thuế trong các cuộc thảo luận thương mại dự kiến vào ngày 30/1.

Thông tin trên hỗ trợ tích cực tâm lý nhà đầu tư, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ được hưởng lợi thêm từ hiệu ứng nhóm cổ phiếu công nghiệp quốc phòng sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ.

Dù vậy, đà tăng bị hãm lại đôi chút do tác động của nhóm ngân hàng khi Morgan Stanley công bố lợi nhuận thấp hơn dự kiến, khiến cổ phiếu này giảm 4,4%. Cổ phiếu của Netflix Inc cũng giảm 2% sau khi công ty phát video báo cáo kết quả hàng quý không tích cực.

Theo dữ liệu của IBES từ Refinitiv, các nhà phân tích đã cắt giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2018 cho các công ty S&P 500 xuống còn 14,2% từ mức 20,1% ước tính vào ngày 1/10/2018.

Kết thúc phiên 17/1, chỉ số Dow Jones tăng 162,94 điểm (+0,67%), lên 24.370,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,86 điểm (+0,76%), lên 2.635,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 49,77 điểm (+0,71%), lên 7.084,46 điểm.

Trong khi đó, kết thúc sơm hơn phố Wall, chịu các tác động từ việc Mỹ mở cuộc điều tra với Huawei và kết quả kinh doanh kém khả quan của một số công ty, ngân hàng vừa công bố khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm. Dù vậy, đà giảm cũng được hạn chết về cuối phiên khi chứng khoán Mỹ giao dịch với các chỉ số chính của phố Wall tăng điểm.

Thông tin tác động tới chứng khoán khu vực là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Anh Theresa May. Trong cuộc bỏ phiếu chiều muộn 16/1 giờ địa phương, bà May đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng giới đầu tư vẫn e dè vì vấn đề Brexit kéo dài.

Kết thúc phiên 17/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,76 điểm (-0,40%), xuống 6.834,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 12,62 điểm (-0,12%), xuống 10.918,62 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 16,37 điểm (-0,34%), xuống 4.794,37 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông quay đầu đảo chiều mất điểm trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự báo một năm khó khăn phía trước.

Kết thúc phiên 17/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 40,48 điểm (-0,20%), xuống 20.402,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,79 điểm (-0,42%), xuống 2.559,64 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 146,47 điểm (-0,54%), xuống 26.755,63 điểm.

Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên châu Á và châu Âu khi các thị trường chứng khoán khu vực giảm điểm. Tuy nhiên, khi bước vào phiên Mỹ, với việc phố Wall tăng điểm bởi tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư, giá vàng đã quay đầu điều chỉnh và đóng cửa giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 17/1, giá vàng giao ngay giảm 1,9 USD (-0,15%), xuống 1.291,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 1,5 USD (-0,12%), xuống 1.292,3 USD/ounce.

Giá dầu thô lúc đầu duy trì đà tăng tốt nhờ sự hỗ trợ từ đà tăng của chứng khoán, cùng với niềm tin OPEC và các đối tác cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, giá dầu thô sau đó quay đầu điều chỉnh và đóng cửa giảm nhẹ khi giới đầu tư thận trong trước việc sản lượng khai thác của Mỹ tăng lên mức kỷ lục và Thủ tướng Trung Quốc dự báo về một năm khó khăn.

Kết thúc phiên 17/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,10 USD (-0,19%), xuống 52,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,28%), xuống 61,15 USD/thùng.

Tin bài liên quan