Một loạt dữ liệu kinh tế gần đây đã gây bất ngờ cho xu hướng tăng của thị trường chứng khoán. Theo chỉ số quản lý mua hàng của khu vực đồng euro, nền kinh tế của khối đang tăng trưởng trở lại. Mỹ có báo cáo việc làm tích cực và chi tiêu bán lẻ cho tháng 1 cao hơn kỳ vọng. Các nhà đầu tư hiện đang tự hỏi liệu suy thoái kinh tế mà họ từng chấp nhận là không thể tránh khỏi có xảy ra hay không.
Nguyên nhân của suy thoái tiềm năng khác nhau ở các nền kinh tế khắp thế giới. Ở Mỹ và Anh, các ngân hàng trung ương đã tuyên bố rằng, cần phải có một cuộc suy thoái để đẩy lùi lạm phát. Ở khu vực đồng euro, rủi ro tập trung vào tình trạng thiếu khí đốt và phân phối năng lượng. Và Trung Quốc dường như đã sẵn sàng cho một hành trình dài để thoát khỏi Covid.
Bức tranh kinh tế hiện đã thay đổi so với chỉ một vài tháng trước. Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhanh chóng và có vẻ như đã thành công. Quốc gia này hiện đang trải qua sự bùng nổ của nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén mà các nền kinh tế lớn khác đã trải qua vào đầu năm ngoái. Với rất ít dấu hiệu về áp lực lạm phát ở Trung Quốc, các nhà chức trách có thể để cho quá trình phục hồi diễn ra và họ có thể sẽ công bố các biện pháp kích thích bổ sung.
Bối cảnh cũng đã thay đổi đáng kể ở châu Âu. Lục địa này đã bước vào mùa đông với các kho chứa khí đốt gần đầy sau khi thay thế khí đốt của Nga bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Kể từ đó, nhu cầu khí đốt trong những tháng cao điểm mùa đông đã được hạn chế nhờ sự kết hợp của người tiêu dùng và doanh nghiệp cẩn thận hơn với nhu cầu năng lượng và mùa đông ôn hòa đáng kể.
Kết quả là cuộc khủng hoảng năng lượng mà chúng ta lo sợ đã không xảy ra. Các bể chứa khí đốt vẫn đầy 63% so với mức chỉ 30% vào thời điểm này năm ngoái. Vị trí vững chắc này có nghĩa là ngay cả mùa đông tới cũng có vẻ ngày càng an toàn. Giá khí đốt bán buôn đã giảm, do đó các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang cảm thấy lạc quan hơn và niềm tin của người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong một năm vào tháng 2.
Đối với Mỹ và Anh, câu hỏi nên được đặt lại từ “liệu một cuộc suy thoái vẫn có khả năng xảy ra hay một cuộc suy thoái xảy ra vẫn là cần thiết?" Câu trả lời cho câu hỏi này dựa trên quỹ đạo của lạm phát. Nếu có đủ dấu hiệu cho thấy việc thắt chặt chính sách được đưa ra cho đến nay đang làm giảm áp lực lạm phát, các ngân hàng trung ương có thể tạm dừng hoặc thậm chí nới lỏng chính sách để cố gắng đảm bảo hạ cánh mềm.
Có một số bằng chứng, mặc dù chỉ là dự kiến, cho thấy áp lực lạm phát đang giảm bớt ở Mỹ. Theo một số dữ liệu được cung cấp bởi các công ty cho thuê bất động sản, lạm phát về nhà ở và chi phí thuê nhà có thể sớm bắt đầu hạ nhiệt. Mặc dù báo cáo việc làm khả quan và tỷ lệ thất nghiệp gần như thấp kỷ lục, nhưng có một số bằng chứng cho thấy áp lực tiền lương cũng đã lên đến đỉnh điểm.
Đầu tháng 2, thị trường chứng khoán đã có một chút phấn khích về khả năng trở lại của “Goldilocks” – điều kiện “vừa phải” của tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát thấp, đó cũng là yếu tố thúc đẩy giá trái phiếu và cổ phiếu tăng.
Kể từ đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã cung cấp một kiểm tra thực tế. Lạm phát cơ bản hàng tháng tăng trở lại lên tới 0,4%, tương ứng với tỷ lệ hàng năm gần 5% và không phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%. Ngoài ra, Mỹ đang cảm nhận được một số tác động ngược của lạm phát khi Trung Quốc mở cửa trở lại, vì giá xăng dầu lại làm tăng lạm phát tổng thể.
Trong khi đó, có ít bằng chứng thuyết phục hơn cho thấy áp lực lạm phát đã lên đến đỉnh điểm ở Anh. Tăng trưởng tiền lương tiếp tục thúc đẩy lạm phát. Niềm tin kinh doanh đã được thúc đẩy nhờ giá xăng giảm nhưng các nhà hoạch định chính sách của Anh vẫn còn nhiều việc phải làm, vì điều này có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát cơ bản. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ phải tăng lãi suất hơn nữa để duy trì hoạt động yếu cho đến khi lạm phát giảm bớt.
Nhìn chung, những rủi ro của một cuộc suy thoái toàn cầu sâu sắc đã giảm bớt. Trung Quốc đã mở cửa trở lại, châu Âu không cạn kiệt năng lượng và Mỹ không bị mắc kẹt trong vòng xoáy lạm phát như những năm 1970.
Karen Ward, Giám đốc điều hành khu vực EMEA tại JPMorgan Asset Management cho rằng, một giai đoạn hoạt động rất chậm của nền kinh tế, nếu không muốn nói là suy thoái vừa phải dường như vẫn có thể xảy ra và thực sự cần thiết.
Chúng ta nên làm việc trên cơ sở rằng thu nhập sẽ giảm khoảng 10% ở các nước phát triển do nhu cầu chậm lại làm giảm đòn bẩy hoạt động và tỷ suất lợi nhuận bị xói mòn khi các công ty mất quyền định giá.
Nếu nhu cầu tiếp tục tăng trở lại, điều này rất có thể sẽ được đáp ứng với lãi suất cao hơn. Do đó, tin tức kinh tế tốt sẽ là tin xấu đối với thị trường chứng khoán hiện tại.