Còn trong chuyến công tác cuối tuần trước tại An Giang, nhằm đánh giá kết quả chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình cũng đã có thêm những chỉ đạo cụ thể về tín dụng cho khu vực sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn.
Chống hạn hán, xâm nhập mặn tại các TCTD
Do ảnh hưởng của El Nino, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, giúp người dân, tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và đời sống, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) và Ngân hàng Chính sách xã hội, rà soát, xác định thiệt hại: chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát thiệt hại vốn tín dụng khu vực này.
Giải pháp đề ra là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi trên cơ sở số liệu thiệt hại vốn tín dụng đã được xác định, theo thẩm quyền và khả năng tài chính của TCTD.
Đồng thời, các TCTD chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn căn cứ vào Quyết định công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn của UBND tỉnh, thành phố khẩn trương hướng dẫn, phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ và tổng hợp số liệu báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và trụ sở chính của TCTD để khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của NHNN Việt Nam.
Cùng với đó, Thống đốc cũng chỉ đạo tiếp tục cho vay khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Theo đó, TCTD chủ động huy động, điều hoà để đảm bảo nguồn vốn cho các nhu cầu vay khôi phục sản xuất của khách hàng.
“Đặc biệt, căn cứ vào khả năng tài chính, TCTD thực hiện công tác hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng, nhất là đối với đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống…”, Thống đốc nhấn mạnh.
Phát triển bền vững lâu dài
Tại buổi làm việc với Công ty Thuận An (An Giang), Thống đốc chia sẻ, trong 5 năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ngành ngân hàng đã cùng các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt để từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc một cách hiệu quả. Và Nghị quyết 14/NQ-CP cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó Chính phủ giao NHNN là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện.
Số liệu của riêng An Giang cho thấy, 4 doanh nghiệp của tỉnh tham gia chương trình đã được các ngân hàng giải ngân đầu tư 4 dự án với số tiền đạt 566,67 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty Thuận An cho biết, trước đây khi người nông dân chưa tham gia vào chuỗi liên kết, họ là những hộ nhỏ lẻ, tự nuôi trồng, không được hưởng những ưu đãi về chiết khấu của các nhà cung cấp thức ăn, thuốc thủy sản, đặc biệt là cơ chế cho vay của NHNN đối với chương trình thí điểm này. Khi tham gia chuỗi liên kết, người nông dân không phải thế chấp nhiều như trước, mà chỉ phải thế chấp 10% trong khi được vay 100% trên 1ha.
“Cụ thể, trước đây, người dân được vay khoảng 350-400 triệu đồng, thì bây giờ với 1ha mặt nước, người dân được vay 7 tỷ đồng để đủ tiền nuôi một mùa vụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu ổn định và chỉ phải lo đầu ra, bao tiêu sản phẩm khi nông dân đến vụ thu hoạch”, bà Trinh nói.
Trước lợi ích của chương trình, ông Vương Bình Thạnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị, NHNN cho giãn thêm thời gian thực hiện dự án 2 năm nữa và tiếp tục cho nhân rộng mô hình này; tạo điều kiện thí điểm phương án bảo hiểm về giá cá tra thương phẩm; xem xét và phê duyệt giảm lãi suất cho vay trong điều kiện giá cả sụt giảm kéo dài…
Trả lời trực tiếp các đề nghị, đối với việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm, Thống đốc NHNN cho rằng, thí điểm chỉ có thời hạn nhất định, thời gian tới đây, NHNN sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả triển khai chương trình để từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách thành chủ trương của Nhà nước. Tiếp tục thể chế hoá thành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp, người nông dân và ngân hàng yên tâm triển khai thực hiện.
Chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14 của Chính phủ phục vụ phát triển nông nghiệp có một số cơ chế tín dụng đặc thù như: Lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm (hiện nay ngắn hạn: 6,5%/năm, trung hạn: 9,5%/năm, dài hạn: 10%/năm); Mức cho vay có thể lên đến 90% giá trị của phương án, dự án sản xuất; Trường hợp khách hàng không có đủ tài sản bảo đảm, ngân hàng có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền;…
“Đối với việc thí điểm phương án bảo hiểm giá cá tra thương phẩm, đề nghị bảo hiểm của doanh nghiệp rất phù hợp với chiều hướng phát triển chung của nông nghiệp nước ta và nhất định phải đi theo hướng đó. Tuy nhiên, bảo hiểm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính, NHNN sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách phù hợp. Trước mắt, Agribank đang có Công ty bảo hiểm ABIC, do đó, Agribank có thể nghiên cứu, làm trọn gói luôn từ khâu thẩm định, cho vay, bảo hiểm giá”. Thống đốc nói và yêu cầu Agribank nghiên cứu, “đối với nông nghiệp nói chung và đặc biệt là các dự án thí điểm tốt thì triển khai”.
Về lãi suất, theo Thống đốc, hiện mức lãi suất cho vay 6-6,5%/năm là thấp hơn so với lãi suất thông thường. Tuy nhiên, về lâu dài lãi suất phải theo cơ chế thị trường để bảo đảm tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
“Để khuyến khích các doanh nghiệp và người nông dân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Agribank cân nhắc để áp dụng mức lãi suất phù hợp”, Thống đốc chỉ đạo và đề nghị UBND tỉnh An Giang tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phát triển mô hình liên kết phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh, phát triển kinh tế vùng bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành ngân hàng.