Tìm niềm tin trong nỗi lo bẫy giá

Tìm niềm tin trong nỗi lo bẫy giá

(ĐTCK) Phiên tăng điểm cuối tuần qua VN-Index bật tăng 10,7 điểm lên 968,1 điểm, giúp các nhà đầu tư có 2 ngày nghỉ với tâm lý nhẹ nhàng, do 4 phiên giảm điểm trước đó đã tạo áp lực cắt lỗ với nhiều người. 

Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán MB (MBS), các thị trường mới nổi đang ghi nhận chuỗi sụt giá dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay. Cụ thể, đà bán tháo này đã kéo dài 222 ngày trên thị trường cổ phiếu, 155 ngày trên thị trường tiền tệ...

Với TTCK Việt Nam, công ty này bình luận, thị trường hồi phục vào thời điểm nhạy cảm và thực tế chứng khoán chưa thu hút được dòng tiền mới tham gia, nên nhà đầu tư vẫn cần thận trọng.

Theo đó, chưa nên mở vị thế mua mới, mà nên chờ đợi diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có hướng giải quyết rõ ràng hơn.

Hầu hết công ty chứng khoán đều khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về cuộc chiến thương mại này. Thông tin được chờ đợi là liệu chính quyền Mỹ có quyết định đánh thuế vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không?

Nếu việc áp thuế được thực hiện như kế hoạch ban đầu thì thị trường tài chính toàn cầu sẽ phản ứng như thế nào và ở mức độ nào? Ðây là một câu hỏi chưa có tiền lệ để dự đoán.

Với TTCK Việt Nam, dù diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ra sao thì cảm nhận tiêu cực về sự kiện cũng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Trong 5 tháng qua, VN-Index đã rơi từ đỉnh 1.200 điểm xuống 968 điểm hiện tại trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế cũng như của nhiều doanh nghiệp trên sàn giữ vững ở mức khả quan.

Trong xu hướng tiếp theo, phản ứng của các thị trường lớn, nhất là thị trường các nước trong khu vực, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý và cách phản ứng (lần 2) của nhà đầu tư Việt Nam. Nếu tất cả cùng bình tâm và chứng khoán quốc tế dừng rơi sau chuỗi dài giảm điểm, TTCK Việt Nam sẽ có cơ hội bật lên.

Về động thái của nhà đầu tư nước ngoài, quan sát từ thị trường cho thấy, khối ngoại không còn bán ròng mạnh mẽ, mà đã có nhiều phiên mua ròng, hoặc đan xen bán ròng và mua ròng giữa các phiên với giá trị vừa phải. Một số cổ phiếu tốt vẫn được khối ngoại tập trung mua ròng trong các phiên điều chỉnh.

Hầu hết cổ phiếu thu hút dòng tiền hiện tại là của các doanh nghiệp có sự tăng trưởng vững nhờ thị trường nội địa không bị ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu hay rủi ro hàng Trung Quốc như nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu thép, cổ phiếu hàng tiêu dùng…

Trong ngắn hạn, với tình huống xấu nhất xảy ra là Mỹ quyết định đánh thuế tăng lên với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì hệ lụy xấu nhất với TTCK Việt Nam có thể sẽ là một số phiên giảm điểm mạnh do áp lực tâm lý.

Khi áp lực tâm lý qua đi, trong trung và dài hạn, chứng khoán Việt vẫn có cơ hội trở về điểm cân bằng bởi đà suy giảm không phải do nội lực của doanh nghiệp niêm yết suy yếu.

Dựa trên nội lực của nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp, nhiều chuyên gia chứng khoán từng thể hiện niềm tin rằng, VN-Index sẽ sớm chạm và vượt mốc 1.000 điểm nếu không có những diễn biến xấu bất thường xảy ra.

Ở chiều ngược lại, không ít người cho rằng, trong môi trường mà diễn biến thương mại thế giới chưa biết đâu mà lường, đà hồi phục ngắn hạn của chứng khoán có thể chỉ là một bẫy tăng giá.

Thị trường tồn tại và thanh khoản là bởi trong lòng nó luôn có những nhận định trái ngược.

Với nhà đầu tư, có một cách để vơi bớt nỗi lo không thể kiểm soát, đó là hãy nhìn sâu vào doanh nghiệp, vào cổ phiếu định đầu tư để tìm niềm tin cho mình, thay vì mải nhìn vào bức tranh quá lớn và luôn biến động của toàn thị trường.

Tin bài liên quan