Tìm dư địa tăng trưởng mới

Tìm dư địa tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở TP.HCM và một số địa phương đầu tàu kinh tế phía Nam, được cho là ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế cả nước 6 tháng đầu năm nay và thời gian tới.

Con số dự báo 5,8% tăng trưởng trong 6 tháng nhiều khả năng sẽ được chính thức hóa vào đầu tuần này, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra. Khi tăng trưởng quý I chỉ đạt 4,48%, mục tiêu quý II đặt ra là 7,19% để 6 tháng đầu năm đạt được mức kỳ vọng 5,92%.

Dù vậy, với con số thực tế đã đạt được, mục tiêu quý III và quý IV sẽ là rất cao để đạt được mức tăng GDP của cả năm 2021 là 6,5%, mức tăng trưởng mà Chính phủ quyết tâm đạt được.

Còn những dư địa nào để thúc tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm?

Bức tranh kinh tế hiện tại cho thấy, những khó khăn do tác động của dịch bệnh khiến số lượng doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái, vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân đầu tư công đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây có khuyến nghị, nếu đợt dịch bùng phát Covid-19 này không được nhanh chóng ngăn chặn, Chính phủ Việt Nam có thể cần xem xét áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn để hỗ trợ những cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và kích thích nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang tập trung hoàn thiện Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Dự kiến, các chính sách đề xuất sẽ được phân thành 2 nhóm chính. Một là các chính sách, giải pháp có thể ban hành thực hiện được ngay và có tác động tức thì trong những tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng năm 2021.

Hai là những giải pháp chính sách mang tính dài hạn có thể nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và các năm sau.

Các giải pháp ngắn hạn được kỳ vọng tập trung vào thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và thị trường nội địa. Để làm được điều này, hy vọng dồn vào chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Dù bối cảnh dịch bệnh là diễn biến chung, nhưng một số ngành như nông nghiệp, thủy sản… thời gian vừa qua đã có những bước bứt phá đáng kinh ngạc so với dự kiến.

Điều này cho thấy nếu được khơi thông các điểm nghẽn chính sách và điểm nghẽn dòng tiền, sẽ còn dư địa tăng trưởng ở nhiều ngành khác.

Với thị trường chứng khoán, sự vận động luôn có những logic riêng và hiện cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội dòng vốn từ nhà đầu tư đổ vào để tăng "sức khỏe" tài chính, tăng hoạt động đầu tư, đưa nhà máy mới, dây chuyền mới vào hoạt động nhằm gia tăng đơn hàng xuất khẩu, chuẩn bị cho các dự án đầu tư lớn… hậu đại dịch.

Nguồn vốn huy động từ thị trường sẽ có sự cộng hưởng khi doanh nghiệp có thêm các nguồn vốn từ ngân hàng, từ chính sách tài khóa hỗ trợ, từ đó giải phóng những động lực tăng trưởng mới.

Đây cũng là chủ đề được Đầu tư Chứng khoán phân tích sâu trong số báo này nhằm đưa đến những góc nhìn mới cho các nhà đầu tư khi thị trường bước sang giai đoạn nửa cuối năm dự báo có nhiều biến động.

Tin bài liên quan