"Tiếp viên hàng không phù hợp làm bảo hiểm"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là đánh giá của ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam khi nói về nghề tư vấn bảo hiểm tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Kim Lan thực hiện.
"Tiếp viên hàng không phù hợp làm bảo hiểm"

Thời gian gần đây, câu chuyện hàng trăm tiếp viên hàng không ở Hồng Kông (Trung Quốc) sau khi bị sa thải đã được nhiều hãng bảo hiểm lớn tại đây tuyển dụng trở thành đề tài thu hút sự chú ý của dư luận. Tại Việt Nam, theo ông, đây có phải là nguồn nhân lực tốt cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam?

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến việc đi lại bị hạn chế, đẩy các hãng hàng không rơi vào tình cảnh thua lỗ lớn, dẫn đến phải cắt giảm nhân viên, bao gồm cả các tiếp viên hàng không, để giảm chi phí.

Trong khi đó, như chúng ta đã biết, tiếp viên hàng không là một nghề đặc thù nên không chỉ yêu cầu cao về ngoại hình, giao tiếp, ứng xử, mà còn cả về kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ... Bởi vậy, đây là nguồn nhân lực thích hợp cho ngành bảo hiểm.

Đối với người lao động, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm là rộng mở, bởi đây là ngành hiếm hoi đạt mức tăng trưởng cao khoảng 20% trong năm qua, bất chấp tác động của dịch Covid-19. Hơn nữa, hiện nay, gần 90% dân số Việt Nam vẫn chưa có bảo hiểm nhân thọ, cho nên tiềm năng khai thác là rất lớn.

Mặt khác, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn sẵn sàng mở rộng cửa chào đón các ứng viên, ngay cả với những người chưa có kinh nghiệm làm bảo hiểm, bởi khi được tuyển dụng, họ sẽ được nhà bảo hiểm đào tạo bài bản về chuyên môn, đi cùng với đó là chính sách lương thưởng hấp dẫn.

Vậy khó khăn lớn nhất khi một tiếp viên hàng không chuyển sang bán bảo hiểm là gì?

Cả tiếp viên hàng không và tư vấn bảo hiểm đều là người cung cấp dịch vụ, nhưng khi sử dụng dịch vụ hàng không thì khách hàng phải tuân thủ nhiều quy định bởi đảm bảo an toàn hàng không là ưu tiên hàng đầu.

Do đó, khi một tiếp viên hàng không chuyển sang làm bảo hiểm, một ngành nghề vốn đặt khách hàng lên hàng đầu, sẽ phải phục vụ khách hàng nhiều hơn, phải bỏ ra nhiều công sức hơn để thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm và dịch vụ của mình, chưa kể phải chấp nhận học lại từ đầu để bổ sung kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ cần có của nghề tư vấn bảo hiểm. Nếu vượt qua được những khó khăn này, tôi tin họ sẽ thành công.

Là người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực bảo hiểm, theo ông, đâu là điểm khác nhau căn bản giữa tư vấn viên bảo hiểm trong nước và nước ngoài?

Trong 20 năm làm việc trong ngành bảo hiểm, đặc biệt từ khi làm thành viên GAMA, với vai trò Chủ tịch GAMA Việt Nam, tôi có cơ hội tiếp xúc với đồng nghiệp khắp năm châu và nhận thấy rằng, khác biệt lớn nhất giữa một tư vấn viên trong nước và nước ngoài đó là cách học hỏi để phát triển năng lực nghề nghiệp.

Người Việt Nam vốn rất hiếu học, thế nhưng đa phần tư vấn viên bảo hiểm Việt Nam chỉ tập trung học thời điểm ban đầu, sau khi đạt một vài thành công nhất định thì không thích học nữa, nếu có thì chỉ muốn rút ngắn thời gian học.

Với những tư vấn bảo hiểm ở các nước tôi đến làm việc, họ xem việc học hỏi là ưu tiên hàng đầu để hướng tới thành công và gắn bó với nghề. Họ càng thành công, càng nổi tiếng, thì càng chủ động tìm kiếm cơ hội học hành. Họ không tiếc tiền để tham gia các hội thảo quốc tế, gia nhập các hiệp hội ngành nghề để học hỏi và cống hiến.

Khi bạn đã thành công, cách học hỏi tốt nhất là dạy người khác và đó là cách mà các tổ chức như GAMA xây dựng văn hóa cho thành viên của mình.

Lâu nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn dùng nhân sự tạm thời, nếu giờ tận dụng thêm nguồn tiếp viên hàng không thất nghiệp tạm thời liệu có ảnh hưởng tới nỗ lực (và hình ảnh) của ngành?

Sẽ chịu nhiều tác động nếu có tư duy “tạm thời”, tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm luôn mong muốn tuyển dụng được nhân sự có năng lực, muốn gắn bó lâu dài với nghề, với doanh nghiệp, nên việc tuyển dụng tạm thời vô cùng hạn chế.

Mặt khác, theo tôi, không chỉ tiếp viên hàng không, mà bất cứ người lao động nào khác đều là đối tượng để nhà bảo hiểm tiếp cận và giới thiệu cơ hội nghề nghiệp, còn việc các nhân sự ấy có gắn bó lâu dài hay không là do bản thân người đó nhìn nhận cơ hội này như thế nào thông qua cách thức tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, chiến lược đào tạo và phát triển nghề nghiệp...

Thực tế là nghề tư vấn viên bảo hiểm vẫn chưa thực sự được coi trọng tại Việt Nam, theo ông cần làm gì để dần thay đổi?

Để tạo ra sự thay đổi trong cách nhìn của xã hội về nghề tư vấn bảo hiểm như là một nghề đáng được xem trọng, tôi nghĩ không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm, mà bản thân những người làm nghề cũng cần phải thay đổi, trong đó công tác huấn luyện, đào tạo cần được đầu tư một cách dài hạn và bài bản nhất.

Ở các nước phát triển, quá trình đào tạo một tư vấn bảo hiểm từ lúc mới vào nghề cho đến lúc được bán hợp đồng đầu tiên thường cần từ 3 - 6 tháng, còn ở Việt Nam thì chỉ khoảng 3 - 5 ngày. Sự khác biệt về thời gian đào tạo có thể thấy rõ chất lượng của đội ngũ tư vấn viên và tỷ lệ gắn bó với nghề.

Quá trình thay đổi này phải được bắt đầu ngay từ khâu tuyển dụng với quy trình đầy đủ, rõ ràng, bởi việc phỏng vấn chọn lọc sẽ giúp người được tuyển có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, còn doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có được nhân sự tiềm năng.

Chỉ khi toàn bộ quy trình tuyển dụng, đào tạo… được đồng bộ hóa theo tiêu chí minh bạch và chuyên nghiệp, nghề tư vấn viên bảo hiểm mới thực được coi trọng, thị trường bảo hiểm Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững.

Ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM

Không như các nghề liên quan tới dịch vụ tài chính khác, đại lý bảo hiểm không được ký hợp đồng lao động và không có thu nhập cố định cho nên nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là công việc làm thêm hoặc công việc tạm thời. Chỉ đến khi người đại lý đó có thu nhập ổn định từ hoạt động đại lý thì họ mới chuyển hẳn sang hoạt động toàn thời gian - chuyên nghiệp.

Thực tế này cho thấy bản chất của công việc đại lý luôn bắt đầu từ “nghiệp dư” rồi mới chuyển sang chuyên nghiệp, cho nên những dòng nhân sự tạm thời như tiếp viên hàng không không ảnh hưởng đến xu hướng chuyên nghiệp hóa nghề bảo hiểm.

Sự chuyên nghiệp đến từ hệ thống đào tạo và dịch vụ khách hàng của chính công ty bảo hiểm nhân thọ, chứ không đến từ “nhu cầu ban đầu” của đối tượng gia nhập ngành. Hơn nữa, nếu lực lượng “thất nghiệp tạm thời” đó có trình độ cao thì còn là một nguồn nhân sự chất lượng, giúp quá trình chuyên nghiệp hóa kênh đại lý dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.

Năm 2020 đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các công ty bảo hiểm nhân thọ trong việc số hóa hệ thống và quy định hoạt động. Hầu hết các chương trình đào tạo đều chuyển sang trực tuyến, mà vẫn đảm bảo kết quả, thể hiện qua doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng.

Mặt khác, dịch bệnh là cơ hội tốt để thúc đẩy công nghệ bảo hiểm (Insurtech) phát triển. Điển hình là các dự án phát triển máy học (machine learning) để có thể trực tiếp giải đáp thắc mắc cho khách hàng bảo hiểm, qua đó khỏa lấp lỗ hổng về chất lượng tư vấn bảo hiểm của các đại lý.

Dù vậy, để có thể cải thiện hơn nữa chất lượng của đại lý bảo hiểm thì giải pháp tối ưu nhất vẫn là đẩy mạnh hoạt động đào tạo, mà việc phát triển các công cụ e-learning là vô cùng cần thiết.

E-learning không chỉ đơn thuần là học trực tuyến qua các ứng dụng như zoom hay google meet, mà là việc phát triển các chương trình tự học thông qua các ứng dụng (app) hay các platform. Khi đó, công tác đào tạo sẽ không còn là trách nhiệm chính của các công ty bảo hiểm, mà còn là sự tự giác của các đại lý bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm chỉ còn đóng vai trò hỗ trợ và định hướng.

Ông Chu Minh Đức, Giám đốc cấp cao Phát triển kinh doanh AIA Việt Nam

AIA Việt Nam chào đón bất kỳ ai có năng lực và nguyện vọng gia nhập vào lực lượng tư vấn viên, hay còn gọi là đại lý tư vấn bảo hiểm. Tất nhiên, Công ty sẽ chọn lọc những người thể hiện ý chí vượt qua thách thức để vươn lên và quyết tâm chuyển đổi nghề nghiệp. Điều này thể hiện qua cam kết gắn bó dài lâu với công việc, với công ty.

Chiến lược của Tập đoàn AIA là chuyển mình từ nhà chi trả bảo hiểm để trở thành bạn đồng hành với khách hàng và người dân Việt Nam, cho nên việc sử dụng nguồn nhân lực tạm thời không phải là điều chúng tôi mong muốn.

Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch TC Advisors

Covid buộc ngành bảo hiểm trở nên chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là tư vấn viên.

Nhiều tiếp viên hàng không thích công việc của họ trong thời gian ngắn vì được du lịch, trải nghiệm làm việc với khách hàng và tính tổ chức kỷ luật. Họ đánh đổi một lịch trình không ổn định để lấy khả năng trải nghiệm thế giới và học hỏi. Cuối cùng, nhiều người (cả nam và nữ) sẽ ổn định và thay đổi nghề nghiệp của họ để có một lịch trình ổn định hơn để lập gia đình. Covid có thể đẩy nhanh quyết định này.

Chúng tôi coi ngành hàng không là nguồn cung cấp những người thông minh, tập trung vào khách hàng với kinh nghiệm quốc tế rộng rãi. Do đó, những người muốn thay đổi sự nghiệp của họ là một sự phù hợp tuyệt vời cho chúng tôi.

Bên cạnh đó, Covid-19 cũng đã tác động đến tâm lý của khách hàng khi họ nhận thức rõ hơn về các rủi ro, đặc biệt là các vấn đề y tế. Khách hàng cũng sẽ nhận thức rõ hơn về sản phẩm họ đang mua và các điều khoản, điều kiện của hợp đồng. Điều này sẽ buộc ngành bảo hiểm trở nên chuyên nghiệp hơn (đặc biệt là trong quá trình tư vấn) và thiết kế các sản phẩm tốt hơn để bảo vệ khách hàng.

Tin bài liên quan