Thực tế trên được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh khi Uỷ ban Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 10/5.
Ông Thanh nêu thực tế hiện nay đơn hàng thiếu, nhu cầu yếu, dẫn đến các doanh nghiệp đang phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì tình hình này cũng sẽ còn tiếp tục trong một số thời gian sắp tới nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời để xử lý, ông Thanh nhìn nhận.
Liên quan đến phản ánh của cử tri về mặt bằng lãi suất, ông Thanh cho biết, thực tế các doanh nghiệp phản ánh hiện vẫn phải vay với lãi suất từ 13% - 14% một năm, trước đó ở mức 14%, 15%. Bên cạnh đó thì thủ tục hành chính, điều kiện cho vay cũng rất phức tạp.
“Sức khỏe doanh nghiệp qua hơn 2 năm Covid-19 cũng đã bị bào mòn, rất khó khăn. Cho nên, vướng mắc, khó khăn này trong báo cáo cũng phải phản ánh”, ông Thanh đề nghị.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về môi trường đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính.
Có khi một việc trước đây đa số đồng thuận là giải quyết, xử lý, nhưng bây giờ chỉ cần một ngành không đồng ý là lại quay trở lại xin ý kiến và quy trình, thủ tục này mất nhiều thời gian và chi phí tuân thủ tăng cao, ông Thanh nêu vấn đề.
Chủ nhiệm Thanh đề nghị báo cáo cần bổ sung một số quy định mới doanh nghiệp nói là rất vô lý và rất khó tuân thủ. Ví dụ quy định về phòng cháy, chữa cháy. “Thậm chí trên mạng đưa tin là đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nói có những quy định của các Bộ là "từ trên trời rơi xuống", doanh nghiệp không thể nào thực hiện được, chi phí tuân thủ tăng lên rất cao”, ông Thanh phát biểu.
Đề nghị trong thời gian sắp tới phải có tháo gỡ, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, ông Thanh cho biết hiện có nhiều dự án đầu tư rồi, bổ sung thêm các phương tiện, các thiết bị, các vật liệu phòng cháy, chữa cháy rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu, các tiêu chuẩn mới mà theo doanh nghiệp phản ánh thì còn cao hơn tiêu chuẩn của các các nước phát triển.
Nhấn mạnh vấn đề này cần hết sức quan tâm cùng với vấn đề đăng kiểm và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), ông Thanh cho biết vừa rồi Uỷ ban nhận được báo cáo của Bộ Tài chính cũng đã có xử lý việc hoàn thuế rồi, nhưng có những doanh nghiệp có tới hàng trăm tỷ đồng mà chưa được hoàn thuế.
“Bây giờ tiếp cận tín dụng đã khó như thế rồi, hoàn thuế không được thì nguồn ở đâu để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đề nghị Chính phủ cũng sớm có cách, anh nào sai thì phải xử lý nghiêm, nhưng anh nào làm đúng thì cũng phải có cách giải quyết rồi hậu kiểm, cứ treo như thế, không có tiền, không tiếp cận được tín dụng thì hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất khó”, ông Thanh lo ngại.
Liên quan đến ngành du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét, khách trong nước tăng rất cao, trên 100 triệu lượt. Nhưng “chúng tôi theo dõi chất lượng thì vừa rồi qua kỳ nghỉ thì thấy người dân mang cơm, mang đồ ăn, thức uống đi để sử dụng dọc đường. Chúng tôi có hỏi các nhà hàng thì doanh thu của các nhà hàng trong dịp du lịch vừa qua không được bao nhiêu”, ông Thanh phản ánh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu ý kiến cử tri về cách thống kê khách du lịch, có khi 1 người đi mấy tỉnh nhưng cũng tính tổng cộng số lượng khách du lịch là như thế. Vì thế cần xem lại cách thống kê và tính toán chất lượng của hoạt động du lịch, dịch vụ để phản ánh cho chính xác.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý cần cân nhắc thêm về cách viết báo cáo. Vì “đây là tiếng nói của cử tri và Nhân dân, không phải là báo cáo của Đảng, Nhà nước, vì vậy sự kiện, số liệu đưa ra thì phải rất điển hình, mang tính Nhân dân, cử tri cả nước quan tâm”.
Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể bổ sung vào một số việc mà cử tri và Nhân dân lo lắng như sai phạm của đăng kiểm hệ thống cả nước. Hay việc mua bán, vận chuyển ma túy bây giờ không còn đi đường bộ mà đi bằng đường hàng không rất tinh vi, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án và khởi tố mấy chục bị can.
“Trong dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội có nội dung thảo luận hội trường về việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của cử tri và Nhân dân, vì vậy tôi mong báo cáo của Mặt trận cùng với báo cáo của Ban Dân nguyện thật sự khách quan, có trọng tâm, góp phần giải quyết những vấn đề sát sườn mà cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng", ông Mẫn phát biểu.