Hạ trần lãi suất, cứu ai?

Hạ trần lãi suất, cứu ai?

(ĐTCK) Thêm những tiếng kêu từ DN tiếp tục được nhiều tờ báo đăng tải khi DN - đối tượng trong tầm ngắm hỗ trợ từ Chính phủ, đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn từ ngân hàng.

Nghịch lý là hệ thống ngân hàng đang ứ đọng vốn đến mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thấp kỷ lục, dưới 3%, còn trái phiếu chính phủ, công cụ đầu tư kém hấp dẫn nhất về khả năng sinh lời (do đặc tính an toàn cao nhất) lại liên tục được ngân hàng chào mua khối lượng lớn trong các phiên đấu thầu.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần ra quyết định hạ trần lãi suất huy động, từ 14%/năm xuống còn 11%/năm với mục tiêu hỗ trợ DN vay với lãi suất thấp hơn. Nhưng phản ánh từ nhiều DN cho thấy, họ không nhận được sự hỗ trợ tương xứng từ quyết sách trên. Thứ nhất, các khoản vay cũ vẫn phải chịu nguyên lãi suất vay cao như cũ; thứ hai, các khoản vay mới bị khống chế bởi hạn mức tín dụng, tài sản thế chấp, mức độ minh bạch, triển vọng lợi nhuận, khiến DN quá khó để được vay. Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm, DN khát vốn vẫn hoàn khát vốn và khả năng phá sản trên diện rộng vẫn không ngừng gia tăng.

Vậy vì sao nguồn vốn giá rẻ hơn không đến với nhiều DN? Với trần lãi suất huy động 11%/năm, chi phí vốn huy động trung bình tại những ngân hàng lớn chỉ từ 7-12%/năm, trong khi ngân hàng không hạ lãi suất cho các khoản vay cũ (hiện thời) và rất hạn chế “nhả” tiền lãi suất thấp cho các khoản vay mới. Theo một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam thì Chính phủ muốn cứu DN, đã buộc các ngân hàng hạ lãi suất huy động, nhưng còn một điểm quan trọng mà Chính phủ không khống chế là lãi suất mà ngân hàng cho DN vay (trừ một số ngành nghề đặc thù). Vô hình trung, quyết tâm buộc ngân hàng hạ lãi suất huy động thực ra lại... cứu chính các ngân hàng.

Hơn 400.000 tỷ đồng là số nợ của các DNNN lớn tính đến tháng 9/2011 được tổng kết trong Đề án tái cơ cấu DNNN mà Bộ Tài chính mới trình Chính phủ tháng 4/2012. Trong số này, thực trạng nợ xấu như thế nào đang là câu chuyện lớn, dù NHNN đã công bố, nợ xấu của toàn hệ thống chỉ 3,6% (năm 2011). Trong vụ Vinashin - HBB, khoản HBB cho Vinashin vay (khoảng 3.300 tỷ đồng) là tác nhân chính “đánh gục” ngân hàng này. Nhưng khoản Vinashin nợ HBB chỉ là 3.300 tỷ đồng, một con số rất nhỏ trong tổng số khoản nợ trên 80.000 tỷ đồng của Vinashin. Đây là điều rất đáng cảnh báo với các ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng đã và đang phải gồng mình lên để xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, nhưng đâu là nguồn tiền để “đắp” vào những khoản lỗ/trích lập khổng lồ này? Hạ lãi suất huy động để giảm chi phí, hỗ trợ ngân hàng gia tăng lợi nhuận để có tiền trích lập dự phòng, bù lỗ những khoản nợ “quá xấu” là một cách lý giải về hành động liên tiếp hạ lãi suất trần huy động năm nay. Những người theo kịch bản này cho rằng, quyết sách hạ lãi suất trần của Chính phủ đang cứu chính các ngân hàng, chứ chưa thấu đến việc cứu DN!

Theo đánh giá của một số tổ chức đầu tư, tại Diễn đàn DN 2012, thông điệp mà NHNN đưa ra còn chung chung, mức độ giải đáp thắc mắc của các DN và cộng đồng đầu tư còn hạn chế. Trong khi đó, điều thị trường cần nhất ở NHNN là thông tin minh bạch để tin vào sự vận hành của nền kinh tế thị trường và đây cũng là cách tốt nhất để những nghi vấn, lý giải chủ quan về các hiện tượng bất thường trên thị trường tiền tệ được giảm thiểu.