Tổng lượng tiền mặt đang lưu thông tại Thụy Điển năm ngoái đã xuống thấp nhất kể từ 1990 và hiện thấp hơn 40% so với đỉnh năm 2007. Mức sụt giảm năm 2016 và 2017 đều lớn kỷ lục.
Khi việc sử dụng tiền mặt giảm dần, chi phí duy trì và xử lý tiền mặt của các cửa hàng, quán ăn và ngân hàng cũng tăng lên. Việc này càng khiến họ giảm động cơ sử dụng tiền mặt.
Vì vậy, nhà cung cấp các dịch vụ quản lý tiền mặt Loomis muốn giới chức buộc các ngân hàng và hãng bán lẻ tiếp tục chấp nhận tiền mặt. “Chúng tôi phải có xe, có hầm chứa và nhiều thứ khác. Và để duy trì hệ thống, chúng tôi cần một lượng giao dịch cơ bản làm nền tảng nữa”, CEO Loomis - Patrik Andersson cho biết trong một bài phỏng vấn.
Lời cảnh báo này cũng tương tự thông báo trước đó của Ngân hàng trung ương Thụy Điển. Cơ quan này lo ngại việc tiền mặt biến mất nhanh chóng sẽ dẫn đến việc phải phân tách cơ sở hạ tầng cần thiết để sử dụng tiền mặt, tiền xu. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ làm xáo trộn công việc điều hành hệ thống thanh toán hiệu quả, an toàn của họ.
Andersson nhận định, các vùng xa xôi ở phía Bắc Thụy Điển là có nguy cơ không tiếp cận được tiền mặt lớn nhất. Viễn cảnh này sẽ trở nên đáng lo ngại nếu có sự cố kỹ thuật, hoặc thảm họa thiên nhiên, khiến họ không thể mua nhu yếu phẩm để tồn tại.
“Tiền mặt rất quan trọng trong khủng hoảng”, Andersson cho biết, “Người Thụy Điển có thể chưa hiểu được một sự kiện như thế có thể khiến cả cộng đồng ảnh hưởng đến thế nào”.
Hè này, Thụy Điển dự định công bố một báo cáo về các thách thức khi việc sử dụng tiền mặt giảm sút. Thống đốc Stefan Ingves tuần này cũng kêu gọi thay đổi hệ thống pháp lý để bảo vệ quyền quản trị của ngân hàng trung ương với hệ thống thanh toán, trong bối cảnh tiền mặt sụt giảm nghiêm trọng.
Thụy Điển đang dần tiến đến tình trạng “phương tiện thanh toán của người dân bị kiểm soát bởi các tổ chức thương mại”, Ingves cho biết, “Việc này có thể là vấn đề lớn, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng”.