Thuế giá trị gia tăng, DN chờ gỡ khó

Thuế giá trị gia tăng, DN chờ gỡ khó

(ĐTCK) “Mùa quyết toán thuế đang cận kề, trong khi khá nhiều quy định bất cập về thuế giá trị gia tăng và xuất hóa đơn chưa được khắc phục, khiến DN gặp khó khăn…”, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam trao đổi với ĐTCK.

Thuế giá trị gia tăng, DN chờ gỡ khó ảnh 1

Theo Thông tư 06/2012/TT-BTC, khi doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ nội bộ, sẽ phải xuất hóa đơn GTGT cho chính mình

Theo quy định tại Thông tư 65/2013 của Bộ Tài chính, sửa đổi bổ sung Thông tư 06/2013 về thuế giá trị gia tăng (GTGT), khoản tiền lãi vay của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thuộc diện miễn thuế GTGT. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, trong đó, có các DN đang niêm yết, do chưa có hướng dẫn cụ thể về bên cho vay có phải xuất hóa đơn cho bên đi vay đối với khoản tiền lãi vay thu được không, khiến họ gặp khó trong quyết toán thuế. Tình trạng không rõ ràng này khiến DN đối mặt với rủi ro nào, thưa ông?

Thông tư 65/2013 có một quy định quan trọng là khoản tiền lãi vay của các tổ chức không phải tổ chức tín dụng vẫn thuộc diện miễn thuế GTGT kể từ ngày 1/3/2012.

Thế nhưng, đến nay, chưa có một văn bản hướng dẫn chính thức nào về bên cho vay có phải xuất hóa đơn cho bên đi vay đối với khoản tiền lãi vay thu được không, nếu không xuất hóa đơn thì xuất chứng từ nào để thay thế...

Trong khi đây là giao dịch phổ biến, việc không có quy định rõ ràng đã khiến DN lúng túng không biết phải xử lý thế nào cho đúng quy định.

Ngoài ra, do không có quy định rõ ràng, nên quyền quyết định trong nhiều trường hợp sẽ thuộc về cơ quan thuế. Do vậy, cơ quan thuế có thể quyết định theo chủ kiến của riêng mình.

Điều này có thể dẫn đến tình huống: bên cho vay không xuất hóa đơn mà chỉ xuất phiếu thu, trong khi cơ quan thuế của bên cho vay xử phạt bên cho vay do không xuất hóa đơn, thì cơ quan thuế của bên đi vay không cho bên đi vay được trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do không có hóa đơn. Nếu Bộ Tài chính sớm xem xét sửa đổi quy định theo hướng, cho phép bên cho vay xuất phiếu thu khi nhận tiền lãi, thì bất cập trên sẽ được giảm thiểu.

Theo phản ánh của nhiều DN, Thông tư 06/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Thuế GTGT, đang tồn tại một quy định chưa hợp lý là nếu DN có hàng hóa, dịch vụ cung ứng cho tiêu dùng nội bộ, thì phải xuất hóa đơn GTGT cho chính mình. Theo ông, có cách nào gỡ khó cho DN?

Theo quy định tại Thông tư 06/2012, nếu DN có hàng hóa, dịch vụ xuất hoặc cung ứng sử dụng cho tiêu dùng nội bộ, chẳng hạn như DN lắp ráp máy tính xách tay xuất hàng để lãnh đạo sử dụng thì phải xuất hóa đơn GTGT cho chính mình tính theo giá bán của sản phẩm và được khấu trừ thuế đầu vào, nếu tiêu dùng nội bộ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

Quy định này đang khiến DN phải thực hiện thêm một số công việc không thật sự cần thiết cho cả họ lẫn cơ quan thuế. DN phải tự xuất hóa đơn cho chính mình, phải kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, phải điều chỉnh sự khác biệt về doanh thu giữa kế toán và thuế khi tính thuế TNDN.

Nếu DN không thực hiện đúng một trong các khâu này sẽ bị phạt thuế. Quy định này làm phát sinh thêm công việc và rủi ro cho DN, trong khi không giúp gì nhiều cho cơ quan thuế trong công tác quản lý và thu thuế.

Để khắc phục bất cập trên, cơ quan thuế nên xem xét điều chỉnh quy định hiện hành theo hướng, xóa bỏ yêu cầu DN phải xuất hóa đơn đối với những khoản tiêu dùng nội bộ phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của chính mình.

 

Sự bất cập của quy định về xuất hóa đơn đối với việc thu tiền trước khi thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ đang khiến DN phải nộp thuế sớm hơn so với thời điểm ghi nhận lãi trong báo cáo kế toán. Ông có đề xuất gì để khắc phục bất cập này?

Theo Thông tư 64/2013 của Bộ Tài chính, thay thế Thông tư 153/2010 về xuất hóa đơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, nếu DN dịch vụ thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ, thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Trong khi các quy định về thuế GTGT và TNDN đều nêu thời điểm ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ là khi hoàn thành dịch vụ, hoặc xuất hóa đơn, tùy theo hoạt động nào xảy ra trước. Như vậy, khi người bán thu tiền dịch vụ, thì lập tức phải xuất hóa đơn và tiếp theo là ghi nhận doanh thu dịch vụ và nộp thuế GTGT và TNDN, thậm chí ngay cả khi chưa bắt đầu cung cấp dịch vụ.

Khi ghi nhận doanh thu dịch vụ, người bán thường sẽ phải trích trước chi phí tương ứng với doanh thu dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan thuế thường khá khắt khe trong việc cho phép trừ các khoản chi phí trích trước.

Hơn nữa, việc ghi nhận doanh thu và chi phí này là rất khác so với các quy định về kế toán. Từ đó, DN vừa phải nộp thuế sớm hơn so với thời điểm ghi nhận lãi trong báo cáo kế toán, lại vừa phải điều chỉnh và giải trình chênh lệch trên báo cáo thuế và báo cáo kế toán.

Bất cập này có thể được giải quyết, nếu quy định về hóa đơn yêu cầu xuất hóa đơn ngay khi thu tiền dịch vụ được sửa đổi cho nhất quán với việc ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN và thuế GTGT.

>> Cả trăm DN mắc thuế như… Nhựa Bình Minh

>> Tổng cục Thuế nói gì về truy thu thuế của BMP?

>> Làm sai, cơ quan thuế phải bồi thường  

>> Nhiều doanh nghiệp "ngồi trên đống lửa"

>> BMP bị truy thu 117 tỷ đồng thuế

>> BMP sẽ khiếu nại đến cùng vụ truy thu hơn 100 tỷ đồng thuế

>> Công ty con TMC bị truy thu thuế    

>>Hướng dẫn áp thuế TNDN 20% với tổ chức tài chính vi mô

>>Năm 2016, thuế TNDN mới giảm về 20%

>>Thuế TNDN Việt Nam cao hơn nhiều nước