Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Kiến tạo, tăng tốc, bứt phá - Bài 5: Sẵn sàng cất cánh, tiến tới thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bước vào kỷ nguyên cất cánh, trở thành quốc gia phát triển.

Bài 5: Sẵn sàng cất cánh, tiến tới thịnh vượng

Nửa chặng đường nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, đất nước đi qua vô vàn khó khăn, chông gai, có những “cơn gió ngược”, thậm chí là những “cơn bão” chưa từng có trong lịch sử, như đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, vượt qua những gian nan, thử thách, ba khâu đột phá chiến lược vẫn thể hiện được vai trò là những mũi nhọn, là chủ công dẫn dắt kinh tế - xã hội phát triển, cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng XIII đã đề ra, góp phần để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay”.

Đó là minh chứng cho nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách thành những “trái ngọt” dành cho nhân dân, đúng như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu khi bế mạc Đại hội XIII và một lần nữa nhấn mạnh tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (tháng 5/2023), rằng “có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho Nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.

Không những thế, chúng ta tiếp tục ghi nhận những chuyển động tích cực của thể chế, chính sách; sự tăng tốc ấn tượng về hạ tầng và sự chăm chút, định hình cho nguồn “nhân lực thế hệ mới” sẵn sàng bứt tốc. Cùng với đó, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần vừa nghiêm minh, vừa nhân văn cũng củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân, của xã hội vào một bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để sửa mình, để lớn mạnh.

Với những trăn trở, nỗ lực và thành tựu bước đầu đó, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bước vào kỷ nguyên cất cánh, trở thành quốc gia phát triển. Đây là lúc cần hành động quyết liệt hơn nữa, cần nhiều hơn nữa những cán bộ, đảng viên có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sáng tạo và bầu nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh chống lại cái sai, sự tha hóa. Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua giông bão, tiến vững chắc trên con đường tới thịnh vượng, hùng cường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách”

Kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.

Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời”.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, tháng 5/2023)

"Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong hoàn thiện đồng bộ thể chế”

PGS-TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Qua nửa nhiệm kỳ, chúng ta đã đạt được những kết quả, thành tựu trong nhiệm vụ “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển” đất nước, nhưng vẫn còn sự chồng lấn, chồng chéo, dẫn đến các lĩnh vực vận hành chưa thực sự thông suốt. Để thực sự đột phá về thể chế, thời gian tới, tôi cho rằng, cần chú trọng một số điểm.

PGS-TS. Vũ Văn Phúc.

PGS-TS. Vũ Văn Phúc.

Một là, phải thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và xã hội về tính đồng bộ, hoàn thiện của thể chế phát triển như tinh thần Đại hội XIII đã nêu. Có như vậy thì xây dựng cơ chế, chính sách mới thông suốt, đồng bộ.

Hai là, trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cần đặt trọng tâm vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì đây là trung tâm liên kết, tác động tới các lĩnh vực khác. Đồng thời, chú trọng hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện, đưa chính sách vào đời sống.

Ba là, tạo bước chuyển trong quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát triển kinh tế số, xã hội số. Cần xây dựng bộ máy tinh gọn, phát huy vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng tính minh bạch, giải trình và có cơ chế để người dân tham gia quản trị đất nước trên các mặt đời sống xã hội.

Bốn là, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước. Phải tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã nói. Trong đó, chú trọng công tác cán bộ, có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Làm tốt khâu này chính là cái gốc để từ đó phát huy mọi nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển đất nước.

"Đầu tư công là khâu đột phá cho hạ tầng”

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhiều dự án quan trọng, dự án trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đã được khởi động, khởi công, hoàn thành đưa vào khai thác. Nhiều dự án của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, được đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn. Năm 2023, số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn (700.000 tỷ đồng), nhưng chúng ta sẽ phấn đấu đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch. Đó là dấu ấn đáng kể của đầu tư công thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thời gian tới, các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài sẽ được tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư… Đáng chú ý, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV này, khi thông qua sẽ gỡ nhiều nút thắt cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, để đầu tư hạ tầng tăng tốc hơn nữa.

Về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với 2 năm còn lại, Chính phủ xác định tập trung nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, triển khai chậm, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách.

Với những chuyển động tích cực đó, tôi tin rằng, trong nửa sau nhiệm kỳ khóa XIII, đầu tư công sẽ tiếp tục phát huy vai trò động lực, dẫn dắt đối với nền kinh tế nói chung và góp phần quan trọng để thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về hạ tầng nói riêng.

"Lựa chọn đúng đội ngũ tinh anh của đất nước”

Ông Nguyễn Văn Đáng, Tiến sĩ Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tầm nhìn lãnh đạo, quan điểm chính sách và năng lực quản trị của mỗi ủy viên trung ương sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đường hướng và quyết sách phát triển quốc gia. Do đó, lựa chọn đúng những “tinh anh chính trị” của đất nước có thể xem là “công việc hệ trọng” của Đảng, như xây được nền móng vững chãi, từ đó kỳ vọng vào sự lan tỏa, đổi mới, sáng tạo trong ý tưởng, quyết sách của đội ngũ này tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khi đó, không chỉ nguồn nhân lực, mà cả các lĩnh vực khác cũng sẽ có sự đột phá, bứt phá.

TS. Nguyễn Văn Đáng.

TS. Nguyễn Văn Đáng.

Để đánh giá, lựa chọn đúng những ứng viên cán bộ cấp chiến lược, nên cân nhắc tách bạch 2 quy trình cán bộ, gồm lãnh đạo chính trị và lãnh đạo hành chính, chuyên môn.

Với lãnh đạo chính trị, bên cạnh các quy định, quy trình hiện có, có thể yêu cầu ứng viên trình bày nhận thức về bối cảnh và những thách thức lãnh đạo của địa phương, quốc gia, cũng như quan điểm và giải pháp vượt qua thách thức, từ đó thẩm định tố chất và tầm vóc của ứng viên.

Với lãnh đạo hành chính, chuyên môn, thì yêu cầu số một là các phẩm chất “kỹ trị”. Ứng viên cần đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về phẩm chất chính trị, nhưng phải là những người có thời gian gắn bó lâu dài với lĩnh vực chuyên môn nào đó, đã đạt thành tích cá nhân xuất sắc trong hoạt động chuyên môn, được thừa nhận về kỹ năng và những thành tích quản lý, điều hành.

Tin bài liên quan