Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC 
tại Diễn đàn

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC tại Diễn đàn

Thúc đẩy tư duy sáng tạo trong huy động vốn

(ĐTCK) Tại ASEAN Business Summit 2016, “sáng tạo” là cụm từ được nhiều diễn giả nhắc lại trong bối cảnh hội nhập kinh tế tăng lên, nhưng các rào cản kỹ thuật của các quốc gia cũng tăng theo tương ứng; công nghệ đang thay đổi cuộc sống hàng ngày. Không chỉ trong hoạt động kinh doanh, huy động vốn cũng đòi hỏi những sáng tạo không ngừng mới có thể thu hút được nguồn vốn mới.

Thúc đẩy tư duy sáng tạo trong huy động vốn

Không phát ngôn chính thức với báo giới trong nước, nhưng thông tin Vietjet Air sẽ tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ngay trong tháng 12/2016 với đối tượng phát hành chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài, giá chào bán dao động từ 75.900 đồng - 98.400 đồng/cổ phiếu và ước con số thu về khoảng 194 triệu USD là câu chuyện đang gây ấn tượng với nhiều chủ thể trên thị trường tài chính hiện nay.

Ở một doanh nghiệp khác, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đang tiếp cận một kênh huy động vốn khác: phát hành trái phiếu quốc tế.

Tại cuộc hội thảo ASEAN Business Summit 2016 do Bloomberg tổ chức tại Hà Nội ngày 8/12/2016, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC cho biết, hiện FLC đang làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore và Nhật Bản để đàm phán phương án phát hành 100 triệu USD trái phiếu.

"Có thể một số nhà đầu tư đã tiến hành đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội mà TPP đem lại, nhưng nếu không có TPP, tôi tin rằng họ cũng không rút khỏi Việt Nam. Những ai muốn đầu tư vào Việt Nam đã đầu tư rồi và không chỉ vì TPP"

- Ông Phạm Văn Thinh, 
Tổng giám đốc Deloitte.

Vietjet Air hay FLC chỉ là 2 trong số nhiều “câu chuyện” về huy động vốn nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó, nhiều doanh nghiệp như Masan, Vingroup, GTN, Vinamik, PAN, CII… đã huy động vốn ngoại thành công từ những “câu chuyện” hấp dẫn về kinh doanh tại Việt Nam.

Trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu năm 2016 có xu hướng rút ròng khỏi các thị trường mới nổi, làm thế nào để các doanh nghiệp vẫn hút vốn đầu tư nước ngoài? Bí quyết nằm ở sự khác biệt ý tưởng kinh doanh và khả năng sáng tạo trong các công cụ huy động vốn. 

Sức hấp dẫn của Vietjet Air ở hình ảnh về một doanh nghiệp năng động trong lĩnh vực hàng không tư nhân chi phí thấp. Vietjet Air là trường hợp hiếm hoi thành công trong lĩnh vực này, bởi đây là lĩnh vực đặc thù, nơi mà rào cản gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp rất lớn và đa số các trường hợp bị thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa sau một vài năm.

Cùng với đó, nhìn vào thị trường 90 triệu dân của Việt Nam, nơi mà nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang ngày một lớn, trong khi thu nhập người dân vẫn còn khá thấp, nên dường như Vietjet Air ngày càng trở nên gần gũi với nhu cầu của dân chúng, mang trong mình “câu chuyện riêng” đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư tiềm năng.

Thúc đẩy tư duy sáng tạo trong huy động vốn ảnh 1

Sức hấp dẫn của Vietjet Air ở hình ảnh về một doanh nghiệp năng động trong lĩnh vực hàng không tư nhân chi phí thấp 

Còn với FLC, đó là câu chuyện của bất động sản du lịch. Hai năm, 4 quần thể du lịch nghỉ dưỡng đã và sẽ đi vào hoạt động. Và con số này có thể chưa dừng ở đây, khi ông Quyết khẳng định, trong vòng 15 năm tới, câu chuyện của FLC vẫn là “ở đâu có bãi biển đẹp, ở đó có dự án của FLC”.

Trả lời báo chí tại hội thảo ASEAN Business Summit 2016, Chủ tịch FLC đã phủ nhận khả năng bán lại các quần thể nghỉ dưỡng của Tập đoàn cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Thế nhưng, nếu nhìn vào câu chuyện của Thái Lan, nơi mà sau trào lưu bùng nổ các dự án nghỉ dưỡng, hàng loạt dự án trong nước đã được mua bởi các nhà đầu tư ngoại và quan trọng hơn, Thái Lan hiện không còn bãi biển đẹp nào chưa có dự án…, nên việc Việt Nam, nơi có những bãi biển được đánh giá đẹp hàng đầu thế giới, có thể trở thành điểm thu hút dòng vốn trên thế giới vào lĩnh vực này là điều có thể xảy ra.

Câu chuyện hấp dẫn ở thì tương lai của FLC chính là những vị trí đẹp nhất tại mỗi địa phương mới.

Ngoài các DN trên, Sabeco, Habeco… cũng đều là những doanh nghiệp được nhà đầu tư ngoại săn đón, bởi câu chuyện của các doanh nghiệp này là vị thế hàng đầu trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng, đồ uống tại thị trường 90 triệu dân của Việt Nam.

Tại ASEAN Business Summit 2016, “sáng tạo” là cụm từ được nhiều diễn giả nhắc đến. Không chỉ trong hoạt động kinh doanh, huy động vốn cũng đòi hỏi những sáng tạo không ngừng nghỉ khi người có tiền luôn có nhiều sự lựa chọn cho nơi bỏ vốn phù hợp hơn. 

Việt Nam sẽ hút vốn nếu doanh nghiệp có ý tưởng và chuẩn mực

“Thị trường chứng khoán Việt Nam - nơi trú ẩn an toàn hay mong manh trước những rủi ro bên ngoài?” là chủ đề của một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Bloomberg ASEAN Business Summit. Đánh giá về cơ hội đầu tư tại Việt Nam là câu chuyện xuyên suốt trong chủ đề này.

Nếu chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tôi nghĩ nền kinh tế thu hút được dòng vốn nghìn tỷ USD sẽ là chuyện bình thường.

- Ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc của Công ty Quản lý quỹ PXP Vietnam Asset Management .

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital lạc quan cho rằng, Việt Nam vẫn là một thị trường cận biên vì thế sẽ có rất nhiều thay đổi. Dù trong năm 2015, hoạt động thương mại quốc tế suy giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt vì có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thu hút được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài chính là từ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc TOP cao của châu Á và bản thân các DN Việt Nam, nhất là DN đầu ngành, còn sức bật mạnh trong kinh doanh.

Ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc của Công ty Quản lý quỹ PXP Vietnam Asset Management cho rằng, TTCK Việt Nam cũng như các TTCK khác, luôn có  rủi ro, nhưng xét trong năm 2016, Việt Nam dường như có sự tăng trưởng tốt hơn nhiều thị trường khác (VN-Index tăng 14% - PV).

Cũng theo ông Kevin, sở dĩ vốn ngoại ở lại Việt Nam vì nền kinh tế còn triển vọng tăng trưởng ở mức cao và một số doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk đã đạt đến trình độ quản trị tốt.

Ông Kevin cho rằng, ở vị thế của nhà đầu tư quốc tế, điều ông mong nhất là được tiếp cận các công ty có ý tưởng kinh doanh sáng tạo và được vận hành, quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế. Những DN như vậy không bao giờ lo khó hút dòng tiền.

“Nếu chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tôi nghĩ nền kinh tế thu hút được dòng vốn nghìn tỷ USD sẽ là chuyện bình thường”, ông nói.             

Việt Nam vẫn đang có cơ hội cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư quốc tế

Thúc đẩy tư duy sáng tạo trong huy động vốn ảnh 2

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte 

Một điều dễ nhận thấy là Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên thái Bình dương (TPP). Trong 2 - 3 năm vừa qua, các nhà phân tích kinh tế đã nói rất rõ, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 8 - 10%. Như vậy, việc TPP bị trì hoãn hoặc không thể thực hiện sẽ có tác động tới nền kinh tế Việt Nam, nhưng quan trọng là mức độ ảnh hưởng tới đâu.

Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam vẫn đang có cơ hội cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư, mà một trong số đó là lợi thế về chi phí thấp đã được một số diễn giả đề cập tới tại đây. Có thể một số nhà đầu tư đã tiến hành đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội mà TPP đem lại, nhưng nếu không có TPP, tôi tin rằng họ cũng không rút khỏi Việt Nam. Những ai muốn đầu tư vào Việt Nam đã đầu tư rồi và không chỉ vì TPP.

Riêng đối với thị trường Mỹ, Chính phủ Việt Nam chưa có thông điệp rõ ràng nào về vấn đề này, nên chúng ta sẽ chờ đợi. Tuy vậy, bởi Mỹ là thị trường lớn, chúng tôi rất hy vọng rằng Việt Nam và Mỹ sẽ có thỏa thuận thương mại riêng để mối quan hệ như hiện nay tiếp tục được duy trì và thương mại hai nước không ngừng tăng trưởng.

Riêng với các doanh nghiệp, nếu có TPP, bản thân họ và rộng hơn là Chính phủ Việt Nam, nền kinh tế cần phải thay đổi nhiều để đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, ngay cả khi không có TPP, chúng ta cũng phải tự thay đổi, xuất phát từ yêu cầu tự thân để phát triển. Tiến trình này thực tế đã bắt đầu, không vì có TPP chúng ta mới làm và nay không có TPP chúng ta sẽ không làm hoặc dừng lại. Một điều chắc chắn là doanh nghiệp sẽ phải thay đổi, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng.

Nếu không bắt kịp nền công nghệ, chúng ta sẽ tụt hậu rất xa

Thúc đẩy tư duy sáng tạo trong huy động vốn ảnh 3

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT 

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang tạo ra nhiều thay đổi to lớn ở các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Lợi thế của Việt Nam là đất nước có dân số trẻ và ham thích khám phá công nghệ, mức độ sử dụng internet cao, với độ phủ rộng.

Chính phủ cũng đã đặt ra các mục tiêu rất lớn về phát triển công nghệ thông tin nhanh mạnh, song song với tăng trưởng kinh tế. Rất nhiều ứng dụng đang được triển khai chẳng hạn chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, hải quan điện tử, thuế điện tử… với quyết tâm đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước có nền tảng công nghệ thông tin mạnh trong khu vực.

Hiện nay, các doanh nghiệp có cơ hội rất lớn khi chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội như thế nào, từ đâu, bằng cách nào? Có rất nhiều cách làm, từ việc đầu tư ra nước ngoài, mua bán và sáp nhập (M&A), đào tạo nhân lực sớm ngay từ ghế nhà trường… Tại các thị trường bên ngoài của FPT, có nơi tốc độ tăng trưởng rất cao, thậm chí có những thị trường tăng gấp 3 lần trong 1 năm. Do đó, nếu không bắt kịp chúng ta sẽ tụt hậu rất xa.

Chúng tôi đặt ra mục tiêu doanh số đạt 1 tỷ USD từ các thị trường nước ngoài vào năm 2020, với hai hướng tập trung gồm: cung cấp các giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin theo xu hướng công nghệ mới cho các tập đoàn lớn trên toàn cầu và cung cấp các giải pháp dịch vụ đã được triển khai thành công tại Việt Nam sang thị trường các nước đang phát triển.

Tin bài liên quan