Vấn đề này một lần nữa lại là chủ đề “nóng” trong Tọa đàm “Minh bạch thông tin và khuôn khổ pháp lý phát triển TCVM tại Việt Nam” do NHNN, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Trung tâm Tư vấn nguồn lực TCVM DN nhỏ và vừa đồng tổ chức cuối tuần qua cho thấy, để phát triển TCVM cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn.
Nhiều trở ngại để tăng trưởng bền vững
Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam chia sẻ, gần 3 thập kỷ qua, cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước, ngành TCVM của Việt Nam đã được hình thành, từng bước phát triển cả về quy mô, số lượng chương trình, dự án, tổ chức TCVM và sự đa dạng trong hoạt động, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, năm 2014 đánh dấu một giai đoạn khởi sắc của TCVM khi Ban Công tác TCVM Việt Nam và Tổ chức TCVM TNHH Thanh Hóa chính thức được thành lập.
Ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết, tính đến 30/9/2014, theo kết quả giám sát và báo cáo của 2 tổ chức TCVM Tình Thương (TYM) và M7, tổng vốn chủ sở hữu đạt 238,9 tỷ đồng; tổng tiền gửi đạt 439,2 tỷ đồng, tổng dư nợ 787,6 tỷ đồng, tổng nợ xấu 75,2 triệu đồng (tương đương tỷ lệ nợ xấu 0,01%); lợi nhuận đạt 32 tỷ đồng, ROE: 9,5%, ROA: 2,25%.
Nhận định về thành quả đã đạt được, bà Lory Camba Opem, Chuyên gia Tài chính trách nhiệm toàn cầu IFC cho rằng, chiến lược phát triển dịch vụ TCVM cho thấy cam kết lớn của Chính phủ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trở ngại về khả năng tồn tại và tăng trưởng bền vững của ngành.
Cụ thể, bà Lory Camba Opem chỉ rõ, lĩnh vực TCVM còn non trẻ với phần lớn các tổ chức TCVM cần được nâng cao năng lực thể chế cơ bản, quản trị rủi ro, xây dựng năng lực cán bộ, quy trình, quy phạm. Quy định về bảo đảm an toàn chưa áp dụng thống nhất cho các tổ chức tín dụng vi mô. Cần tăng cường giám sát, thực thi chính sách, bởi một số luật, nghị định, quy chế, hướng dẫn đã có nhưng chưa được áp dụng thống nhất giữa các tổ chức cung cấp.
Đặc biệt, khó khăn về lãi suất, nguồn vốn đã cản trở sự phát triển của các tổ chức TCVM, bởi nguồn vốn viện trợ chưa đủ để bù đắp khoản thiếu hụt đáng kể giữa cung - cầu, trong khi các hình thức huy động vốn khác đều gặp nhiều khó khăn, như phương án góp vốn tốn kém do nhà đầu tư muốn có mức lợi tức cao; huy động vốn thông qua trung gian tiền gửi thường không phải là giải pháp khả thi vì quy định của pháp luật và chi phí hoạt động cao; vay vốn từ NHTM trong nước còn hạn chế do nhận thức rủi ro cao, khó định giá khoản vay tương ứng với hồ sơ tín dụng do ngành này còn non yếu và thiếu tài sản bảo đảm…
“Để xây dựng ngành TCVM có trách nhiệm đòi hỏi nhiều hơn chứ không chỉ dừng ở mức ‘không phạm luật’ thông qua việc xây dựng các hệ thống, quy trình nội bộ hiệu quả, nhân lực có chất lượng, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tập quán kinh doanh của tổ chức; minh bạch thông tin với các bên liên quan, khách hàng, chính phủ, bên góp vốn là yêu cầu quan trọng hướng tới thương mại hóa một cách có trách nhiệm”, bà Mohini Bhatia, Chuyên gia Tài chính trách nhiệm toàn cầu IFC chia sẻ.
Cần thêm quy định sát thực tế
Để thúc đẩy ngành TCVM còn non trẻ phát triển, theo bà Mohini Bhatia, cần có những tổ chức TCVM được điều hành tốt, có tầm nhìn xa, nhằm cung cấp những dịch vụ tài chính đa dạng trên quy mô lớn, bảo đảm có lãi. Có hạ tầng cơ sở, thị trường tốt; có quy định bảo đảm an toàn và phi an toàn thuận lợi, có cơ quan giám sát hiệu quả; có hỗ trợ tài chính, kỹ thuật hiệu quả từ các tổ chức quốc tế/khu vực... Tức là còn rất nhiều điều phải làm!
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, để giảm lãi suất TCVM cần sự tham gia từ hai phía, đó là năng lực của các tổ chức TCVM và cam kết hỗ trợ từ Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Nhóm công tác TCVM Việt Nam đề xuất, NHNN cần chỉnh sửa, bổ sung các quy định hiện hành, có giải pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù hoạt động TCVM, bao gồm: mô hình, cơ cấu tổ chức và quản trị điều hành; góp vốn thành lập tổ chức TCVM; điều kiện cấp giấy phép để khuyến khích các tổ chức TCVM chuyển đổi và hoạt động chuyên nghiệp; hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán độc lập; cơ chế lãi suất đảm bảo cho các tổ chức TCVM thu đủ bù chi và bền vững hoạt động...
Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi về thuế cho các tổ chức TCVM; đồng thời, sớm có văn bản hướng dẫn về hoạt động dịch vụ bảo hiểm vi mô theo hướng khuyến khích các công ty bảo hiểm tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho người nghèo một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, để các tổ chức TCVM có cơ sở pháp lý triển khai trên thực tế.
Đối với Bộ Nội vụ, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, phát triển nhiều chương trình/dự án TCVM, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương cần chủ động, tích cực hỗ trợ các tổ chức TCVM về nguồn vốn, trong công tác tuyên truyền, vận động về TCVM, đồng thời phối hợp, trợ giúp các tổ chức TCVM trong việc đảm bảo an toàn khi phát vay và thu hồi nợ tại địa phương...