Thuận tiện và bất tiện

Thuận tiện và bất tiện

Theo thống kê, hiện nay có hơn 70% khách hàng cá nhân có nhu cầu giao dịch ngân hàng (NH) ngoài giờ hành chính. Tuy nhiên, thời gian giao dịch của các NH thường chỉ đến 16 giờ 30, nên còn gây khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là công nhân viên chức. Do vậy nhiều NH đã tranh thủ cơ hội này để phục vụ “thượng đế”.

 

Mở cửa đến 20 giờ

 

Chị Nguyễn Thị Hạnh - kế toán một công dệt may ở quận 7 TPHCM - cho biết: “Tôi thường có nhu cầu đến NH giao dịch như nộp tiền vào tài khoản, chuyển tiền về quê hoặc thanh toán hóa đơn... Nhưng do làm việc giờ hành chính, tôi chỉ rảnh buổi tối và ngày chủ nhật nên rất bất tiện. Trong giờ hành chính tranh thủ đi giao dịch NH thì thường phải chầu chực chờ đọc số giao dịch, tôi rất sốt ruột vì quá mất thời gian”.

 

Những bức xúc của chị Hạnh nay đã được DongA Bank giải quyết. Từ tháng 12-2007, DongA Bank mở rộng phục vụ đến 20 giờ tối. Trong giai đoạn đầu, DongA Bank triển khai tại 9 điểm, trong đó có 5 điểm tại TPHCM, 2 điểm tại TP Đà Nẵng, 1 điểm tại TP Cần Thơ và 1 điểm tại Bạc Liêu.

 

Dự kiến trong thời gian tới, DongA Bank tiếp tục mở rộng phục vụ ngoài giờ tại các chi nhánh, phòng giao dịch khác. Khách hàng có thể đến NH giao dịch liên quan đến thẻ đa năng, tài khoản cá nhân, tiết kiệm, ủy nhiệm chi, thu nợ - lãi vay, nhận hồ sơ vay và tư vấn các sản phẩm dịch vụ khác.

 

Hiện nay hầu hết các chi nhánh NH tại TPHCM đều tranh thủ giờ nghỉ trưa, lúc hết giờ làm ở công sở để đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng bằng việc mở cửa từ 7 giờ 30 đến 19 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, không nghỉ trưa. Ngay cả ngày thứ bảy nhiều NH mở cửa giao dịch đến 11 giờ 30.

 

Với việc kéo dài thời gian giao dịch ngoài giờ hành chính, các NH đã giúp khách hàng không bị bó  buộc về thời gian. Tuy nhiên, dù kéo dài thời gian hoạt động ngoài giờ hành chính nhưng thực tế các NH vẫn còn hạn chế các nghiệp vụ ở thời điểm này. Thông thường NH chỉ thực hiện những giao dịch về tài khoản, tiền gửi tiết kiệm…

 

ATM: tiện và phiền

 

Một trong những kênh giao dịch ngoài giờ hành chính phổ biến nhất cho khách hàng hiện nay là giao dịch tại máy ATM. Mặc dù dịch vụ trên máy ATM của các NH vẫn còn hạn chế nhưng các khách hàng có thể giao dịch bất cứ thời gian nào thuận tiện. Hệ thống ATM đang được các NH trong nước đẩy mạnh đầu tư và được xem như nền tảng cho hoạt động kinh doanh NH bán lẻ-do có thể thích nghi với mọi điều kiện.

 

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lắp đặt máy ATM chưa cao, trung bình 1 triệu người mới có 46 máy ATM, vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực. Dù ít máy nhưng thực tế ở kênh này cũng đang có không ít bất tiện cho khách hàng. Các NH đang phải giải quyết nhiều vụ khiếu kiện từ khách hàng với những lý do như mất tiền trong tài khoản thẻ, giao dịch rút tiền không thành công nhưng tiền trong tài khoản vẫn bị trừ… đặc biệt các chủ thẻ rất lo gặp tình cảnh khi đang rút tiền ở máy ATM thì bị cúp điện. Theo Trung tâm thẻ của VCB, thì mỗi ngày trên toàn hệ thống có không ít máy ATM phải ngưng hoạt động vì mất điện.

 

Anh Võ Tấn Thìn - ngụ ở phường 15 quận 8 TPHCM - cho biết : “Thời gian gần đây, cứ gần tối là ở quận 8 lại bị cúp điện. Có hôm tôi vào buồng máy ATM rút tiền thì cúp điện, tiền chưa lấy kịp nhưng hệ thống đã gạch nợ tài khoản. Mặc dù sau khi liên hệ NH đã được giải quyết nhưng thật bất tiện cho tôi khi cần tiền gấp để chi tiêu”.

 

Hầu hết những khiếu kiện của khách hàng liên quan đến gian lận, mất tiền trong tài khoản thường được giải quyết nhanh chóng khi các NH kiểm tra camera được gắn trên máy ATM. Tuy nhiên, thực tế không phải máy ATM nào cũng được lắp đặt camera. Khi sự cố xảy ra, nếu rơi vào trường hợp máy không có camera, NH chưa tìm ra được nguyên nhân, với số tiền mất không lớn các NH thường chấp nhận bồi hoàn cho khách hàng. Tuy nhiên nhiều NH cho biết trong tương lai khi  xảy ra mất tiền ở những ATM không có camera, khách hàng sẽ phải chịu thiệt chứ không thể đổ lỗi cho NH - vì thẻ và mật mã giao dịch cho khách hàng nắm!