Tham dự và là lãnh đạo đầu tiên phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á tại Nhật sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trích dẫn nghiên cứu của nhà kinh tế học người Anh - Adam Smith để nêu bật ý nghĩa của toàn cầu hóa.
Theo đó, chìa khóa thịnh vượng của một quốc gia nằm ở khả năng tự do sản xuất và trao đổi hàng hóa.
“Sự kiện hôm nay diễn ra tại Nhật Bản nhắc tôi nhớ lại từ khoảng thế kỷ 16, Hội An, một thương cảng nằm ở tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, đã dần hình thành một trong những nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền ở châu Á”, Thủ tướng bày tỏ.
Ông cũng khẳng định "Lịch sử cho thấy dù chúng ta ủng hộ hay phản đối toàn cầu hóa, nó vẫn là xu hướng tất yếu".
Lấy ví dụ về sự phát triển kinh tế trên Con đường Tơ lụa trước đây, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh toàn cầu hóa "không đơn thuần là một quá trình kinh tế, mà còn phản ánh nhu cầu của nhân loại, muốn vươn xa hơn, theo đuổi thịnh vượng và chinh phục thách thức".
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do, ngoài 12 hiệp định đã có, qua đó khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù Mỹ gần đây đã rút khỏi hiệp định này. Ông cho biết Việt Nam sẽ làm việc sâu sát với các nước còn lại.
Riêng với Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ đàm phán một hiệp định song phương. Cuối tháng trước, ông là lãnh đạo đầu tiên tại Đông Nam Á gặp Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Trong chuyến thăm, 2 nước đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ USD.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 30 năm qua, GDP Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ hằng năm hơn 6%. "Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện khung chính sách và pháp lý liên quan đến đầu tư, hướng tới thống nhất, minh bạch và dễ tiên đoán hơn", Thủ tướng cam kết.
Từ khi nhậm chức vào tháng 4/2016, Thủ tướng đã thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, tự do hóa kinh doanh, trong đó có một chỉ thị nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa nhiều công ty quốc doanh. Trong bài phát biểu sáng nay, Thủ tướng cũng nhắc lại cam kết xây dựng "Chính phủ kiến tạo", phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh châu Á có vai trò ngày càng quan trọng trong kinh tế toàn cầu. Năm 2016, khu vực này đóng góp GDP danh nghĩa lớn nhất trong các châu lục. Năm 2010, châu Á chỉ đứng thứ 3.
"Chúng ta thường nghe về Giấc mơ Mỹ hay Giấc mơ Trung Quốc. Nhưng dường như trên các phương tiện thông tin đại chúng, Giấc mơ Myanmar, Giấc mơ Lào, Giấc mơ Campuchia hay Giấc mơ Việt Nam hầu như không được nhắc đến.
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy TPP và đàm phán hiệp định song phương với Mỹ. Ảnh: Reuters
Tôi tin rằng trong tương lai, châu Á sẽ là nơi mà giấc mơ của tất cả quốc gia, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, đều được lắng nghe và tôn trọng", Thủ tướng kỳ vọng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định quá trình hội nhập toàn cầu của châu Á đang gặp nhiều thách thức. Đó là chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, khủng bố, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trên biển Đông, biển Hoa Đông và ảnh hưởng từ dịch bệnh hay biến đổi khí hậu.
Để giải quyết những thách thức này, Thủ tướng đề xuất 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á thay đổi cấu trúc.
Thứ hai là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm. Cuối cùng, các nước sẽ phải tối ưu hóa nguồn lực từ sự phối hợp với các định chế quốc tế.
Hội nghị Tương lai châu Á là một trong các sự kiện Thủ tướng tham dự trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4/6 đến 8/6. Mục tiêu quan trọng là thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước ở cấp trung ương và địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại.
Thủ tướng cũng sẽ chủ trì một hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô tại Tokyo, chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước.