Chỉ đạo định hướng triển khai để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và giai đoạn tới, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và và Đầu tư cần theo sát diễn biến, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đề xuất tham mưu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực nhằm thúc đẩy tăng trưởng; hướng tới chuẩn mực của Tổ chức OECD.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh tiềm năng Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế... cũng như làm tốt công tác quy hoạch. Thủ tướng nhắc nhở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập là tạo ra việc làm, an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm tốt công tác tham mưu để bảo đảm phát triển bền vững, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu hài hòa và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tôi đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu cho Chính phủ các giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải cố gắng biến Việt Nam từ “một cô gái đẹp” trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á
- Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc
Các nguồn lực xã hội phải được giải phóng, tạo điều kiện phát huy tối đa, hướng tới việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, cần có cơ chế phù hợp để huy động, sử dụng vốn đầu tư theo chủ trương xã hội hóa, nhất là hình thức hợp tác công-tư.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung rà soát, tăng hiệu quả quản lý các dự án đầu tư công.
“Thời gian tới, Bộ cần phối hợp với các đơn vị khác trong việc nghiên cứu huy động vốn phục vụ đầu tư một số công trình quan trọng như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam... theo tinh thần tiết kiệm, được kiểm soát chặt chẽ, công tâm. Đồng thời, hướng tới xây dựng chính sách với cách làm mới nhằm giải phóng nguồn lực trong nhân dân và từ khu vực đầu tư nước ngoài”, Thủ tướng chỉ đạo.
Để đảm bảo chiến lược tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế - xã hội để có kịch bản tăng trưởng cho quý I. Từ đó, bộ đưa ra giải pháp ngắn gọn, dễ áp dụng vào thực tế để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2018.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu cho Chính phủ các giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải cố gắng biến Việt Nam từ “một cô gái đẹp” trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục tập trung mục tiêu xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; theo dõi, giám sát và tham mưu, đề xuất với Chính phủ những giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu kinh tế gắn với đối mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính; chuẩn bị nội dung một số luật để trình Quốc hội...
Chúng ta cần phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội mới, chủ động, linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước để đứng vững trước những thay đổi của thế giới và phát triển nhanh, bền vững
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những thuận lợi, sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, trong đó đáng chú ý nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tạo sự chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện mạnh mẽ hơn 3 đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng.
Để vượt qua được những thách thức này và tận dụng các lợi thế biến thành cơ hội, xác lập định hướng chiến lược cho năm 2018 và nhiều năm tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 5 yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, những thành tựu đạt được trong năm 2017 vừa tạo đà thuận lợi, vừa tạo cơ hội cho năm 2018. Các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục xu thế tăng trưởng tốt; nhiều quyết sách đổi mới của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngày càng hiệu quả.
Thứ hai, bối cảnh thế giới tuy có nhiều thay đổi và thách thức, nhưng cơ hội mở ra cho nền kinh tế nước ta là không ít. Trong đó, cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại là rất lớn, chúng ta cần xác định tinh thần và làm tốt công tác chuẩn bị để tranh thủ, nhất là những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật tiên tiến, những tư duy mới cả trong công tác quản lý và triển khai thực hiện.
Mặc dù chưa thể định lượng được hiệu quả mà cuộc cách mạng này đem lại, nhưng sẽ là rất lớn và chỉ có vậy mới tạo được bước nhảy đột phá trong tăng trưởng và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ ba, nguồn lực cho đầu tư phát triển luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân, dân cư và đầu tư nước ngoài là rất cần thiết.
Làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu sẽ tiếp diễn và thậm chí mạnh mẽ hơn trong năm 2018.
Đây là cơ hội tốt để Việt Nam đón nhận, một mặt xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng để thu hút dòng vốn này, mặt khác phải có sự lựa chọn hiệu quả hơn đối với các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó tập trung vào các dự án lớn, các tập đoàn đa quốc gia, dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, đây là cơ hội để đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Thứ tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó còn nhiều dư địa để cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh còn ở thứ hạng thấp trên bảng xếp hạng thế giới. Nếu làm được điều này, đây thực sự là cơ hội để chúng ta cải thiện và bứt phá vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng, hướng tới mục tiêu ASEAN-4 mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã để ra.
Thứ năm, niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố. Đây là cơ hội lớn nhất để đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nhất là trong công tác tham mưu chính sách.
“Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi tất cả chúng ta phải nỗ lực, cố gắng tối đa. Bởi lẽ, lấy được niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp đã khó, giữ được niềm tin đó trong dài hạn càng khó hơn. Nhưng với quyết tâm, các giải pháp đúng đắn, chính xác, kịp thời và sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ làm lớn mạnh hơn niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bước sang năm 2018, bối cảnh quốc tế sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Cục diện quốc tế dự kiến có nhiều thay đổi cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Chúng ta cần phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội mới, chủ động, linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước để đứng vững trước những thay đổi của thế giới và phát triển nhanh, bền vững.
Nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém cả về chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định
Vì vậy nhiệm vụ đặt ra của năm 2018 và những năm tiếp theo đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là rất nặng nề ở tất cả các lĩnh vực: tham mưu thể chế, pháp luật, chính sách, đặc biệt là Luật khu hành chính - kinh tế đặc biệt; tổ chức triển khai thực hiện các Luật mới được thông qua như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đổi mới, nâng cao hiệu quả các công tác quản lý nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, nhất là về kế hoạch, chiến lược phát triển, kinh tế vĩ mô, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng; sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...