Tài sản và vốn Nhà nước ở các DNNN còn tới hơn 5 triệu tỷ đồng
“Cổ phần hóa chưa được bao nhiêu…”. Thủ tướng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 6/12, với sự tham gia của các bộ, 63 tỉnh thành phố trên cả nước, các tập đoàn, tổng công ty…
Theo Thủ tướng, tuy CPH, thoái vốn Nhà nước đạt được một số kết quả, nhưng theo số liệu công bố của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, thoái vốn ngoài ngành tại 5 lĩnh vực mới đạt 42%. Lượng vốn bán ra thị trường tại các doanh nghiệp sau CPH mới đạt 8%, 92% còn lại vẫn do Nhà nước nắm.
“Tại sao lại chậm như vậy trong khi theo số liệu của Bộ Tài chính, trong số 350 doanh nghiệp đã CPH đến năm 2015, so với trước khi CPH, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách nhà nước tăng 27%, tổng tài sản tăng 39%? CPH mang lại lợi ích rõ ràng như vậy, sao cứ để chậm trễ mãi?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép sau ngày 31/12/2016, nếu doanh nghiệp nào đã cổ phần hóa mà chậm lên sàn, thì công khai danh tính trước khi áp dụng chế tài xử lý.
Thủ tướng cho biết, hiện nay tài sản và vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước còn tới hơn 5 triệu tỷ đồng. Việc đẩy mạnh sắp xếp, CPH còn mang lại những lợi ích khác như góp phần phòng chống tham nhũng, vì doanh nghiệp CPH rồi có nhiều cổ đông cùng giám sát, không thể tùy tiện chi tiêu.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, CPH, thoái vốn chậm do cả khách quan và chủ quan như: việc xây dựng và phê duyệt đề án thoái vốn, CPH còn chậm; khung chính sách chưa chặt chẽ, chưa kịp thời…
Khi thị trường, tư nhân làm tốt, Nhà nước phải dần rút ra
Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy CPH” khi kết luận hội nghị, đồng thời ông chỉ đạo: doanh nghiệp nhà nước phải nhỏ đi, nhưng từng doanh nghiệp nhà nước phải mạnh và hiệu quả cao hơn.
“Phải thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để giải phóng nguồn lực nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn. Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tài sản lớn, mà hiệu quả hoạt động thấp sẽ chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước đua một mình một ngựa thì biết ai chạy nhanh”, Thủ tướng nói. Ông cho rằng, Chính phủ đang xây dựng Chính phủ kiến tạo, phải chấp nhận khi thị trường, tư nhân làm tốt thì Nhà nước phải dần rút ra.
Muốn vậy, Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các bộ, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước tới đây cần phải xác định cho được lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ cổ phần, lĩnh vực nào cần rút ra. Những lĩnh vực công ích, sự thất bại thị trường (ngoài Nhà nước không ai làm, hoặc độc quyền tự nhiên) thì Nhà nước phải nắm giữ vốn chi phối, còn lại nhà nước cần rút vốn về mức phù hợp hoặc rút toàn bộ 100% để tư nhân làm.
“Các bộ, địa phương đề xuất nhiều, ngay sau đây tôi sẽ ký ban hành văn bản sửa Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó các văn bản khác sẽ được ban hành sớm để làm cơ sở cho triển khai sớm”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm sẽ ban hành quy định về bán toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty. Cùng với đó là xử lý các bất cập về định giá đất đai khi xác định giá trị doanh nghiệp… Cần có cơ chế phù hợp để thu hút cổ đông chiến lược, giảm vốn nhà nước xuống mức phù hợp để thực sự thay đổi quản trị doanh nghiệp…
Trong quá trình triển khai sắp xếp, CPH, mục tiêu quan trọng nhất là phải đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, bán đúng giá thị trường. Cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có kinh nghiệm, trình độ tham gia quá trình CPH, thoái vốn. Tăng cường kiểm tra, thanh tra để đảm bảo quá trình CPH, thoái vốn không làm thất thoát tài sản nhà nước.
“Ngay sau hội nghị này sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020. Sau chỉ thị này, tôi đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải có chương trình hành động cụ thể, không phải họp xong bỏ túi…”, Thủ tướng nhấn mạnh.