Theo Thủ tướng, Diễn đàn năm nay có nội dung bao trùm hơn, với sự tham gia rộng rãi hơn của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Mục tiêu quan trọng nhất của diễn đàn năm nay, là cung cấp dữ liệu đầu vào, giúp Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời, đây là dịp để các học giả, các chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cũng như để Việt Nam có dịp chia sẻ với các nước có cùng trình độ phát triển kinh nghiệm thành công và thất bại của mình.
Thủ tướng hoan nghênh và trân trọng những ý kiến, tham luận, có ý nghĩa và tâm huyết của các đại biểu, trong đó có các thảo luận về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường Việt Nam với trọng tâm là tự do hóa thị trường, hoàn thiện bộ máy sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, các mặt hàng xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
"Qua đây, tôi muốn chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước. Từ một đất nước với muôn vàn khó khăn, từ chỗ các gia đình chỉ mơ ước được ăn no, mặc ấm, trẻ em được đến trường để trở thành một nước có tốc độ tăng trưởng ấn tượng", Thủ tướng cho biết..
Thủ tướng đã nhấn mạnh đến cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử đất nước, đến các thành tích xóa đói, giảm nghèo ấn tượng mà Việt Nam đạt được. Từ đó, gia tăng tầng lớp trung lưu và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh với khả năng thích ứng cao, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đã hướng được dòng chảy của vốn FDI, của chuỗi giá trị toàn cầu chảy qua, điển hình như việc tham gia vào chuỗi hàng hóa của các tên tuổi lớn trên thế giới.
Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn năm nay. Ảnh: Thành Nguyễn.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng đồng tình với ý kiến của các chuyên gia khi cho rằng Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế, như năng lực tiếp cận kinh tế số còn hạn chế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, năng suất lao động còn thấp….
Theo Thủ tướng, những hạn chế yếu kém đó sẽ không làm Việt Nam chùn bước, mà ngược lại sẽ thúc đẩy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, hành động nhiều hơn nữa để có được những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc các Bộ, các địa phương cần nghiêm túc lắng nghe những chia, bài học kinh nghiệm, ý kiến nhận định và đề xuất của các chuyên gia, các đối tác phát triển, các quốc gia đi trước. Từ đó, tìm ra những cách làm phù hợp để đóng góp cho kế hoạch phát triển thời gian tới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
Theo Thủ tướng, để làm được điều này, Việt Nam cần thực hiện đồng thời nhiều đột phá chiến lược như: Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn điịnh xã hội; Thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang kinh tế thị trường, hướng tới kinh tế số; Phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho sự phát triển; Đầu tư cho giáo dục, cho thế hệ trẻ nhiều hơn nữa; Mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập sâu rộng vào các hiệp định thương mại.