Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 trong tháng 6/2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là một nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài sẽ làm tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài sẽ làm tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc.

Tại Chỉ thị nói trên, Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 6/2024.

Trước đó, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ này cho EVN tại cuộc họp của EVN với Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và 9 địa phương liên quan hồi tháng 7/2023 để bàn và thống nhất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án 500kV mạch 3 kéo dài, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho Miền Bắc.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên). Dự án nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023.

Dự án có chiều dài 514km, với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng, bao gồm 4 cung đoạn Quảng Trạch-Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu-Thanh Hóa; Thanh Hóa-Nam Định 1; Nam Định 1-Phố Nối.

Đây là dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, giúp tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức 2.200MW lên khoảng 5.000MW.

Theo kế hoạch, năm 2025-2026 sẽ đưa dự án vào vận hành, nhưng với tình hình căng thẳng điện tại miền Bắc, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, tới tháng 6/2024 phải hoàn thành để tăng cung ứng điện cho miền Bắc.

Ngoài nội dung nói trên, Thủ tướng cũng yêu cầu EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và đơn vị trực thuộc triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch Điện VIII theo quy định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

EVN, PVN chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc phát sinh trong phát triển các dự án nhiệt điện khí để vừa góp phần thúc đầy tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện khí và các dự án khai thác khí.

Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước

Năm 2023, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của khối DNNN khoảng 1.652 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 166 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Tại Chỉ thị 07, Thủ tướng Chính phủ nhận định, DNNN ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển KTXH và bảo vệ tổ quốc.

Tuy nhiên, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số hạn chế như: một số DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao; giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra; còn có DNNN hoạt động thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm...

Để tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư phát triển của các DNNN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DNNN nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của Chủ tịch, Tổng giám đốc/Giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy, cách làm mới, quyết tâm, quyết liệt trong hành động.

Khẩn trương triển khai có kết quả và hiệu quả Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt, các nhiệm vụ, chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và kịp thời giải ngân vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành, lĩnh vực mới nổi.

Ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tạo thế và lực cũng như cơ sở xây dựng định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược giai đoạn tiếp theo.

Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao, góp phần cao nhất bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tin bài liên quan