Thủ tục hành chính rườm rà cản bước chân doanh nghiệp

Thủ tục hành chính rườm rà cản bước chân doanh nghiệp

(ĐTCK) Trước Diễn đàn kinh tế tư nhân và cuộc đối thoại của cộng đồng doanh nghiệp với Thủ tướng Chính phủ dự kiến diễn ra cuối tháng 7, nhiều vấn đề lại được các doanh nghiệp nêu lên với mong muốn sớm có môi trường kinh doanh thông thoáng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh ôtô, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ tháng 7/2017 nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện cụ thể cho doanh nghiệp ôtô.

Doanh nghiệp rất cần được thảo luận về chủ đề này và sớm có thông tin để lên kế hoạch chủ động. Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải nên phối hợp với các bộ, các doanh nghiệp có liên quan để thiết lập điều kiện kinh doanh cần thiết, khả thi và minh bạch cho sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu động cơ xe càng sớm càng tốt.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Ôtô Thành An, có trụ sở tại Thanh Xuân lại nêu ra vướng mắc trong nộp tờ khai đăng ký phương pháp tính thuế. Cụ thể, Thành An được thành lập tháng 8/2016. Trong giai đoạn tháng 8 - 12/2016 doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 5 tỷ đồng, tháng 1/2017, doanh nghiệp đi vào hoạt động kinh doanh, do hoạt động bán lẻ cho một đại lý ô tô chính hãng nên dự kiến doanh thu mỗi tháng không dưới 50 tỷ đồng.

Tại thời điểm thành lập, doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thuế để được áp dụng phương pháp kê khai khấu trừ đối với thuế GTGT. Cơ quan thuế đã chấp nhận và áp dụng cho năm 2016. Tuy nhiên do doanh nghiệp mới thành lập, nhân sự chưa ổn định nên tại thời điểm 20/12/2016, doanh nghiệp đã không nộp bản đăng ký tự nguyện áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (mẫu 06 - theo quy định tại Thông tư 119/2014/TT-BTC). Ngay ngày 21/12/2016, doanh nghiệp phát hiện ra sự việc và mang mẫu 06 nói trên đi nộp nhưng không nơi nào nhận và cũng không cho doanh nghiệp được phạt chậm nộp.

“Trong quá trình đi cầu cứu suốt nhiều ngày qua, những cán bộ thuế thông cảm nhất cũng chỉ có thể hướng dẫn chúng tôi đóng cửa doanh nghiệp và mở doanh nghiệp mới. Mọi con đường để doanh nghiệp hiện tại được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đều đã bị đóng lại”, lãnh đạo Công ty phản ánh.

Doanh nghiệp bức xúc nói rằng, nếu chỉ vì chậm nộp một tờ đăng ký trong vài ngày mà phải đóng cửa, phá sản thì quá bất công cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp như vậy nếu không được nộp thuế theo phương pháp kê khai khấu trừ chỉ còn cách đóng cửa phá sản. Đi kèm là những khoản đầu tư ban đầu sẽ mất, những hợp đồng đã mất bao công sức để tìm kiếm được trở thành vô giá trị, và thậm chí có thể còn bị phạt.

Doanh nghiệp tha thiết đề nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét, cho phép các doanh nghiệp như trên được nộp tờ đăng ký áp dụng phương pháp kê khai khấu trừ.

Với Công ty Shopee Vietnam, vướng mắc lại đến từ đầu mối tiếp nhận và xử lý thông báo khuyến mại. Theo phản ánh của doanh nghiệp này, thủ tục hành chính về thông báo hoạt động khuyến mại theo Nghị định 37/2006/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 68/2009/NĐ-CP cần được đơn giản hóa để phù hợp với hoạt động thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch điện tử, là hoạt động đặc thù trên môi trường mạng Internet và có tầm bao phủ không giới hạn về mặt địa lý.

Theo hai nghị định trên, hoạt động khuyến mại thực hiện trên website thương mại điện tử được xem là thực hiện trên phạm vi toàn quốc (trừ khi có quy định cụ thể giới hạn về mặt địa lý của hoạt động khuyến mại) và doanh nghiệp phải thực hiện thông báo khuyến mại cho Sở Công thương ở 63 tỉnh thành.

Mỗi tỉnh thành theo đó có thể yêu cầu chỉnh sửa bổ sung hồ sơ khác nhau đối với thông báo khuyến mãi của mỗi chương trình khuyến mãi, đã gây thêm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp đang triển khai thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng cũng phản ánh sự phiền hà mà họ phải gánh chịu. Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Lạng Sơn cho rằng, Nhà nước cần có chính sách cũng như ban hành giá đất đền bù hợp lý sát với thực tiễn, công tác tái định cư hợp lý. Doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chẳng hạn việc vận động kiểm đếm đền bù, vận động nhận tiền đền bù ngày càng khó khăn.

Doanh nghiệp phải chi phí thêm nhiều lần so với đơn giá đền bù theo quy định của nhà nước. Người dân chây ì không hợp tác, dẫn tới kéo dài thời gian dự án không thi công đồng bộ các hạng mục công trình, chi phí đầu tư tăng cao, thu hồi vốn chậm. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn thụ động, ngại va chạm, đôi khi chưa sử dụng các biện pháp cần thiết.

Để tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp rất mong chính quyền địa phương áp dụng những biện pháp cứng rắn như kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế giải phóng mặt bằng, bảo vệ thi công phù hợp quy định của pháp luật.

Rõ ràng, có không ít nút thắt mà các doanh nghiệp tư nhân đang cần được tháo gỡ để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, từ đó mới có thể kỳ vọng khu vực kinh tế này sớm trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan