Thủ thuật “tạo tiền” của bầu  Kiên

Thủ thuật “tạo tiền” của bầu Kiên

(ĐTCK) Bằng thủ thuật đầu tư lòng vòng, Nguyễn Đức Kiên đã kinh doanh trái phép gần 21.491 tỷ đồng

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất bản cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), cựu Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB với 4 tội danh. Theo cáo trạng, từ tháng 5/2007 đến tháng 8/2012, Nguyễn Đức Kiên bằng thủ thuật đầu tư lòng vòng, đã kinh doanh trái phép qua 6 công ty tổng số tiền lên tới 21.490,4 tỷ đồng.

“Bộ sáu” quyền lực

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nêu rõ, ông Kiên đã thành lập và đồng thời là Chủ tịch HĐQT/HĐTV của 6 công ty gồm: CTCP Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam; CTCP Đầu tư thương mại B&B; CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu; CTCP Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội; CTCP Đầu tư Á Châu.

Không chỉ có tên gọi từa tựa nhau, mà hầu hết các pháp nhân này đều có điểm chung là chỉ thực hiện đầu tư tài chính và kinh doanh vàng, mặc dù đăng ký kinh doanh hàng chục ngành nghề khác nhau. Dựa vào 6 pháp nhân, ông Kiên đã có hành vi kinh doanh trái phép, đầu tư tài chính, mua cổ phần và góp vốn vào công ty khác.

Thủ thuật “tạo tiền” của bầu  Kiên ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố nhiều tội danh

Đơn cử như hành vi kinh doanh trái phép thông qua CTCP B&B. Công ty này có vốn thực góp là 1.460 tỷ đồng. Trong tháng 9 - 10/2009, Công ty B&B đã dùng 1.280 tỷ đồng để góp vốn vào CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu. Để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của Công ty B&B, ông Kiên đã quyết định phát hành 10 triệu trái phiếu chuyển đổi, trị giá 1.000 tỷ đồng, cho Ngân hàng ACB.

Số vốn 1.000 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành này, ông Kiên đã sử dụng để mua cổ phần của nhiều công ty, như dùng 426,3 tỷ đồng để mua cổ phần của CTCP Bất động sản Hòa Phát - Á Châu; dùng 324 tỷ đồng mua cổ phần Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank). Ngoài ra, ông Kiên cũng chuyển tiền sang các công ty khác trong “bộ sáu” để đầu tư tài chính. Tổng cộng, ông Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B dùng 2.348,9 tỷ đồng để mua cổ phần, góp vốn vào các công ty khác.

 

Lòng vòng sở hữu chéo

Nguyễn Đức Kiên là cổ đông sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ năm 1993. Nguyễn Đức Kiên và gia đình sở hữu gần 937,6 triệu cổ phần (tương đương 9% cổ phần) của ACB; trong đó, cá nhân ông Kiên sở hữu 31,5 triệu cổ phần (tương đương 3,37%).

Từ cuối năm 2007, dù không còn tham gia HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng Nguyễn Đức Kiên lại đề nghị HĐQT Ngân hàng ra quyết định thành lập Hội đồng sáng lập, có chức năng tư vấn cho HĐQT, tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT, được cung cấp đầy đủ tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Như vậy, dù không giữ chức danh nào trong HĐQT, nhưng với cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, đại diện nhóm cổ đông chiếm 9% vốn điều lệ, ông Kiên vẫn có vai trò chỉ đạo chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.

Nhiều lần, bằng ảnh hưởng tại ACB, “bầu” Kiên đã phát hành trái phiếu với khối lượng lớn của các pháp nhân trong “bộ sáu” quyền lực cho ngân hàng này, rồi sử dụng vốn đầu tư lòng vòng, để tạo ra vòng quay vốn “khủng” cho các công ty mà Kiên sở hữu. 

Chẳng hạn, tại CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, pháp nhân đã nhận 1.280 tỷ đồng vốn góp từ Công ty B&B, có vốn điều lệ là 3.200 tỷ đồng do ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tháng 3/2007, công ty này lại sử dụng toàn bộ vốn điều lệ để mua trái phiếu chuyển đổi của ACB. Đến tháng 3/2008, CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu lại phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng Phương Nam.

Số tiền thu từ đợt phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Phương Nam, bầu Kiên dùng để góp vốn vào các công ty khác trong “bộ sáu”, như góp 100 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư tài chính Á Châu; góp 300 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Tài chính Á Châu - Hà Nội. Sau đó, lại tiếp tục góp thêm vào Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu (63 tỷ đồng); Công ty Đầu tư Tài chính Á Châu - Hà Nội (195 tỷ đồng); Công ty Đầu tư ACB - Hà Nội (210 tỷ đồng).

Thông qua công ty này, bầu Kiên đã sử dụng hơn 4.000 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB và góp vốn vào các công ty khác. Tương tự, với Công ty Đầu tư ACB - Hà Nội, ông Kiên đã chỉ đạo góp vốn vào hàng loạt các công ty khác như Xi măng Hòa Phát, Hải Phòng Plaza, Địa ốc Hồng Hà… trong khoảng thời gian giữa năm 2007 đến 2008.

Đến tháng 3/2008, khi ssố vốn điều lệ 300 tỷ đồng của Công ty Đầu tư ACB - Hà Nội đã cạn dần, ông Kiên chỉ đạo phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng cho ACB và dùng gần 700 tỷ đồng trong đó để mua cổ phần của Techcombank và Eximbank. Cơ quan điều tra xác định, ông Kiên đã sử dụng 1.433 tỷ đồng để đầu tư tài chính qua Công ty Đầu tư ACB - Hà Nội.

Tại Công ty Đầu tư Á Châu, ông Kiên sử dụng 451 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty Đầu tư và thương mại Nhà Rồng, Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn và Sabeco. Công ty này đã phát hành 5 triệu trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng để bán cho Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long.

Công ty Đầu tư Tài chính Á Châu - Hà Nội có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đã phát hành trái phiếu trị giá 350 tỷ đồng bán cho Vietbank, phát hành 650 tỷ đồng trái phiếu cho ACB. Đồng thời mua lại 353,4 tỷ đồng cổ phần của ACB, mua cổ phần của Eximbank, DaiABank, Vietbank, KienlongBank… Tổng cộng, ông Kiên đã sử dụng 1.411 tỷ đồng qua công ty này.

Như vậy, các công ty của ông Kiên đầu tư đã thực hiện góp vốn dây chuyền, công ty này góp vốn vào công ty kia, sau đó các công ty này đầu tư cổ phiếu, góp vốn vào nhiều pháp nhân khác, đồng thời phát hành trái phiếu cho các ngân hàng để tiếp tục có nguồn tiền đầu tư.

Cơ quan điều tra xác định, thông qua 6 công ty, ông Kiên đã sử dụng số vốn “khủng”, lên tới 21.490,4 tỷ đồng để kinh doanh trái phép.

 

Kinh doanh vàng trái phép

Trong “bộ sáu” nói trên, Công ty Thiên Nam có số vốn điều lệ rất khiêm tốn, chỉ 11 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên là đại diện theo pháp luật. Công ty này cũng có hàng chục ngành nghề kinh doanh như sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tiêu dùng, cửa hàng ăn uống, giải khát…

Dù không được phép kinh doanh vàng, nhưng tháng 11/2009, Công ty Thiên Nam đã ký thỏa thuận với Vietbank để nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank và ACB. Công ty Thiên Nam đã tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh vàng tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Sau đó, Công ty Thiên Nam đã tất toán trạng thái mua, bán theo thỏa thuận. Đến tháng 12/2009, Công ty Thiên Nam ký hợp đồng giao dịch vàng trạng thái với quy mô giao dịch 150 nghìn ounce, hạn mức chặn lỗ là 10 triệu USD. Thực hiện hợp đồng này, ông Kiên đã đặt nhiều lệnh mua bán.

Sau đó, do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài nên tháng 7/2010, Công ty Thiên Nam đã đặt 49 lệnh ủy thác mua 150 nghìn ounce vàng để tất toán. Sau khi tất toán, Công ty Thiên Nam đã bị lỗ 413 tỷ đồng và Ngân hàng ACB phải ứng tiền thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ này, đồng thời ghi nợ phải thu của Công ty Thiên Nam.

Ngoài ra, Công ty Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với ACB, mua bán hàng nghìn tỷ đồng vàng SJC và bị lỗ 19,6 tỷ đồng. Số tiền này Ngân hàng ACB cho Công ty Thiên Nam nợ đến năm 2015.

Với hành vi sai phạm, Nguyễn Đức Kiên đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố với tội danh kinh doanh trái phép.

Ngoài ra, ông Kiên còn có một số vi phạm và bị truy tố tội trốn thuế; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.                                            

Hành vi trốn 25 tỷ đồng tiền thuế của Nguyễn Đức Kiên

Thông qua việc ủy thác kinh doanh vàng tài khoản với Ngân hàng ACB, Công ty B&B đã thu được khoản lãi hơn 100 tỷ đồng.

Trước việc Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, ông Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái là bà Nguyễn Thúy Hương vào tháng 12/2008. Theo đó, bà Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư kinh doanh vàng tài khoản, phí ủy thác là 1% lợi nhuận gộp và được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động đầu tư tài chính này.

Kết quả, bà Hương được hưởng lợi nhuận gộp đợt 1 là 68,1 tỷ đồng sau khi đã trừ phí ủy thác. Đợt 2, bà Hương được hưởng 31,2 tỷ đồng, nhưng Công ty B&B chưa trả tiền mà nhận nợ với bà Hương. Cơ quan điều tra xác định hợp đồng với bà Hương là vô hiệu do Công ty B&B không được phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài và nhận ủy thác đầu tư. Công ty này đã né nghĩa vụ thuế với nhà nước bằng cách chuyển lợi nhuận cho bà Hương.

Bộ Tài chính đã tiến hành giám định đối với nghĩa vụ thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB là 25 tỷ đồng.

 

>>Kê biên hàng nghìn m2 BĐS của bầu Kiên

>>Bầu Kiên bị khởi tố thêm tội danh

>>Chi tiết 3 tội danh của ông Nguyễn Đức Kiên

>> Toàn cảnh bầu Kiên bị bắt