Theo ông, trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam, các quỹ đầu tư ngoại thường quan tâm tìm hiểu những yếu tố nào của doanh nghiệp?
Theo tôi, thứ nhất, các quỹ đầu tư thông thường sẽ quan tâm tới quản trị doanh nghiệp, trong khi đây là yếu tố mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Vướng mắc của công ty Việt Nam hiện nay là có gốc xuất phát từ doanh nghiệp gia đình, nên toàn bộ việc điều hành do một người chủ quyết định.
Nếu có ý định đầu đầu tư, quỹ đầu tư ngoại sẽ phân tích nếu một ngày không còn tồn tại chủ doanh nghiệp đó, liệu doanh nghiệp có tiếp tục hoạt động được hay không? Đây là điều đặc biệt lưu ý, bởi quỹ đầu tư không thể tự đứng ra điều hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quản trị doanh nghiệp liên quan đến cả vấn đề người kế nhiệm, việc đào tạo nhân sự.
Thứ hai, nhà đầu tư chú trọng tới yếu tố minh bạch hóa thông tin. Việc đọc báo cáo tài chính mới phần nào cung cấp các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng có những mảnh ghép khác của bức tranh toàn cảnh chỉ được nhìn thấy khi làm việc thực tế với doanh nghiệp.
Một tín hiệu đáng mứng là hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng ngày càng minh bạch hóa thông tin, sử dụng công ty kiểm toán Big Four, chấp nhận đưa ra bức tranh thực để cùng nhà đầu tư nước ngoài đưa doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Trước khi đổ vốn đầu tư, các quỹ đầu tư luôn phải bỏ chi phí nghiên cứu doanh nghiệp. Chi phí này là không chênh lệch nhiều đối với doanh nghiệp nhỏ hay lớn, do đó, các quỹ thường ưu tiên chọn doanh nghiệp đủ tầm cỡ để có hiệu quả đầu tư phù hợp với số tiền và thời gian họ đã bỏ ra.
Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, đây là bất lợi khá lớn. Công ty Việt Nam cần phải chứng minh được tiềm năng tăng trưởng mới có thể thu hút được sự quan tâm của quỹ ngoại.
Như vậy, quy mô nhỏ là một yếu tố hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam khi thu hút vốn từ các quỹ đầu tư ngoại. Doanh nghiệp cần có giải pháp gì để khắc phục hạn chế này, thưa ông?
Quy mô doanh nghiệp là yếu tố không thể thay đổi một sớm một chiều. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, chúng ta không nên quá kỳ vọng vốn của nước ngoài là một cây đũa thần, giúp giải quyết tất cả mọi vấn đề và việc nhà đầu tư nước ngoài vào có thể thay đổi hoàn toàn bức tranh của doanh nghiệp.
Cần nhìn nhận gốc rễ của vấn đề là bản thân doanh nghiệp phải mạnh. Quỹ ngoại đầu tư tức là chỉ tham gia về vốn, về cơ hội mở rộng thị phần, thị trường, về kỹ thuật. Đó là những yếu tố hỗ trợ thêm để doanh nghiệp phát triển, rường cột vẫn là sức mạnh tự thân của doanh nghiệp.
Theo tôi, các doanh nghiệp Việt vẫn nên tìm cơ hội hợp tác, sáp nhập với doanh nghiệp trong nước để phát triển trước, tham gia những chuỗi cung ứng khác nhau. Khi xây dựng tiềm lực đủ mạnh, doanh nghiệp có thể thảo luận với đối tác nước ngoài ở vị thế khác. Hai bên phải đi cùng trên một mặt bằng mới dễ hợp tác và có hiệu quả, thành công.
Khi đã thu hút được vốn từ quỹ đầu tư ngoại, doanh nghiệp Việt cần phải lưu ý những điểm gì để phát triển, thưa ông?
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư tài chính, kỳ vọng của họ tương đối cao. Một khi đã đầu tư, họ mong muốn nguồn vốn này phải tạo ra lợi nhuận, có kết quả tích cực.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam đang theo đuổi chiến lược không thu lợi nhuận nhanh, tập trung cho quãng đường phát triển dài hạn. Do đó, một khi nhận vốn đầu tư, hai bên phải thống nhất về quan điểm ngay từ đầu.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. Nhà đầu tư có nguồn lực, có chuyên môn, có kinh nghiệm, nhưng cần yếu tố phù hợp về văn hóa doanh nghiệp để có thể hợp tác, gắn kết lâu dài.
Văn hóa không phải yếu tố dễ thay đổi, vì vậy, doanh nghiệp không nên chọn nhà đầu tư bỏ nhiều vốn nhất, mà cần chọn nhà đầu tư phù hợp với văn hóa của mình nhất. Tôi nghĩ việc nhận vốn đầu tư từ quỹ ngoại cũng như một cuộc hôn nhân, cả hai bên đều phải tìm hiểu kỹ.
Hơn nữa, cách thức kinh doanh tại Việt Nam tương đối đặc thù, nhiều trường hợp đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải đưa ra quyết định thật nhanh, không thể chờ đi qua cơ chế kiểm soát thông thường.
Từ đó nảy sinh vấn đề: nếu tự quyết dẫn tới rủi ro, người chủ doanh nghiệp phải gánh hậu quả. Đây không phải câu chuyện hiếm tại Việt Nam, trong khi tại nước ngoài, việc đưa ra quyết định cần đi qua cơ chế chặt chẽ hơn.
Theo tôi, phải cân đối nội dung này vì nếu chờ đợi trình xong thủ tục tới ban giám đốc, HĐQT, nhiều khi cơ hội đã trôi qua. Nhưng việc một cá nhân tự đưa ra quyết định cũng dễ dẫn tới tình huống tiêu cực. Làm sao để dung hòa được cả hai để tìm ra giải pháp uyển chuyển, linh hoạt là phương án tốt nhất.