Với những diễn biến trong năm 2016, đã xuất hiện nhiều lo ngại cho hoạt động và sự phát triển của TTF trong các năm tiếp theo, đặc biệt thông tin cổ đông lớn Tân Liên Phát đã có động thái thoái vốn khi bán thỏa thuận 29 triệu cổ phiếu và trong tháng 3/2017 tiếp tục bán 36 triệu cổ phiếu, chính thức không còn là cổ đông lớn của TTF khi chỉ nắm giữ 4,84% vốn.
Tuy nhiên, cổ đông TTF đã tạm thở phào khi xuất hiện cổ đông mới là Công ty cổ phần Xây dựng U&I (Unicons, được thành lập bởi ông Mai Hữu Tín) và cử đại diện tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban điều thành TTF.
Ngay sau đó, thông tin về thỏa thuận nguyên tắc với Tập đoàn Vingroup chỉ định TTF trở thành nhà cung cấp chiến lược như cú bồi cho sự kỳ vọng của cổ đông.
Với số lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 1.417 tỷ đồng thì sau 5 năm, nếu chỉ dựa giá trị ký kết với Vingroup, TTF vẫn còn lỗ lũy kế
Theo đó, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký, Vingroup sẽ đặt hàng TTF sản xuất các mặt hàng đồ gỗ với tổng trị giá là 16.000 tỷ đồng. Các sản phẩm do TTF cung cấp bao gồm một số đồ ngoại thất, đồ nội thất, ván sàn và các thành phẩm bằng gỗ khác, nhằm trang bị cho các dự án bất động sản của Vingroup trên toàn quốc.
Như vậy, tính trung bình mỗi năm, TTF sẽ ghi nhận doanh thu 3.200 tỷ đồng chỉ đối với riêng thỏa thuận này. Đây là con số cao hơn cả mức doanh thu thời hoàng kim của TTF (chủ yếu là xuất khẩu) vào năm 2011 (đạt hơn 3.000 tỷ đồng).
Tạm bỏ qua năm 2016, năm TTF gặp phải bê bối tài chính, ghi nhận lỗ khủng hơn 1.270 tỷ đồng, xét chỉ tiêu của năm 2015, TTF có tỷ suất lợi nhuận ròng là 6,86%.
Đây là năm mà TTF tương đối hoàn thành tái cơ cấu nợ vay, hoạt động đi vào ổn định trở lại và với định hướng mới tập trung vào thị trường nội địa vì biên lợi nhuận tốt hơn, thay vì gần như chỉ xuất khẩu như những năm trước.
Giả định biên lợi nhuận ròng của TTF trong 5 năm tiếp theo vẫn duy trì ở mức này, lợi nhuận trung bình mỗi năm mà TTF ghi nhận từ hợp đồng với Vingroup vào khoảng 219,5 tỷ đồng.
Với số lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 1.417 tỷ đồng thì sau 5 năm, nếu chỉ dựa giá trị ký kết trên, TTF vẫn còn lỗ lũy kế. Tuy nhiên, nếu có thêm các hợp đồng khác, khả năng TTF sẽ “trở lại mặt đất” sớm hơn.
Tại thời điểm cuối năm 2016, TTF còn khoảng 64 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, quá nhỏ để bù đắp lỗ lũy kế.
Còn nhớ, TTF đã từng thực hiện việc chưa có tiền lệ trên thị trường là phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá và dùng nguồn vốn thặng dư để bù đắp chênh lệch, nhưng với số vốn thặng dư hiện tại thì phương án này là không khả thi.
Nếu TTF thực hiện việc phát hành tăng vốn, có hai vấn đề cần chú ý là giá phát hành và số lượng phát hành.
Để có được nguồn thặng dư, bù đắp một phần lỗ lũy kế thì giá phát hành phải cao hơn mệnh giá, nhưng với tình hình Công ty hiện tại thì chắc khó. Trừ trường hợp TTF tìm kiếm được đối tác chiến lược, sẵn sàng rót vốn để Công ty hoạt động và phát triển trở lại, bởi về cốt lõi, TTF vẫn là nhà chế biến gỗ hàng đầu.
Thứ hai, số lượng cổ phiếu phát hành sẽ lớn, áp lực pha loãng rất đáng kể.
Vai trò của thỏa thuận 16.000 tỷ đồng đối với TTF tương đối rõ ràng. Còn đối với VIC, thỏa thuận này giúp Tập đoàn có nhà cung cấp chuyên nghiệp, ổn định, thống nhất về chất lượng tại các dự án, giúp giảm thiếu chi phí so với việc đặt hàng nhiều nhà cung cấp.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện TTF đang tập trung cho sản xuất, tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất. Các nhà máy của TTF đang chạy hết công suất với đơn hàng lớn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; trong đó, tỷ trọng lớn đến từ đơn hàng nội địa. Mục tiêu trong năm 2017, TTF sẽ hoàn thành tái cơ cấu, tạo đà cho phát triển các năm tiếp theo.