Thực tế, vấn đề này thường xuyên được nhắc tới, nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, khiến niềm tin đối với bảo hiểm thêm lung lay, nhất là khi sản phẩm bảo hiểm mang tính bắt buộc này ra đời nhằm mục đích chính là bảo vệ bên thứ ba - người bị tai nạn.
Theo các chuyên gia trong ngành, với quy định như hiện tại, không chỉ người mua bảo hiểm, mà cả bên thứ ba bị thiệt hại đều có thể gặp khó, nên cần có cơ chế hỗ trợ thanh toán bồi thường dễ dàng và thuận lợi để người bị nạn nhanh chóng được giải quyết quyền lợi.
Ông Trần Nguyên Ðán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường Ðại học Kinh tế TP.HCM cho biết, quy định hiện hành chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chứ không liên quan nhiều đến người bị hại.
“Theo luật hiện hành, bên thứ ba bị nạn không được khiếu nại, đòi bồi thường trực tiếp doanh nghiệp bảo hiểm, ngoại trừ người gây tai nạn tử vong. Nếu người gây ra tai nạn bỏ trốn, chối bỏ trách nhiệm dân sự, thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối trách nhiệm bồi thường”, ông Ðán thông tin.
Cũng theo chuyên gia này, hầu hết quy định hiện tại đều hướng đến bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm, mà chưa quan tâm nhiều đến người bị hại, điều này là đi ngược với tinh thần của bảo hiểm.
“Doanh nghiệp bảo hiểm thường yêu cầu phải có chính quyền địa phương, công an xác nhận tai nạn, phải giữ nguyên hiện trường... để làm căn cứ bồi thường, trong khi rủi ro tai nạn xảy ra, điều ưu tiên nhất là phải nhanh chóng cứu người, dẫn đến sai lệch hiện trường.
Ðây là ‘cái cớ’ mà doanh nghiệp bảo hiểm thường áp dụng để từ chối bồi thường. Trong nhiều trường hợp, việc người gây tai nạn có đủ tài chính bồi thường cho người bị tai nạn hay không phụ thuộc vào việc họ có lấy được tiền bảo hiểm không”, ông Ðán chia sẻ thêm.
Còn theo luật sư Ngô Thu Hà, Ðoàn luật sư TP.HCM, việc yêu cầu người dân phải tự thu thập các tài liệu để đòi bồi thường như hiện nay là không hợp lý. Về mặt nguyên tắc, trách nhiệm thu thập các tài liệu và chứng cứ nên thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm.
Bởi thực tế là doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều điều kiện để làm tốt phần việc này và cũng phù hợp với tinh thần "bảo hiểm" cho khách hàng.
Luật sư Hà cho biết, Thông tư số 22/2016/TT-BTC hiện chỉ yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm “có trách nhiệm phối hợp” trong việc thu thập hồ sơ, giấy tờ liên quan đến giải quyết bồi thường, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm sang khách hàng.
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới khi gây tai nạn chỉ cần thông báo ngay cho nhà bảo hiểm, sau đó hầu hết công việc còn lại sẽ do nhà bảo hiểm xử lý. Ngoài ra, họ còn có cơ chế cho phép người bị tai nạn được trực tiếp thu đòi bồi thường từ nhà bảo hiểm của bên gây ra tai nạn.
Do đó, khi xảy ra tai nạn, việc ứng xử hay giải quyết bồi thường tại đây cũng văn minh, nhanh chóng hơn.
“Nhiều nước châu Âu còn không giới hạn số tiền bồi thường. Nếu khách hàng mua bảo hiểm gây tai nạn cho bên thứ ba, thiệt hại tới đâu thì quỹ bảo hiểm sẽ bồi thường tới đó, vì người bị hại là người cần được hỗ trợ nhất. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì không có cơ chế này. Ðây là một trong những lý do khiến việc mua bảo hiểm chưa được phổ biến", ông Ðán nói.
Ðể bảo hiểm có thể đến gần với người dân hơn, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm chính trong việc thu thập chứng cứ, còn khách hàng sẽ phối hợp với doanh nghiệp để hoàn thành việc này.
“Việc chủ động trong thu thập hồ sơ, chứng từ bồi thường không chỉ là hoạt động hỗ trợ khách hàng, mà còn giúp nhà bảo hiểm bảo hiểm có thể thu thêm khoản bồi thường ngoài quy định. Bởi theo pháp luật bảo hiểm hiện hành, việc này là trái quy định, có thể khiến công ty bảo hiểm bị xử phạt”, ông Ðán cho hay.