Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/1 tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,10 – 56,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 0,7 USD lên 1.856,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co nhẹ quanh 1.855 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,09% lên 90,47 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.142 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.980 - 23.160 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,24 USD (+0,45%), lên 53,01 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,24 USD (+0,43%), lên 56,12 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index lao dốc, mất gần 30 điểm
Sau phiên sáng lao dốc, ngay khi mở cửa trở lại phiên chiều, dòng tiền khá mạnh chảy vào thị trường kéo VN-Index hồi phục hơn 10 điểm so với mức kết phiên sáng.
Tuy nhiên, áp lực bán trực chờ đã nhanh chóng trở lại khiến chỉ số lùi lại gần 1.125 điểm sau hơn nửa giờ giao dịch, tại đây, thanh khoản thị trường chậm dần, nhưng những lệnh mua đến được với HOSE đã kéo chỉ số lên gần 1.135 điểm khi đóng cửa.
Nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng giảm mạnh nhất với STB -6,5%, TCH -6,4%, CTG -6,3%, VPB -5,7%, SSI -5%, BID -4,6%, HDB -4,5%, VIB -3,1%, TCB -2,2% xuống 35.000 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi ROS và FLC được kéo lên mức giá trần thanh khoản 59,6 triệu và 34,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,03 triệu đơn vị, nhưng mua ròng về giá trị 103,75 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/1: VN-Index giảm 29,93 điểm (-2,57%), xuống 1.136,12 điểm; HNX-Index giảm 4,03 điểm (-1,74%), xuống 227,82 điểm; UpCoM-Index giảm 0,99 điểm (-1,28%), xuống 76,42 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giao dịch thận trọng trong phiên thứ Hai (25/1), sau khi các quan chức chính quyền của ông Biden đang cố gắng thuyết phục phe Cộng hòa rằng đề xuất cứu trợ đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD không phải là quá tốn kém.
Thị trường được hỗ trợ bởi thông tin các công ty đã khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh đầy mạnh mẽ. Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo, có tới 73% có doanh thu và EPS cao hơn dự báo, theo dữ liệu từ Bank of America.
Kết thúc phiên 25/1, chỉ số Dow Jones giảm 36,98 điểm (-0,12%), xuống 30.960 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,89 điểm (+0,36%), lên 3.855,36 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 92,93 điểm (+0,69%), lên 13.635,99 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm do những lo lắng về sự chậm trễ trong việc phân phối vắc-xin Covid-19, và sự chậm trễ trong gói kích thích của Mỹ, cùng những lo lắng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã kích thích hành động chốt lời.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,96% xuống 28.546,18 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,75% xuống 1.848,00 điểm.
Mỹ đang phải vật lộn để tăng cường chương trình tiêm chủng văc-xin Covid-19, các nước châu Âu đang phải đối mặt với sự chậm trễ từ các nhà cung cấp và Nhật Bản vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng, điều này đang đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Norihiro Fujito, chiến lược gia đầu tư của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết: “Có những lo ngại mới rằng dịch Covid-19 sẽ còn dai dẳng, điều này giải thích cho sự sụt giảm của các cổ phiếu mang tính chu kỳ và mức tăng của nhóm cổ phiếu phòng thủ”.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, trong bối cảnh điều kiện thanh khoản thắt chặt và căng thẳng với Mỹ chưa hạ nhiệt.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,51% xuống 3.569,43 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,01% xuống 5.512,97 điểm, mức giảm lớn nhất trong một phiên kể từ ngày 9/9/2020.
Các công ty tài chính chịu áp lực lớn nhất trong bối cảnh điều kiện thanh khoản thắt chặt, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã rút 12 tỷ USD khỏi thị trường vào ngày 26/1 thông qua các hoạt động trên thị trường mở.
Chứng khoán Hồng Kông giảm khá sâu, khi các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại về thời điểm gói kích thích của Mỹ được tung ra và động thái thắt chặt thanh khoản từ Đại lục.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,55% xuống 29.391,26 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,22% xuống 11.695,43 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm sâu, khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng, do lo ngại về thanh khoản sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng và do sự không chắc chắn về một gói kích cầu của Mỹ kéo dài.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 2,14%, xuống 3.140,31 điểm, với phản ứng tiêu cực khi khối ngoại bán ròng 1.976 tỷ won cổ phiếu trên.
Các gã khổng lồ ngành chip như Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 3,02% và 4,44%.
Trong khi đó, Hyundai Motor đã báo cáo lợi nhuận quý cuối năm 2020 tăng 57% do nhu cầu tăng đối với dòng xe SUV và dòng Genesis cao cấp, cùng dự báo doanh số năm 2021 này sẽ tăng vọt tại các thị trường ô tô hàng đầu như Trung Quốc và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý IV của Hyundai chỉ 1,3 nghìn tỷ won (1,18 tỷ USD) thấp hơn so với ước tính trung bình của nhà phân tích là 1,5 nghìn tỷ won, bị ảnh hưởng bởi đồng won mạnh.
Kết thúc phiên 26/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 276,11 điểm (-0,96%), xuống 28.546,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 54,81 điểm (-1,51%), xuống 3.569,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 767,75 điểm (-2,55%), xuống 29.391,26 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 68,68 điểm (-2,14%), xuống 3.140,31 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng kiếm bộn tiền từ chứng khoán đầu tư
Hoạt động mua bán chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán đầu tư tại nhiều ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán không ngừng tăng điểm gần đây..>> Chi tiết
- Thử thách F0
Phiên giao dịch 19/1/2021, có lẽ thế hệ nhà đầu tư F0 mới chưa bao giờ trải qua cảm giác nào tương tự như thế với “cú sụp” khiến VN-Index mất tới 74 điểm, tương đương 6,1% - mức giảm điểm gần như tuyệt đối trong một phiên..>> Chi tiết
- VN-Index lao dốc từ đỉnh, giữ niềm tin!
Chỉ số VN-Index thêm một lần nữa giảm mạnh từ vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Đâu đó, với nhiều nhà đầu tư, nỗi ám ảnh trong quá khứ lại hiện về. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn cảnh, niềm tin vẫn được giữ vững..>> Chi tiết
- Ai hưởng lợi trong cú sập bất ngờ phiên 19/1?
Vì sao thị trường rơi điểm kỷ lục trong phiên ngày 19/1 và ai hưởng lợi trong cú sập bất ngờ, sau sự kiện này nhà đầu tư có thể rút ra bài học gì là những điều còn dư âm cho đến tuần này..>> Chi tiết
- Chính quyền Tổng thống Mỹ cân nhắc điều chỉnh chính sách thương mại
Theo nội dung được đăng tải trên tờ The Wall Street Journal, Giới chức cấp cao trong chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc một cách tiếp cận mới trong vấn đề thương mại quốc tế..>> Chi tiết