VN-Index lao dốc từ đỉnh, giữ niềm tin!

VN-Index lao dốc từ đỉnh, giữ niềm tin!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN-Index thêm một lần nữa giảm mạnh từ vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Đâu đó, với nhiều nhà đầu tư, nỗi ám ảnh trong quá khứ lại hiện về. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn cảnh, niềm tin vẫn được giữ vững.

Lại một phiên gây sốc

Năm 2021 khởi đầu với nhiều thuận lợi khi thị trường chứng khoán tiếp tục bứt phá. Tuy nhiên, chỉ cần hai phiên điều chỉnh, thành quả từ đầu năm gần như bị xóa sạch. Dù với rất nhiều kỳ vọng, một lần nữa, VN-Index không thể đứng vững trên đỉnh cao là ngưỡng kháng cự mà trong hơn 20 năm thành lập, chưa một lần VN-Index bứt phá qua.

Thành thực mà nói, phiên giảm điểm ngày 19/1 là một phiên giảm bất ngờ vì khi quan sát bức tranh toàn cảnh, khó có lời lý giải thuyết phục. Đây nhiều khả năng là một phiên giảm thuần về tâm lý được hình thành bởi những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, trạng thái căng cứng margin ở các công ty chứng khoán.Cũng như hạ tầng giao dịch, margin ở nhiều công ty chứng khoán trở nên căng cứng và không thể cho vay thêm bởi nhiều lý do, hết nguồn hoặc chạm trần 200% vốn chủ sở hữu như quy định. Thực tế, trạng thái này đã diễn ra từ vài tuần nay và thị trường vẫn chủ yếu đi lên bằng tiền tươi. Trước phiên 19/1, nhiều tin đồn về việc cắt giảm hạn mức hoặc dư nợ cho vay của nhiều công ty lớn khiến tâm lý thị trường ít nhiều có sự hoang mang.

Mẫu hình nến ở đỉnh năm 2018 và hiện tại.

Mẫu hình nến ở đỉnh năm 2018 và hiện tại.

Thứ hai, sự sốt ruột khi thị trường bị dồn cung ở vùng đỉnh. Những mẫu hình nến tương tự được bắt gặp ở đỉnh năm 2018 và thời điểm hiện tại. Mô tả chung đó là việc thị trường chững lại một quãng thời gian trước kháng cự khiến cung bị dồn lại và nhiều nhà đầu tư mất kiên nhẫn. Sự giằng co trước kháng cự cũng thể hiện bởi các nến có độ dài dần hẹp lại sau đoạn tăng mạnh với các nến dài.

Thứ ba, từ tháng 7/2020 tới nay, thị trường đi lên một mạch từ quanh 800 điểm mà chưa có một đợt điều chỉnh nào trên 10%. Với mức lãi đáng kể, việc sẵn sàng chốt lãi khi có biến động là dễ hiểu.

Bức tranh tổng thể chưa có gì đáng ngại

Phiên giảm mạnh đầu tiên sau chuỗi ngày dài tăng ấn tượng làm dấy lên nỗi lo về việc thị trường tạo đỉnh.

Đỉnh dài hạn hay điều chỉnh ngắn hạn, đây là câu hỏi mang tính then chốt. Bởi lẽ, nếu chỉ là những đợt điều chỉnh ngắn hạn thì diễn biến giảm mạnh như phiên hôm 19/1 lại mở ra cơ hội để mua vào với mức giá rẻ hơn.

Khi thị trường chứng khoán tăng mạnh, nó trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao và trở thành tâm điểm.

Khi thị trường tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm, nhiều ý kiến cảnh báo xuất hiện trên những phương tiện truyền thông, điều đó giúp những người tham gia nhận thức được rủi ro tiềm tàng có thể phải chấp nhận khi tham gia chứng khoán. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những ý kiến cảnh báo đó là thiếu luận cứ và thờ ơ.

Ở những thời điểm quan trọng, việc nhìn lại bức tranh toàn cảnh là hết sức cần thiết, nó giúp chúng ta biết mình đang ở đâu và thiết lập kỳ vọng một cách hợp lý.

Đối với những đỉnh quan trọng ở bất kỳ loại tài sản nào, thị trường ở quốc qua nào đều có thể được nhận ra với rất nhiều tín hiệu cảnh báo từ bức tranh toàn cảnh.

Kinh nghiệm quá khứ luôn là người thầy tốt và khi ở 1.200 điểm, việc nhìn lại những gì đã khiến thị trường tạo đỉnh trong năm 2018 để so sánh với hiện tại cũng là một cách để biết được mọi thứ đã trở nên tồi tệ với chứng khoán hay chưa.

So sánh bối cánh thị trường năm 2018 và hiện tại.

So sánh bối cánh thị trường năm 2018 và hiện tại.

Trong bức tranh lớn, trong khi mọi thứ về đỉnh năm 2018 đã được cảnh báo từ đầu năm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện việc nâng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, dẫn đến sự luân chuyển các loại tài sản theo hướng bất lợi cho chứng khoán các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD tăng mạnh kích hoạt làn sóng bán tháo đối với các tài sản có rủi ro. Sau đợt suy giảm của VN-Index từ 640 về 500 điểm bởi cú sốc giá dầu, đỉnh năm 2018 một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc phải nhìn rộng khi phân tích thị trường chứng khoán trong nước.

Với góc nhìn đó, thực sự ở thời điểm hiện tại, chưa có điều gì là tín hiệu cảnh báo quá đáng ngại cho thị trường. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bắt đầu tăng trở lại nhưng chưa đáng ngại, còn USD cũng chỉ mới hồi nhẹ từ đáy.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho đà tăng của TTCK.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho đà tăng của TTCK.

Trong nước, các số liệu kinh tế vẫn ủng hộ cho quan điểm Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới. Một điểm đáng chú ý khác đó là cung chứng khoán, giai đoạn 2016 - 2018 chứng kiến hàng loạt thương vụ IPO và phát hành lớn, gây ra nguồn cung khổng lồ, để rồi thị trường không thể hấp thụ nổi. Trong hai năm vừa qua, thị trường thiếu vắng hẳn những nguồn cung cổ phiếu mới, trong khi đó ai cũng thấy tiền mới vào thị trường rất nhiều.

Đừng để mốc 1.200 điểm ám ảnh

2020 là một năm quá nhiều biến động để rồi kết thúc một cách viên mãn cho thị trường chứng khoán. Tiền rẻ được bơm vào nền kinh tế các nước là một món quà cho chứng khoán.

Đối với riêng thị trường Việt Nam, trong năm qua, chứng khoán đã được biết đến ngày càng rộng rãi với lớp nhà đầu tư mới được đặt tên là F0. Một lớp nhà đầu tư mới với sự quan tâm nghiêm túc với chứng khoán, có trình độ và tiếp cận với chứng khoán bài bản hơn nhờ sự ra đời và phát triển của các nền tảng kết nối trực tuyến.

Tuy nhiên, không cần đến Covid-19 hay tiền rẻ bất ngờ, giai đoạn 3 - 4 năm tới dù có thể không sôi động như thời gian qua nhưng vẫn sẽ là một bức tranh sáng. Việt Nam có đầy đủ những yếu tố thuận lợi, với một nền kinh tế đầy đủ nội lực để cất cánh, sự cải thiện trong môi trường đầu tư và những câu chuyện dài hấp dẫn như làn sóng dịch chuyển sản xuất hay tâm điểm là câu chuyện nâng hạng thị trường.

Nếu dùng một hình tượng nào đó để ví von về thị trường chứng khoán, đó sẽ là hình ảnh của một cơ thể đang bước vào giai đoạn vươn mình để trưởng thành. Đối với mỗi con người, việc cơ thể dậy thì chỉ diễn ra một lần trong đời và đối với thị trường chứng khoán cũng vậy. May mắn là chúng ta được sống trong vận hội lớn đó, nhưng cũng có thể bỏ lỡ vận hội đó.

Thị trường trưởng thành, sẽ có những bước nhảy vọt mới, và lúc đó dù sớm hay muộn, 1.200 điểm sẽ là câu chuyện quá khứ.

Tin bài liên quan