Thị trường tài chính 24h: Thách thức lớn để vượt mốc 1.300 điểm

Thị trường tài chính 24h: Thách thức lớn để vượt mốc 1.300 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi phục nhẹ; Thấy gì từ việc tiền gửi tổ chức tăng trưởng âm?; Những thách thức để vượt mốc 1.300 điểm; “Gỡ nghẽn” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Những doanh nghiệp có triển vọng sáng; IMF: Rủi ro địa chính trị gia tăng và triển vọng tăng trưởng dài hạn đang suy yếu… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 23/10 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 87,00 – 89,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 29,3 USD lên 2.749 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên gần 2.760 USD trước khi lùi về 2.750 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,36 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.250 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.220 – 25.462 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 67.200 USD xuống 66.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về 66.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,76 USD (-1,06%), xuống 70,98 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,88 USD (-1,16%), xuống 75,16 USD/thùng.

VN-Index tăng nhẹ

Diễn biến thị trường vẫn diễn ra chậm và VN-Index rung lắc quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch, đóng cửa tăng không đáng kể. Thanh khoản sụt giảm trở lại mức trung bình sau phiên tăng mạnh hôm qua.

Đáng chú ý là “sự bất đồng” của nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup khi VHM bị chốt lời nên quay đầu giảm, trong khi VIC có lúc tăng mạnh 5% trước khi bị thu hẹp đáng kể đà tăng vào cuối phiên.

Kết thúc phiên giao dịch 23/10: VN-Index tăng 1,01 điểm (+0,08%), lên 1.270,9 điểm; HNX-Index tăng 1 điểm (+0,44%), lên 226,5 điểm; UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,43%), lên 92,12 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ ít thay đổi trong phiên thứ Ba (22/10), khi các nhà đầu tư theo dõi lợi suất trái phiếu kho bạc và có phần thận trọng theo dõi mùa báo cáo kết quả kinh doanh để đánh giá sức khỏe của các công ty Mỹ.

Thị trường thu hẹp đà giảm sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về 4,1957% sau khi đạt 4,222% trong phiên trước đó – mức cao nhất kể từ ngày 26/7.

Kết thúc phiên 22/10: Chỉ số Dow Jones giảm 6,71 điểm (-0,01%), xuống 42.924,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,78 điểm (-0,04%), xuống 5.851,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 33,12 điểm (+0,18%), lên 18.573,13 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp, khi sự thận trọng vẫn còn đó trước kết quả bầu cử hạ viện sắp tới của nước này.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% xuống 38.104,86 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,55% xuống 2.636,96 điểm.

Thủ tướng Shigeru Ishiba đã giải tán Hạ viện vào ngày 9/10 và thiết lập tổng tuyển cử mới vào ngày 27/10. Truyền thông địa phương đưa tin, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và liên minh Komeito có thể mất thế đa số trong cuộc bầu cử.

Điểm sáng trong phiên hôm nay là Tokyo Metro, khi tăng 44% trong phiên giao dịch đầu tiên sau, đóng cửa ở mức 1.739 yên/cổ phiếu (11,42 USD). Đợt IPO của Tokyo Metro trước đó đã thu về 2,3 tỷ USD nhờ những lời hứa về cổ tức hào phóng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, trong ngày xuất hiện đề xuất một quỹ hỗ trợ bình ổn thị trường 2.000 tỷ nhân dân tệ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,52% lên 3.302,80 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,39% lên 3.973,21 điểm.

Một tổ chức tư vấn chính sách của Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh phát hành 2.000 tỷ nhân dân tệ (280 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt để thành lập một quỹ bình ổn thị trường chứng khoán, 21st Century Business Herald đưa tin.

Một quỹ như vậy có thể ổn định thị trường thông qua việc mua và bán bluechip và quỹ giao dịch trao đổi (ETF), theo đề xuất của Viện Tài chính & Ngân hàng, trực thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS).

Đề xuất này là một phần của báo cáo thường niên trong quý của viện về nền kinh tế Trung Quốc. CASS là tổ chức học thuật hàng đầu của Trung Quốc.

Khi được hỏi về khả năng thành lập một quỹ bình ổn thị trường chứng khoán vào tháng trước, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng nói với các phóng viên rằng một nghiên cứu về đề xuất này đang được tiến hành.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ sự lạc quan về các báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan cũng như đề xuất về một quỹ ổn định thị trường trị giá 2.000 tỷ nhân dân tệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,27% lên 20.760,15 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,56% lên 7.478,23 điểm.

Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho kết quả kinh doanh quý từ 22 công ty từ nay cho đến cuối tháng, bao gồm những tên tuổi lớn như HSBC, BYD và Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhờ cặp đôi cổ phiếu lớn ngành chip, mặc dù các nhà đầu tư vẫn thận trọng do lo ngại về tốc độ cắt giảm lãi suất chậm lại của Fed.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 28,92 điểm, tương đương 1,12% lên 2.599,62 điểm.

Hai cổ phiếu lớn ngành chip là động lực chính, với Samsung Electronics tăng 2,43% và SK hynix tăng 1,8%.

Kết thúc phiên 23/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 307,10 điểm (-0,80%), xuống 38.104,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,94 điểm (+0,52%), lên 3.302,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 261,20 điểm (+1,27%), lên 20.760,15 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 28,92 điểm (+1,12%), lên 2.599,62 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thấy gì từ việc tiền gửi tổ chức tăng trưởng âm?

Tăng trưởng tín dụng vượt xa tốc độ tăng trưởng huy động vốn đang tạo áp lực nâng lãi suất tiết kiệm lên các ngân hàng thương mại..>> Chi tiết

- VN-Index và những thách thức để vượt mốc 1.300 điểm

Mặc dù khá nhiều dự đoán cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ sớm chạm ngưỡng 1.300 điểm, thậm chí là trong tháng 10, nhưng diễn biến thực tế của thị trường đang là một thách thức rất lớn..>> Chi tiết

- Những doanh nghiệp có triển vọng sáng

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thép đang dần tích cực hơn. Kỳ vọng, từ giữa năm 2025 trở đi, ngành thép sẽ có đà tăng trưởng cao trở lại..>> Chi tiết

- “Gỡ nghẽn” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trong dự thảo mới nhất của Luật Chứng khoán (sửa đổi), quan điểm chung vẫn là hạn chế nhà đầu tư cá nhân, kể cả nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ..>> Chi tiết

- IMF: Rủi ro địa chính trị gia tăng và triển vọng tăng trưởng dài hạn đang suy yếu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phần lớn thế giới đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát và đưa nền kinh tế hướng tới hạ cánh mềm, nhưng phải đối mặt với rủi ro địa chính trị gia tăng và triển vọng tăng trưởng dài hạn suy yếu hơn..>> Chi tiết

Tin bài liên quan