Thị trường tài chính 24h: “Niềm vui” nghẽn lệnh

Thị trường tài chính 24h: “Niềm vui” nghẽn lệnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích hơn 5 điểm; Nhà đầu tư chứng khoán chứng kiến lại HOSE nghẽn lệnh trở lại với điểm số tăng vọt; Vài triệu đô một giấy phép công ty chứng khoán; Cổ phiếu GIL bay gần 13% trong 2 phiên; Chứng khoán châu Á ít biến động… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 21/5 tăng 30.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 80.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 56,08 – 56,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 7,3 USD lên 1.872,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích dần lên quanh 1.880 USD/ounce vào đi ngang quanh dưới mức này không xa cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,12% xuống 89,70 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.160 đồng, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.950 - 23.150 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,67 USD (+1,08%), lên 62,61 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent) tăng 0,55 USD (0,84%), lên 65,66 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin hồi phục lên trên 42.000 USD trong ngày hôm qua, đã chững lại với những nghi ngờ quay trở lại thị trường trong ngày hôm nay, và chủ yếu dao động từ mức trên 39.000 đến gần 41.000 USD/BTC cho đến cuối giờ chiều nay.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng lên trên 1.280 điểm

Dòng tiền sôi động từ sớm đã khiến thị trường đã nhanh chóng xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh trong phiên chiều và khi VN-Index đang tiến đến thử thách mốc 1.290 điểm, thì sau đó chóng bị đẩy lại sát tham chiếu, trước khi hồi nhẹ và đi ngang cho đến khi đóng cửa.

Nổi bật nhất hôm nay là BID khi tăng kịch trần lên 44.750 đồng, Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn tăng tốt khác như VHM +1,9%, VNM +1,4%, PLX +5,5%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ nổi sóng với hàng loạt mã như KBC, SCR, LDG, ASM, LCG, SZC tăng trần, bên cạnh FLC, HQC, ITA, DXG, PDR, KDH… đều tăng khá mạnh.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14,17 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 220,6 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/5: VN-Index tăng 5,71 điểm (+0,45%), lên 1.283,93 điểm; HNX-Index tăng 2,89 điểm (+0,98%), lên 297,99 điểm; UpCoM-Index tăng 1,87 điểm (+2,35%), lên 81,63 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall phục hồi vào phiên ngày thứ Năm (20/5), được thúc đẩy bởi báo cáo thất nghiệp hàng tuần lạc quan nhất kể từ khi suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra bắt đầu.

Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo thất nghiệp như thường lệ. Theo đó, số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm xuống còn 444.000 người trong tuần kết thúc vào ngày 15/5, giảm 34.000 người so với tuần trước đó và ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Dow Jones tăng 188,11 điểm (+0,55%), lên 34.084,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 43,44 điểm (+1,06%), lên 4.159,2 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 236,00 điểm (+1,77%), lên 13.535,74 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi giới đầu tư đặt cược vào các cổ phiếu tăng trưởng đang có giá rẻ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,78% lên 28.317,83 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,46% lên 1.904,69 điểm.

Jun Morita, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Chibagin Asset Management cho biết: “Các nhà đầu tư đã bắt đầu thoải mái hơn khi đặt cược, vì giá cổ phiếu đã trở nên tương đối rẻ. Cùng với phiên tăng điểm của Nasdaq trên phố Wall đêm qua và lãi suất ổn định của Mỹ cũng thúc đẩy tâm lý".

Cổ phiếu đáng chú ý nhất hôm nay là của công ty khai thác dầu khí lớn nhất Nhật Bản Inpex Corp, đã giảm 3,86%, ảnh hưởng bởi giá dầu thô giảm mạnh, sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt kinh tế then chốt chống Iran sau các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo).

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do cổ phiếu tài chính và hàng tiêu dùng bị chốt lời.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,58% xuống 3.486,56 điểm. Chỉ số này đã giảm 0,11% trong tuần. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,01% xuống 5.134,15 điểm, nhưng tăng 0,46% trong tuần.

Chỉ số phụ ngành tài chính giảm 1,44%, ngành tiêu dùng giảm 1,17%, bất động sản giảm 1,02% và chỉ số chăm sóc sức khỏe giảm 1,43%.

Tuy nhiên, cổ phiếu công ty hàng hóa vẫn tăng, khi các phân tích cho biết cam kết tăng cường quản lý của Trung Quốc để hạn chế mức tăng giá hàng hóa “bất hợp lý” có thể chỉ có tác dụng tạm thời.

Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi, khi nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng nhích lên đã giúp bù đắp áp lực bán đối với các công ty truyền thông.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 8 0,03% lên 28.458,44 điểm. Chỉ số này đã tăng 1,5% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,56% lên 10.702,57 điểm và tăng 2,9% trong tuần.

Dẫn đầu đà tăng là chỉ số phụ theo dõi ngành chăm sóc sức khỏe tăng 2,2% và tiêu dùng tăng 1,4%

Giao dịch đáng chú ý tại cổ phiếu Tencent, giảm 3,37%, do ảnh hưởng từ công ty môi giới Nomura cắt giảm giá mục tiêu của gã khổng lồ truyền thông xã hội và trò chơi này, sau khi thu nhập cốt lõi của quý đầu tiên hơi thấp so với kỳ vọng.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ chuyển sang trạng thái bán ròng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,19% xuống 3.156,42 điểm, sau khi tăng 1,13% vào đầu phiên.

Nhà đầu tư ngoài đã quay sang bán ròng 135,3 tỷ won (120,08 triệu USD) cổ phiếu trên bảng điện tử, sau khi dữ liệu cho thấy, xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng 53,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong 20 ngày đầu tháng 5, nhờ doanh số chip và ô tô tăng mạnh cũng như nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc và Mỹ.

Kết thúc phiên 21/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 219,58 điểm (+0,78%), lên 28.317,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,39 điểm (-0,58%), xuống 3.486,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 8,15 điểm (+0,03%), lên 28.458,44 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 5,86 điểm (-0,19%), xuống 3.156,42 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Nhiều người có nhu cầu vay đột xuất nhưng không thể vay vốn ngân hàng, nên tín dụng đen có cơ hội hoành hành, gây ra nhiều hệ lụy. Sự phát triển của các công ty tài chính đã và đang góp phần đẩy lùi vấn nạn này..>> Chi tiết

- Nhà đầu tư chứng khoán "khóc" với tên tuổi một thời Vinamilk (VNM), Coteccons (CTD)...

Trái với diễn biến thị trường chứng khoán khi thanh khoản kỷ lục và nhiều cổ phiếu liên tục phá đỉnh, một số tên tuổi một thời của thị trường lại liên tục dò đáy và mang tới khoản thua lỗ cho nhà đầu tư khi đặt niềm tin vào doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Vài triệu đô một giấy phép công ty chứng khoán

Việc mua, bán công ty chứng khoán vẫn đang âm thầm diễn ra với việc nhiều công ty thay tên đổi chủ thời gian qua..>> Chi tiết

- Bổ sung tờ trình phát hành riêng lẻ giá 35.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu GIL bay gần 13% trong 2 phiên

CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã chứng khoán GIL) công bố thông tin nghị quyết HĐQT về việc bổ sung nội dung trình ĐHCĐ thường niên sắp tới, trong đó có tờ trình phát hành riêng lẻ 15,8 triệu cổ phiếu với giá bằng phân nửa thị giá: 35.000 đồng/cổ phiếu..>> Chi tiết

- Giá nhiều loại hàng hóa đã giảm, nhưng có thể chỉ là tạm thời

Một trong những đợt bùng nổ hàng hóa lớn nhất trong nhiều thập kỷ vẫn chưa hoàn chỉnh và đợt giá hàng hóa có thể tiếp tục tăng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan