Thị trường tài chính 24h: Mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn ổn định ở mức thấp

Thị trường tài chính 24h: Mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn ổn định ở mức thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ lên 1.270 điểm; Siết sở hữu chéo ngân hàng: Điều tra dòng tiền góp vốn của các "ông chủ lớn"; Thị trường tiền tệ "êm đềm" trước tết; 23.200 tỷ đồng trái phiếu chậm trả trong 11 tháng; OPEC+ tiếp tục trì hoãn tăng sản lượng cho tới tháng 4…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 6/12 giảm 700.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 400.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 82,70 – 85,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 18,3 USD xuống 2.631,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 2.640 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,88 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.266 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.164 – 25.467 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 95.000 USD lên 101.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã bất ngờ có nhịp lao dốc về dưới 94.000 USD, trước khi bật trở lại ngưỡng trên 98.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,24 USD (-0,35%), xuống 68,06 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,33 USD (-0,46%), xuống 71,76 USD/thùng.

VN-Index tăng nhẹ

Thị trường bật tăng và chạm ngưỡng 1.275 điểm từ khá sớm, nhưng sau đó nhóm bluechip hạ nhiệt và diễn biến lình xình trở lại khiến VN-Index lùi về mốc 1.270 điểm khi đóng cửa, với trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”. Thanh khoản cũng giảm mạnh so với phiên hôm qua, dù vẫn trên mức trung bình 20 phiên giao dịch gần đây.

Kết thúc phiên giao dịch 6/12: VN-Index tăng nhẹ 2,61 điểm (+0,21%), lên 1.270,14 điểm; HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,29%) xuống 228,93 điểm; UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,16%) xuống 92,81 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ đảo chiều giảm trong phiên thứ Năm (5/12), khi áp lực chốt lời gia tăng sau đợt tăng gần đây, cũng như thị trường chững lại, tập trung vào dữ liệu việc làm quan trọng sắp được công bố.

Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 11 dự kiến được công bố vào ngày mai có thể là chìa khóa trong việc đánh giá quỹ đạo lãi suất của Fed.

Kết thúc phiên 5/12: Chỉ số Dow Jones giảm 248,33 điểm (-0,55%), xuống 44.765,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,38 điểm (-0,19%), xuống 6.075,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 34,39 điểm (-0,17%), xuống 19.700,72 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm khi các nhà đầu tư chốt lời sau bốn ngày tăng, trong khi thị trường cũng chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,77% xuống 39.091,17 điểm. Trong tuần, chỉ số này tăng 2,3%. Chỉ số Topix giảm 0,55% xuống 2.727,22 điểm.

Nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest dẫn đầu đà giảm trên Nikkei 225 khi để mất 3,25%. Theo sau là Tokyo Electron giảm 2,58%.

Trong khi đó, sự ổn định của tỷ giá đồng yên ở mức khoảng 150 yên/USD đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô, với Nissan tăng 2,65% và Mazda tăng 1,54%.

Chứng khoán Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần, khi giới đầu tư đặt kỳ vọng cao các gói kích thích tiếp theo sẽ được công bố tại cuộc họp chính sách quan trọng vào tuần tới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,05% lên 3.404,08 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,31% lên 3.973,14 điểm.

Hội nghị công tác kinh tế trung ương (CEWC) diễn ra vào tuần tới sẽ là tâm điểm theo dõi của thị trường, với Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chính sách kinh tế lớn cho năm tới, trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào giảm phát và mức thuế quan mới từ Mỹ.

Hội nghị kín có khả năng duy trì giọng điệu tích cực cho các chính sách kinh tế vĩ mô vào năm 2025 và các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nhấn mạnh vào việc giải quyết nợ của chính quyền địa phương, thị trường bất động sản, tiêu dùng và đổi mới công nghệ là những ưu tiên thiết yếu, theo Citic Securities, công ty môi giới niêm yết lớn nhất Trung Quốc cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông hướng tuần tốt nhất trong hai tháng, khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng của Trung Quốc vào tuần tới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,56% lên 19.865,85 điểm và tăng 2,2% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,75% lên 7.136,55 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm và ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, khi quốc hội nước này thảo luận về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 13,69 điểm, tương đương 0,56%, xuống 2.428,16 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này giảm 1,13%.

Lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc hôm thứ Sáu cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol cần phải bị cách chức vì cố gắng áp đặt thiết quân luật, nhưng không kêu gọi các thành viên bỏ phiếu luận tội.

Thị trường tiếp tục nhận được những trấn an mới, khi các cơ quan ngoại hối của Hàn Quốc được cho là đã bán USD trên thị trường vào đầu ngày thứ Tư để hạn chế sự sụt giảm của đồng won.

Kết thúc phiên 6/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 304,43 điểm (-0,77%), xuống 39.091,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 35,22 điểm (+1,05%), lên 3.404,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 305,41 điểm (+1,56%), lên 19.865,85 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 13,69 điểm (-0,56%), xuống 2.428,16 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Siết sở hữu chéo ngân hàng: Điều tra dòng tiền góp vốn của các "ông chủ lớn"

Để đối phó với tình trạng "đứng tên hộ", chuyên gia cho rằng cần phải điều tra dòng tiền của các ông chủ lớn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để nhận diện sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn..>> Chi tiết

- Thị trường tiền tệ "êm đềm" trước tết

Lãi suất huy động nhích lên trong mùa cao điểm cầu vốn cuối năm, song mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn ổn định ở mức thấp..>> Chi tiết

- 23.200 tỷ đồng trái phiếu chậm trả trong 11 tháng

Tính đến thời điểm hiện tại, có 43 trái phiếu chậm trả gốc/lãi lần đầu, với tổng giá trị là 23.200 tỷ đồng. Con số này đã giảm đáng kể so với 369 trái phiếu chậm trả gốc/lãi với tổng giá trị là 144.300 tỷ đồng trong năm 2023..>> Chi tiết

- OPEC+ tiếp tục trì hoãn tăng sản lượng cho tới tháng 4

Hôm thứ Năm (5/12), OPEC+ đã trì hoãn việc khôi phục sản lượng dầu thêm ba tháng, đây là lần thứ ba OPEC+ hoãn động thái này trong bối cảnh giá dầu thô đang vật lộn với tình trạng dư cung đang rình rập..>> Chi tiết

Tin bài liên quan