Thị trường tài chính 24h: Khó cản bước tiến VN-Index

Thị trường tài chính 24h: Khó cản bước tiến VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng thêm gần 10 điểm; Ngân hàng tranh thủ gọi vốn trái phiếu; Dừng hủy, sửa lệnh trên HOSE trong khi hệ thống vẫn "đu đơ"; Thị trường chứng khoán: Khoan lo chuyện dội cung; Cổ phiếu vật liệu, an toàn với “hàng hiệu”; Chứng khoán châu Á phần lớn giảm nhẹ; Châu Âu muốn đạt được thỏa thuận thuế toàn cầu với Mỹ tại hội nghị G7…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 4/6 giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,60 – 57,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 37,4 USD xuống 1.870,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và gần như đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối giờ chiều nay.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,02% lên 90,53 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.138 đồng, tăng 7 đồng với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.950 - 23.150 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,20 USD (+0,44%), lên 69,11 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,30 USD (+0,42%), lên 71,61 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau khi trở lại mốc trên 39.000 USD trong ngày hôm qua, đã điều chỉnh khá mạnh trong ngày hôm nay về quanh ngưỡng 36.000 USD/BTC, sau khi Elon Musk ám chỉ khả năng rời bỏ đồng tiền này.

Chứng khoán trong nước

Thanh khoản tiếp tục bùng nổ, VN-Index lên gần 1.375 điểm

Mặc dù không cho hủy lệnh, nhưng sức mua quá mạnh ngày từ sớm đã kéo nhiều mã từ giảm giá chuyển tăng điểm, thậm chí tăng trần.

Mặc dù thị trường đột ngột đảo chiều bởi áp lực chốt lời gia tăng trong cuối phiên sáng. Tuy nhiên, dòng tiền mạnh cuồn cuộn chảy sau giờ nghỉ trưa, kéo thanh khoản vượt mốc 30.000 tỷ đồng, cùng điểm số VN-Index vọt lên gần 1.375 điểm khi đóng cửa.

Tâm điểm hôm nay là nhóm dầu khí với cặp đôi lớn GAS và PLX cùng tăng hơn 3%, các mã khác trong ngành như PVD, PVT, PXS đồng loạt khoe sắc tím.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý là FLC đã đảo chiều thành công khi kết phiên tăng 2,5%. Ngoài ra, các mã như SCR, DLG, JVC, FTM, OGC vẫn trong trạng thái dư mua trần khá lớn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 23,71 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.533,43 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/6: VN-Index tăng 9,77 điểm (+0,72%), lên 1.374,05 điểm; HNX-Index giảm nhẹ 0,18 điểm (-0,06%), xuống 329,76 điểm; UpCoM-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,08%), xuống 90,59 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lại thêm một phiên ảm đạm trong ngày thứ Năm (3/6) khi những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ càng làm lo ngại về lạm phát đè nặng tâm lý thị trường.

Theo đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 29/5/2021 là 385.000 người. Đánh dấu tuần đầu tiên số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống dưới mức 400.000 đơn kể từ những ngày đầu đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tăng trưởng việc làm tư nhân trong tháng 5 tại Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 1 năm khi các công ty thuê gần 1 triệu lao động.

Dữ liệu mạnh mẽ có thể buộc Fed thu hồi các mức hỗ trợ khủng hoảng của mình sớm hơn dự kiến, bất chấp những cam kết ngược lại của các quan chức ngân hàng trung ương trong thời gian gần đây.

Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Dow Jones giảm 23,34 điểm (-0,07%), xuống 34.577,04 điểm. Chỉ số S&P giảm 15,27 điểm (-0,36%), xuống 4.192,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 141,82 điểm (-1,03%), xuống 13,614,51 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư phản ứng với dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 28.941,52 điểm. Chỉ số Topix nhích nhẹ 0,03% lên 1.959,19 điểm.

“Mặc dù chịu áp lực bán khá lớn, nhưng thị trường không giảm mạnh do nhận được một số hỗ trợ từ chương trình tiêm chủng tăng tốc của Nhật Bản trước Thế vận hội Tokyo. Việc Nhật Bản chậm tiêm chủng là một lý do để bán cổ phiếu”, Takashi Hiroki, chiến lược gia trưởng của Monex Securities cho biết.

Các nhà đầu tư hôm nay đã săn lùng cổ phiếu của các công ty lớn, trong đó có Toyota Motor tăng 1,6% lên mức cao kỷ lục mới, và ghi nhận phiên tăng thứ 10 trong 11 phiên gần nhất.

Cổ phiếu Hitachi tăng 2,1% để đạt mức cao nhất 20 năm, trong khi Mitsubishi Chemical tăng 2,2% lên mức cao nhất trong hai năm.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu tài chính, sau đề xuất giảm tem thuế của Bắc Kinh.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,21% lên 3.591,84 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,51% lên 5.282,28 điểm.

Trong tuần, CSI300 mất 0,7%, trong khi SSEC giảm 0,2%.

Các công ty tài chính dẫn đầu mức tăng, sau khi có tin Trung Quốc đã đề xuất một “mức giảm thích hợp” đối với thuế tem.

Chứng khoán Hồng Kông giảm theo chân nhiều thị trường châu Á khác, trong bối cảnh lo ngại về lạm phát cao hơn và Fed có thể sớm rút lại các biện pháp kích thích.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,17% xuống 28,918,10 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,2% xuống 10.805,64 điểm.

Trong tuần, HSI giảm 0,7%, trong khi HSCE tăng 0,1%.

Căng thẳng Trung-Mỹ mới nhất cũng làm tổn thương tâm lý đầu tư, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm đầu tư vào hàng chục công ty Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng chịu tác động từ khi dữ liệu việc làm lạc quan của Mỹ làm dấy lên lo ngại về tình trạng lạm phát cao hơn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,23% xuống 3.240,08 điểm. Trong tuần, chỉ số này tăng 1,61%.

Kết thúc phiên 4/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 116,59 điểm (-0,40%), xuống 28.941,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,63 điểm (+0,21%), lên 3.591,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 47,93 điểm (-0,17%), xuống 28.918,10 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 7,35 điểm (-0,23%), xuống 3.240,08 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng tranh thủ gọi vốn trái phiếu

Lãi suất rẻ, các ngân hàng đang tăng cường phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn vốn..>> Chi tiết

- Dừng hủy, sửa lệnh trên HOSE trong khi hệ thống vẫn "đu đơ"

Sau cuộc họp tại UBCK chiều qua (3/6), trong sáng nay (4/6), nhiều công ty chứng khoán lớn đồng loạt thông báo: Để đảm bảo hạn chế tối đa nhất tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE, Công ty tạm dừng tính năng SỬA/HỦY lệnh trong giờ giao dịch với các mã chứng khoán niêm yết sàn HOSE..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Khoan lo chuyện dội cung

Những khó khăn trong việc cấp phép phát hành chào bán chứng khoán ra công chúng theo các quy định mới có thể khiến việc phát hành thêm của các doanh nghiệp không suôn sẻ trong năm nay..>> Chi tiết

- Cổ phiếu vật liệu, an toàn với “hàng hiệu”

Diễn biến giá nguyên liệu khó đoán định, do đó, việc lựa chọn đúng doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng tốt mới đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư trong giai đoạn tới..>> Chi tiết

- Châu Âu muốn đạt được thỏa thuận thuế toàn cầu với Mỹ tại hội nghị G7

Các nước châu Âu hy vọng đạt được một thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu mới với Mỹ để tránh việc bị Washington áp đặt 2 tỷ USD thuế quan..>> Chi tiết

Tin bài liên quan