Châu Âu muốn đạt được thỏa thuận thuế toàn cầu với Mỹ tại hội nghị G7

0:00 / 0:00
0:00
Các nước châu Âu hy vọng đạt được một thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu mới với Mỹ để tránh việc bị Washington áp đặt 2 tỷ USD thuế quan.
Châu Âu muốn đạt được thỏa thuận thuế toàn cầu với Mỹ tại hội nghị G7

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 sắp diễn ra từ ngày 4-5/6 tại Anh, các nước châu Âu bày tỏ hy vọng đạt được một thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu mới với Mỹ để tránh việc bị Washington áp đặt 2 tỷ USD thuế quan.

Lãnh đạo tài chính các nước G7 sẽ nhóm họp tại London vào cuối tuần này để thảo luận về tình hình đàm phán thuế, bao gồm việc đánh thuế các công ty công nghệ lớn và đề xuất của Mỹ về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Đây là cơ hội để các nền kinh tế hàng đầu thế giới tạo dựng lập trường chung về hình thức áp dụng chế độ thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh G7 ủng hộ thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu và cho biết thỏa thuận này nằm “trong tầm tay." Ông nói: “Đó là vấn đề công bằng tài khóa và hiệu quả kinh tế."

Trước đó, ngày 2/6, Mỹ đã công bố mức thuế 25% có giá trị 2 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của sáu quốc gia, gồm Áo, Ấn Độ, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, nhằm trả đũa việc các nước này đã áp đặt thuế dịch vụ kỹ thuật số lên các công ty công nghệ Mỹ, nhưng ngay lập tức tạm đình chỉ thuế mới để thêm thời gian cho các cuộc đàm phán quốc tế. Ngoài ra, Mỹ cũng đã đánh thuế và tạm đình chỉ đối với Pháp vì lý do tương tự.

Pháp đã thông báo rõ rằng nước này sẽ không rút thuế kỹ thuật số cho đến khi một mức thuế toàn cầu mới đối với các công ty đa quốc gia được Mỹ đồng ý và thực hiện. Anh cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, nước này sẽ không ký vào bất kỳ thỏa thuận nào mà nước này không thể đánh thuế được các công ty kỹ thuật số có trụ sở tại các quốc gia khác.

Kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 có thể sẽ định hình các cuộc đàm phán tiếp theo về thuế doanh nghiệp tối thiểu tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Paris và các cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sắp tới tại Italy.

Tin bài liên quan