Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền trên thị trường chứng khoán ngày càng lớn

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền trên thị trường chứng khoán ngày càng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thị trường lập kỷ lục mới; Chuyện tăng vốn của các ngân hàng nhóm “Big4”; Góc tối của phát hành riêng lẻ; HOSE sẽ xử lý nghẽn lệnh dứt điểm từ đầu tháng 7; Lo cổ đông lớn "rút ruột" cổ đông nhỏ; Chứng khoán châu Á phân hóa nhẹ; Quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối thoại…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 2/6 tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 56,95 – 57,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 7,6 USD xuống 1.899,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và chủ yếu dao động với biên độ hẹp dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,34% lên 90,14 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.121 đồng, tăng 4 đồng với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.945 - 23.145 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,67 USD (+0,99%), lên 68,39 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,80 USD (+1,14%), lên 71,05 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin giằng co và biến động quanh mức 35.000 đến 36.000 USD trong ngày hôm qua, đã nhích lên và vượt 37..200 USD/BTC vào cuối giờ chiều nay.

Chứng khoán trong nước

Thị trường có phiên lập kỷ lục thanh khoản

Phiên giao dịch sáng gây chú ý khi hiện tượng nghẽn lệnh ngay sau đợt ATO chỉ ít phút. VN-Index và thanh khoản theo đó có thời điểm chững lại đứng hình, mãi tới cuối phiên mới nhảy.

Trong phiên chiều, hiện tượng chập chờn vẫn diễn ra, VN-Index gần như chỉ biến động nhẹ, nhưng thanh khoản phiên này vẫn giúp giúp thị trường tạo ra mức kỷ lục mới vượt ngưỡng 26.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu FLC hôm nay nổi sóng, khi tăng trần lên 13.050 đồng với lượng dư mua giá trần lên tới hơn 20 triệu đơn vị, thanh khoản đạt 59,5 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, LPB trở thành điểm sáng với mức tăng trần lên 31.650 đồng, khớp 30,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 2 triệu đơn vị sau thông tin bầu Thụy đăng ký mua vào thêm 32,54 triệu cổ phiếu.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 20,73 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.302,05 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/6: VN-Index tăng 3 điểm (+0,22%), lên 1.340,78 điểm; HNX-Index tăng 3,58 điểm (+1,13%), lên 322,05 điểm; UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (+0,58%), lên 89,39 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tháng 6 với phiên giao dịch ảm đạm vào hôm thứ Ba (1/6) khi giới đầu tư thận trọng hơn với các dấu hiệu lạm phát.

Theo báo cáo do Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ đã tăng lên 61,2 điểm trong tháng 5 vừa qua từ mức 60,7 điểm trong tháng 4/2021.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, trong khi các đơn đặt hàng mới tăng nhanh thì tốc độ sản xuất và quá trình tuyển dụng nhân công đang chậm lại, là một tín hiệu cho thấy lạm phát đang gia tăng.

Kết thúc phiên 1/6, chỉ số Dow Jones tăng 45,86 điểm (+0,13%), lên 34.575,31 điểm. Chỉ số S&P giảm 2,07 điểm (-0,05%), xuống 4.202,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,26 điểm (-0,09%), xuống 13.736,48 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, được hỗ trợ nhờ nhóm cổ phiếu du lịch, khách sạn khi số lượng người tiêm vắc-xin Covid-19 tăng lên đã thúc đẩy hy vọng mở cửa nền kinh tế trở lại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,46% lên 28.946,14 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,84% lên 1.942,33 điểm.

Nobuhiko Kuramochi, Chiến lược gia thị trường tại Mizuho Securities cho biết: “Số lượng người dân tiêm chủng vắc-xin Covid-19 hàng ngày hiện đạt khoảng 500.000, vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng đến giữa tháng 7 có thể đạt được điểm mà các ca nhiễm mới sẽ giảm xuống”.

Các công ty đường sắt và hàng không nằm trong số những công ty hoạt động tốt nhất, với Đường sắt Tây Nhật Bản tăng 7,7% và Đường sắt Đông Nhật Bản tăng 6%. Trong khi hãng hàng không ANA Holdings tăng 3,2% và Japan Airlines tăng 3,5%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, do các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng giá gần đây ở nhóm cổ phiếu công ty chăm sóc sức khỏe.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,76% xuống 3.597,14 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,97% xuống 5.289,97 điểm.

Giảm mạnh là chỉ số phụ theo dõi ngành chăm sóc sức khỏe, giảm 1,85%, trong khi ngành công nghệ thông tin giảm 1,86%.

Thị trường gần như không có phản ứng với đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở tỉnh đông dân nhất Trung Quốc là Quảng Đông.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, cũng do ảnh hưởng bởi áp lực bán chốt lời ở nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,58% xuống 29.297,62 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,35% xuống 10.951,84 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành chăm sóc sức khỏe giảm 2,01%, trong khi lĩnh vực công nghệ giảm 1,04%.

Chứng khoán Hàn Quốc chỉ nhích nhẹ, khi chịu áp lực tương đối từ việc các nhà đầu tư tổ chức bán chốt lời.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,07% lên 3.224,23 điểm.

Kết thúc phiên 2/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 131,80 điểm (+0,46%), lên 28.946,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,58 điểm (-0,76%), xuống 3.597,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 170,38 điểm (-0,58%), xuống 29.297,62 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,36 điểm (+0,07%), lên 3.224,23 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chuyện tăng vốn của các ngân hàng nhóm “Big4”

Việc chậm được tăng vốn khiến nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước hạn chế khả năng cung ứng vốn, thu hẹp thị phần tín dụng trong 5 năm qua..>> Chi tiết

- Góc tối của phát hành riêng lẻ

Một trong những mục tiêu quan trọng của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, nên việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành cổ phiếu mới huy động vốn trong thời gian gần đây là rất đáng mừng..>> Chi tiết

- Ông Lê Hải Trà: HOSE sẽ đại phẫu “thay tim”, xử lý nghẽn lệnh dứt điểm từ đầu tháng 7

Liên quan đến việc HOSE chuẩn bị vận hành hệ thống giao dịch của FPT vào đầu tháng 7, kỳ vọng xử lý dứt điểm nghẽn lệnh, ô ng Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) trả lời phóng vấn của báo Báo Đầu tư Chứng khoán chiều ngày 1/6..>> Chi tiết

- Lo cổ đông lớn "rút ruột" cổ đông nhỏ

Có không ít doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá thấp hơn nhiều thị giá và đối tượng được mua không rõ ràng..>> Chi tiết

- Quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối thoại

Cuộc thảo luận sáng 2/6 là cuộc trao đổi trực tuyến thứ hai trong vòng một tuần giữa các quan chức cấp cao phụ trách kinh tế và thương mại của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan