VN-Index tăng lên sát 1.000 điểm trong phiên đầu tiên của tháng Ngân
Thị trường mở cửa trong tâm thế thận trọng, sau khi Fed thông báo giảm lãi suất. Mặc dù được hỗ trợ bởi nhiều mã bluechip sau đó, nhưng trước sự dè dặt, VN-Index rung lắc mạnh.
Trong phiên chiều, diễn biến tích cực. Dẫu vậy, áp lực ở vùng giá cao liên tục đẩy VN-Index lùi trở lại sau mỗi nhịp tăng. Tuy nhiên, dưới sự nâng đỡ của nhóm bluechip, VN-Index đóng cửa đã tiến gần 1.000 điểm.
Nhóm bluechip là bệ đỡ chính, với "hạt nhân" à nhóm Vingroup với VIC +2%, VHM +2,6%, VRE +2%. Các mã tăng đáng kể khác như NVL +2,6%, MWG +1,6%, PNJ +1,8%.
Các mã tạo lực cản lớn lên chỉ số có CTG, HVN, POW, EIB, STB, TPB khi giảm từ 1,3-1,7%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản (PDR, NTL, DLG, IJC, LDG, HDG, HDC...) và khu công nghiệp (ITA, KBC, SZL, SZC, D2D...) khởi sắc. GAB, ILB, KSB cũng giữ sắc tím.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 5,42 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 103,06 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 1/8: VN-Index tăng 5,73 điểm (+0,58%), lên 997,39 điểm; HNX-Index giảm 0,55 điểm (-0,52%), xuống 103,88 điểm; UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,08%), xuống 58,84 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Trong phiên thứ Tư, các chỉ số chính của phố Wall chủ yếu lình xình để chờ đợi thông tin chính thức sau cuộc họp của Fed kết thúc vào chiều thứ Tư theo giờ Mỹ.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 1 thập kỷ như dự đoán, nhưng mức giảm chỉ ở mức 0,25% so với mức 0,5% như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điều làm giới đầu tư thất vọng là phát biểu sau cuộc họp, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cho biết, động thái cắt giảm lãi suất lần này không phải khởi đầu cho một chu kỳ giảm lãi suất kéo dài, nhưng cũng không nói rằng, đây là lần cắt giảm duy nhất.
Sau phát biểu của ông Powell, giới đầu tư thất vọng và ồ ạt bán tháo, đẩy các chỉ số chính của phố Wall lao dốc mạnh cuối phiên, nhưng may mắn thoát được mức điểm thấp nhất ngày.
Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Dow Jones giảm 333,75 điểm (-1,23%), xuống 26.864,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,80 điểm (-1,09%), xuống 2.980,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 98,19 điểm (-1,19%), xuống 8.175,42 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản hồi nhẹ về cuối phiên, nhờ đồng yên yếu đã bù đắp cho sự thất vọng từ thông điệp của Fed sau khi cắt giảm lãi suất.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,09% lên 21.540,99 điểm. Topix tăng 0,14% lên 1.567,35 điểm.
Fed đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, lần đầu tiên kể từ năm 2008, nhưng Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell nói rằng động thái này không phải là khởi đầu của một loạt các đợt cắt giảm lãi suất kéo dài, khiến chứng khoán Mỹ lao dốc và ảnh hưởng đến thị trường Tokyo.
Cổ phiếu của các nhà xuất khẩu, được hưởng lợi từ đồng yên yếu đã tăng với Toyota Motor Corp tăng 1%, Honda Motor Co tăng 0,4%, Canon Inc tăng 0,9% và Nintendo tăng 3,3%.
Các cổ phiếu tài chính khác cũng đi lên với điểm sáng là Daiwa Sucurities tăng 2,5% và Shinsei Bank tăng 3,8%.
Nhóm cổ phiếu báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua có Nomura Holdings, tăng 9% khi mảng ngân hàng đầu tư cho thấy lợi nhuận quý vừa qua tăng gấp 10 lần, sau khi tái cấu trúc danh mục đầu tư.
Dược phẩm Takeda tăng 7,4% sau khi doanh số bán hàng tăng 88,8%.
Trái lại, Kao Corporation giảm 3,4% sau lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm giảm 8,8%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, hưởng từ sắc đỏ trên nhiều thị trường khu vực, sau thông điệp ôn hòa của Fed về lãi suất và các cuộc đàm phán thương mại mới nhất với Mỹ kết thúc có rất ít tiến triển.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,81% xuống 2.908,77 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,83% xuống 3.804,47 điểm.
Trái ngược với động thái giảm lãi suất của Fed, hôm nay, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, bởi các nhà hoạch định chính sách nước này chờ đợi kết quả của các biện pháp hỗ trợ trước đó sẽ thẩm thấu như thế nào đối với nền kinh tế.
Trên thị trường STAR, tất cả 25 cổ phiếu niêm yết đều tăng, dẫn đầu là Beijing Worldia Diamond Tools và Suzhou Harmontronics Automation, cả hai đều tăng hết biên độ +20%.
Chứng khoán Hồng Kông đã giảm xuống mức thấp trong bảy 7 tuần, sau khi Fed giảm lãi suất nhưng lại tuyên bố rằng đây không phải là điểm bắt đầu cho một chu kỳ cắt giảm.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,76% xuống 27.565,70 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,5% xuống 10.621,57 điểm.
Trong hôm nay, Ngân hàng trung ương Hồng Kông đã theo chân Fed cắt giảm lãi suất chuẩn, mặc dù sẽ phải đối mặt với chi phí lãi vay gia tăng, trong bối cảnh GDP của Hồng Kông chỉ tăng 0,6% trong quý II/2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tăng trưởng quý thấp nhất trong thập kỷ qua và thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,5%.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,36% xuống 2.017,33 điểm, khi có tin Nhật Bản lên kế hoạch đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách 27 nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Kang Kyung-wha cảnh báo rằng, nếu Nhật Bản làm điều này, Seoul sẽ phải xem xét hợp tác an ninh song phương.
Kết thúc phiên 1/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 19,46 điểm (+0,09%), lên 21.540,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 23,74 điểm (-0,81%), xuống 2.908,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 212,05 điểm (-0,76%), xuống 27.565,70 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC giảm sâu. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.250 đồng/USD
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 330.000 đồng/lượng chiều mua và 300.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 39,21 - 39,46 triệu đồng/lượng, tăng thêm 60.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.079 đồng, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.145 - 23.265 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Trái chiều lợi nhuận ngân hàng nhỏ
Không chỉ với các nhà băng lớn, nhiều ngân hàng vừa và nhỏ cũng đạt lợi nhuận khả quan trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2019, nhưng một số nhà băng có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái..>> Chi tiết
- Lên sàn, doanh nghiệp bảo hiểm hút nhà đầu tư chiến lượcChịu sức ép lớn hơn về minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, quyền lợi cổ đông, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm cũng thuận lợi hơn trong việc thu hút đối tác chiến lược..>> Chi tiết
- Có tới 2.500 lượt tải ứng dụng chỉ sau 3 ngày chương trình đầu tư phái sinh ảo được công bố
Các nhà đầu tư đã sẵn sàng cho cuộc tranh tài mang tên “Đầu tư ảo, nhận tiền thật” được chính thức công bố cách đây 1 tuần..>> Chi tiết
- Dòng vốn chực chờ cơ hội M&A doanh nghiệp logistics
Ông Phạm Minh Nhật, Trưởng phòng Tư vấn mua bán và sáp nhập, CTCP Chứng khoán Rồng Việt chia sẻ, nhiều dòng vốn từ trong nước và nước ngoài đang quan tâm tới cơ hội M&A doanh nghiệp có tiềm năng trong ngành logistics..>> Chi tiết
- Chống chuyển giá, yêu cầu ngày càng cấp thiết
Chuyển giá là hiện tượng phổ biến trên thế giới, với cách thức rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát. Chuyển giá gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách của nhà nước, gây ra cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp..>> Chi tiết
- Samsung giảm lợi nhuận bởi nhu cầu smartphone đi xuống
Lãi ròng và doanh thu toàn cầu quý II của Samsung giảm so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu smartphone và thiết bị điện tử xuống thấp..>> Chi tiết