Hưởng lợi từ tăng trưởng tiêu dùng nội địa và hoạt động sản xuất nói chung, ngành logicstic được đánh giá rất có tiềm năng. Theo ông, hoạt động của các doanh nghiệp logistics hiện nay đã tương xứng với tiềm năng của ngành hay chưa?
Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua là minh chứng rõ ràng cho việc Việt Nam đang trong đà tăng trưởng để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị thương mại toàn cầu. Đây là đòn bẩy để giúp hoạt động logistics - hoạt động trung gian kết nối giao thương Việt Nam và thế giới phát triển.
Ngành logistics Việt Nam có quy mô 44,1 tỷ USD vào năm 2017 và được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2018 - 2025 là 15 - 20%/năm. Hiện tại, có hơn 23.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh các dịch vụ liên quan đến logistics. Tuy nhiên, chiếm trên 80% trong số này là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, với lực lượng lao động 30 - 40 người, ít đầu tư vào trang thiết bị phương tiện vận tải và kho bãi, đa số sử dụng dịch vụ của bên thứ ba.
Tổng quan Việt Nam.
Độ phân tán thị trường khá lớn, cụ thể là các doanh nghiệp chỉ hoạt động ở một phân khúc nhất định như vận tải đường bộ, vận tải biển, nhà kho, giao nhận nhanh… Một số ít doanh nghiệp đầu ngành hoạt động theo quy mô chuỗi cung ứng, do đó, thể hiện hiệu quả khá cao so với các doanh nghiệp còn lại. Sự liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau chưa được toàn diện.
Doanh nghiệp nội địa đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp nước ngoài - các công ty đa quốc gia có nhiều lợi thế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, sức mạnh liên kết…
Tốc độ tăng trưởng GDP của một số nước trong khu vực.
Nhìn chung, quy mô các doanh nghiệp logistics hiện tại là chưa tương xứng với tiềm năng của ngành. Do đó, chúng ta sẽ còn chứng kiến thêm nhiều doanh nghiệp có thế mạnh cụ thể vươn lên trong thời gian tới nếu tận dụng được cơ hội mở rộng của ngành, áp dụng phát kiến mới về công nghệ và làn sóng dòng vốn đầu tư quan tâm vào ngành này.
Vậy ngành logicstic Việt Nam cần cải thiện điều gì để bứt phá?
Ngành logistics Việt Nam cần cải thiện về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, hệ thống công nghệ thông tin, nhân sự chất lượng cao, sự liên kết, kết nối mạnh mẽ thông qua các hiệp hội, tổ chức, diễn đàn.
Cơ sở hạ tầng giao thông cần phải được kết nối, nâng cao, đặc biệt tạo ra được hành lang vận tải kết hợp các phương thức với nhau.
Nguồn vốn đầu tư cần được khơi thông giúp các doanh nghiệp chuẩn hóa từ trang thiết bị, cơ sở vật chất đến phương pháp quản lý, điều hành hoạt động. Điều này giúp tiết kiệm một lượng chi phí và thời gian khổng lồ nếu xét đến sự ảnh hưởng của toàn chuỗi cung ứng. Ví dụ như sự đầu tư đồng bộ lối lên, xuống hàng xe tải và dock kho, sự kết hợp xuyên suốt quy trình đặt hàng - mua hàng - vận chuyển hàng đến kho và châm hàng lên kệ, đầu tư hệ thống châm hàng tự động…
Cơ chế khuyến khích hoạt động logistics tại Việt Nam cần hoàn thiện và linh hoạt hơn, đặc biệt là hỗ trợ cho vận tải xuyên biên giới; giảm thiểu các chi phí không chính thức. Các chính sách cần đồng bộ và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, điển hình là việc cấm tải giao hàng, điều kiện kinh doanh nhà kho, nhà xưởng, thủ tục hải quan…
Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư và phát triển hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho các hoạt động kết nối chuỗi cung ứng. Việc xúc tiến phát triển thị trường dịch vụ logistics cần được tổ chức định kỳ thường xuyên nhằm kết nối cung cầu dịch vụ logistics của các tổ chức, cơ quan hỗ trợ hoạt động cho Chính phủ.
Xu hướng logicstic ngày nay có khác biệt gì đáng kể so với trước, thưa ông?
Bên cạnh việc kinh doanh truyền thống, khi làm việc với các doanh nghiệp logistics nội địa hiện nay, chúng tôi nhân thấy bắt đầu có sự quan tâm đến việc số hóa, tối ưu chuỗi quản lý, cũng như một phần dịch chuyển/quan tâm đến các xu thế mới. Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã làm cho mọi sự chú ý được đổ dồn vào E-Logistics như ứng dụng kết nối xe tải (logivan, Etruck…), kết nối phương tiện xe máy (Grab, Goviet…).
Xu hướng và tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Thật ra, ở tất cả các lĩnh vực, các khâu hoạt động, nếu xét trên phương diện quản lý toàn chuỗi cung ứng đi từ việc kết nối hệ thống nội bộ đến việc kết nối xuyên qua các hệ thống của các chủ thể khác trong chuỗi thì việc ứng dụng công nghệ thông tin là tất yếu.
Cả quy trình logistics xuôi và logistics ngược đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cần công nghệ hỗ trợ cho mọi hoạt động vận hành. Ngoài phần mềm quản lý nhà kho và hệ thống tự động trong nhà kho (ASRS, WMS, WCS…), phần mềm quản lý hoạt động vận chuyển (TMS), máy soạn hàng tự động (Sorter)… hiện nay các công ty đang sử dụng, các công nghệ khác sẽ được áp dụng ngày càng nhiều hơn như phần mềm dự báo nhu cầu và châm hàng tự động (demand and fulfillment system), Chuỗi khối (Block chain), công nghệ phân tán (Hashgraph), nền tảng kết nối vạn vật (IoT Platform), Dữ liệu Lớn (Big Data)… trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng.
Với lĩnh vực tiềm năng như vậy, các ông ghi nhận sự quan tâm của nhà đầu tư ra sao?
Chúng tôi thường xuyên trao đổi với các nhà đầu tư, bao gồm cả các nhà đầu tư nội địa, cũng như khu vực để cập nhật nhu cầu, qua đó, nhận thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành logistics, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây.
Nguyên nhân của sự quan tâm này khá đa dạng, bao gồm từ thời điểm chín muồi của ngành bán lẻ đã kéo theo nhu cầu hoạt động logistics nội địa, quá trình chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và được thúc đẩy bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, độ mở giữa các nền kinh tế trong khu vực ASEAN đang ngày càng tăng lên khi có thêm nhiều mặt hàng được cắt giảm thuế theo thỏa thuận.
Do đó, logistics, ngành dịch vụ hậu cần phục vụ hầu hết cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới.
Hiện chúng tôi đang tư vấn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện tại, giữa yêu cầu của nhà đầu tư và các doanh nghiệp gọi vốn vẫn có một khoảng cách nhất định về sự toàn diện của chuỗi dịch vụ cung ứng hay quy mô doanh thu hoặc tính cập nhật về công nghệ.
Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển tự phát, chạy theo nhu cầu thực tế của thị trường, các doanh nghiệp ngành logistics đang trong giai đoạn tái định vị chiến lược và các doanh nghiệp có đội ngũ am hiểu về ngành, có vị thế nhất định trong ngành sẽ không khó để tìm kiếm nhà đầu tư đồng hành trên chặng đường sắp tới.
Các nhà đầu tư muốn tham gia cổ phần chi phối, hay đầu tư với tỷ lệ dưới 35% tại các doanh nghiệp này, theo ghi nhận của ông?
Mua chi phối trên 51% là tỷ lệ mong ước đối với phần lớn các thương vụ mua bán và sáp nhập đến từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, theo Nghị định 163/2017/NĐ-CP và Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO là 51% chỉ riêng đối với lĩnh vực vận tải đường bộ; còn các dịch vụ khác chỉ từ 30 - 50%.
Từ phía các quỹ đầu tư, họ sẵn sàng tham gia ở nhiều mức độ, từ 20%, 35% tới dưới 49% (không nắm quyền kiểm soát công ty bán), chủ yếu hỗ trợ về mặt nguồn lực tài chính và tư vấn về quản trị điều hành.