Thị trường tài chính 24h: Cổ phiếu ngân hàng dự báo sẽ phân hóa mạnh

Thị trường tài chính 24h: Cổ phiếu ngân hàng dự báo sẽ phân hóa mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ từ ngân hàng; Cổ phiếu vua sẽ phân hóa mạnh; Đo sức margin của các công ty chứng khoán; Hồi hộp kết quả quý III; Mỹ có khả năng sẽ đề nghị OPEC cung cấp thêm nguồn cung...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 12/10 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 57,35 – 58,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 3,3 USD xuống 1.753,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi dần và lên trên 1.760 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 94,31 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.174 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.650 – 22.850 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,11 USD (+0,14%), lên 80,63 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,06 USD (+0,07%), lên 83,83 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên mức trên 57.400 USD thì sang ngày hôm nay đã chững lại và đi ngang với biên độ hẹp quanh ngưỡng trên.

Chứng khoán trong nước

VN-Index duy trì đà tăng

Áp lực bán tuy xuất hiện trên diện rộng, nhưng không quá mạnh trong cả phiên khiến chỉ số chỉ giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp và đóng cửa tăng nhẹ trong phiên ATC nhờ VIC đứng vững.

Một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng duy trì được sức mua tốt từ phiên sáng và đóng cửa tăng điểm, thanh khoản cao như FLC, IJC, DIG, SCR, HQC, KBC, FIT, DXG, HAR, BCG, LDG, DRH, NTL, IDI... trong đó, HAR là điểm sáng khi tăng kịch trần +6,9%. Cũng có sắc tím khác là VRC, HU1 và cổ phiếu họ Louis TDH.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,04 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 49,77 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/10: VN-Index tăng 0,71 điểm (+0,05%), lên 1.394,8 điểm; HNX-Index tăng 1,34 điểm (+0,36%), lên 375,68 điểm; UpCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,02%), lên 98,81 điểm

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tuần mới không mấy thuận lợi với phiên giảm điểm vào thứ Hai (11/10) khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021.

“Thị trường có chút thận trọng khi bước vào mùa báo cáo quý này. Các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều công ty và một số ngành nhất định”, Tim Ghriskey, chiến lược gia đầu tư tại Inverness Counsel, New York, nhận định.

Mùa báo cáo quý III nhiều khả năng dẫn đến một tháng biến động trên Phố Wall sau tháng 9 ảm đạm. Các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 sẽ tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý III, theo dữ liệu của Refinitiv tính đến hôm 8/10.

Kết thúc phiên 11/10, chỉ số Dow Jones giảm 250,19 điểm (-0,72%), xuống 34.496,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,15 điểm (-0,69%), xuống 4.391,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 93,34 điểm (-0,64%), xuống 14.486,20 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hạ nhiệt sau ba phiên liên tiếp tăng trước đó, và cùng những lo ngại trỗi dậy về lãi suất cao hơn tại Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,94% xuống 28.230,61 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,7% xuống 1.982,68 điểm.

Hideyuki Suzuki, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư của SBI Securities cho biết: “Các nhà đầu tư coi lãi suất Mỹ tăng là yếu tố rủi ro, vì khi lãi suất cao, các cổ phiếu tăng trưởng sẽ bị bán. Điều đó có nghĩa là cổ phiếu công nghệ Nhật Bản cũng giảm theo”.

Tại Tokyo, các cổ phiếu lớn về công nghệ đã kéo lùi thị trường nhiều nhất với SoftBank Group giảm 2,42%, Fanuc giảm 1,66% và Terumo giảm 1,39%.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh khởi động với Yaskawa Electric Corp, giảm hơn 4,3% khi tiếp tục thua lỗ, mặc dù trước đó công ty này đã điều chỉnh tăng triển vọng lợi nhuận trong năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, do các lĩnh vực sử dụng nhiều điện và than đi xuống.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,25% xuống 3.546,94 điểm điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,06% xuống 4.883,84 điểm.

Chỉ số phụ về than giảm 2,2%, sau khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực thúc đẩy tăng sản lượng khai thác, trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt, vốn đang gây ra cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất của Trung Quốc trong nhiều năm.

Các cổ phiếu sử dụng điện và than đều giảm với kim loại màu, hóa chất và các công ty thép giảm từ 2,8% đến 3,8%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu các công ty công nghệ lớn kéo lùi.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,43% xuống 24.962,59 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,67% xuống 8.849,17 điểm.

Chỉ số Công nghệ giảm 3,2% sau khi tăng trong ba phiên trước đó, với Alibaba giảm 3,9%, sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có ý định xóa bỏ mối quan hệ mà các ngân hàng nhà nước và các công ty tài chính lớn mạnh khác đã phát triển với các công ty tư nhân lớn.

Công ty fintech nổi tiếng Ant Group, có liên kết với Alibaba, đang bị theo dõi đặc biệt, báo cáo cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do giá dầu tăng cao gây ra lo ngại lạm phát, trong khi lợi suất trái phiếu chuẩn đã vọt lên, sau khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ra tín hiệu thắt chặt hơn nữa vào đầu tháng 11.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,35% xuống 2.916,38 điểm.

Những cổ phiếu tác động mạnh nhất đến chỉ số là những gã khổng lồ công nghệ, với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 3,5% và 2,66%.

Các cổ phiếu lớn khác như như các công ty nền tảng Naver và Kakao cũng giảm sâu, lần lượt giảm 4,25% và 3,4%.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tiếp tục ổn định lãi suất sau đợt tăng lãi suất vào tháng 8, nhưng có thể sẽ thắt chặt hơn nữa vào tháng 11 để kiềm chế lạm phát gia tăng và nợ hộ gia đình.

Kết thúc phiên 12/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 267,59 điểm (-0,94%), xuống 28.230,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 44,77 điểm (-1,25%), xuống 3.546,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 362,50 điểm (-1,43%), xuống 24.962,59 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 39,92 điểm (-1,35), xuống 2.916,38 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ từ ngân hàng

Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn, nhưng chờ đợi ngân hàng “rủ lòng thương” là rất khó…>> Chi tiết

- Hé lộ lợi nhuận ngân hàng quý III/2021: Cổ phiếu vua sẽ phân hóa mạnh

Kết quả kinh doanh 9 tháng và triển vọng cả năm khiến giá cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ phân hóa mạnh thời gian tới..>> Chi tiết

- Đo sức margin của các công ty chứng khoán

Dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) tại không ít công ty chứng khoán lập kỷ lục mới, một số công ty luôn trong tình trạng “căng” margin..>> Chi tiết

- Hồi hộp kết quả quý III

Hai tuần trở lại đây, thông tin được nhiều nhà đầu tư ngóng đợi và tìm kiếm tập trung vào kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp với những hồi hộp nhất định..>> Chi tiết

- Mỹ có khả năng sẽ đề nghị OPEC cung cấp thêm nguồn cung dầu ra thị trường

Theo chuyên gia về dầu mỏ Daniel Yergin, Mỹ có khả năng sẽ đề nghị các nước thành viên OPEC bơm thêm dầu thô ra thị trường để giúp giảm giá năng lượng tăng vọt..>> Chi tiết

Tin bài liên quan