Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Còn bất ổn, giá vàng còn động lực; Ba nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung tại Luật Chứng khoán; Liệu thị trường có phá vỡ kháng cự 1.300 điểm trong tháng 10?; Thị trường đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục đi lên trong quý IV/2024 và 2025…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 8/10 tăng 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 83,00 – 85,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua qua tại Mỹ giảm 11,3 USD xuống 2.642,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm xuống 2.630 USD, trước khi bật hồi lên 2.640 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,37 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.168 đồng/USD, tăng 15 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.665 – 25.025 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ gần 62.600 USD lên 63.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã hạ nhiệt và lùi về 62.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,67 USD (-2,16%), xuống 75,47 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,47 USD (-1,82%), xuống 79,46 USD/thùng.

VN-Index tăng điểm nhẹ

Giao dịch trong phiên chiều giống như một bản “copy” của phiên sáng, khi bật lên chạm 1.275 điểm ngay khi giao dịch được nối lại và đảo chiều hạ nhiệt từ vùng điểm này ngay sau đó, với bảng điện tử phân hóa mạnh.

Điểm khác biệt so với phiên sáng là VN-Index giữ được sắc xanh nhạt nhờ lực cầu tập trung vào một số ít bluechip trong phiên ATC.

Kết thúc phiên giao dịch 8/10: VN-Index tăng 2,05 điểm (+0,16%), lên 1.271,98 điểm; HNX-Index giảm 0,94 điểm (-0,40%), xuống 231,52 điểm; UpCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%), xuống 92,45 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm khá mạnh trong phiên thứ Hai (7/10), chịu áp lực bởi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, trong khi xung đột gia tăng ở Trung Đông cũng đã khiến các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng khi các nhà đầu tư đánh giá lại lộ trình lãi suất của Fed, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt quá 4% sau hai tháng và lợi suất kỳ hạn hai năm cũng tăng nhanh lên 4%.

Kết thúc phiên 7/10: Chỉ số Dow Jones giảm 398,51 điểm (-0,94%), xuống 41.954,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 55,13 điểm (-0,96%), xuống 5.695,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 213,95 điểm (-1,18%), xuống 17.923,90 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi đồng yên mạnh lên cũng như Phố Wall giảm phiên đêm qua khiến thị trường chịu thêm áp lực.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1% xuống 38.937,54 điểm, sau khi tăng 1,8% vào thứ Hai. Chỉ số này đã tăng 4% trong ba phiên gần đây. Chỉ số Topix giảm 1,47% xuống 2.699,15 điểm,

Đồng yên mạnh lên một chút ở mức 148,07 yên/USD, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần là 149,10 yên/USD trong phiên trước đó, khiến các cổ phiếu xuất khẩu chịu ảnh hưởng với Toyota Motor giảm 2,93%, Sony Group giảm 2,43%.

Chứng khoán Trung Quốc trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài một tuần và có phiên tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong hai năm trong vài phút giao dịch đầu tiên, nhưng đã mất đà sau đó, khi các quan chức không truyền thêm cảm hứng cho niềm tin vào các kế hoạch kích thích nhằm xoay chuyển nền kinh tế đang chao đảo.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 4,59% lên 3.489,78 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 5,93% lên 4.256,10 điểm.

Chủ tịch ủy ban hoạch định kinh tế Trung Quốc, ông Zheng Shanjie nói với các phóng viên rằng Trung Quốc "hoàn toàn tự tin" về việc đạt được các mục tiêu kinh tế cho năm 2024 và sẽ dùng 200 tỷ nhân dân tệ từ ngân sách năm tới để chi cho các dự án đầu tư và hỗ trợ chính quyền địa phương.

Nhưng việc ông Zheng Shanjie không nêu chi tiết các biện pháp kích thích mới đã làm dấy lên nghi ngờ của thị trường về cam kết của Bắc Kinh trong việc đảm bảo nền kinh tế có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ đại dịch toàn cầu và đạt mức tăng trưởng 5%.

Chứng khoán Hồng Kông bị chốt lời ồ ạt sau đợt tăng giá “điên rồ” thời gian gần đây, khi tâm lý FOMO được đẩy cao bởi những kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế từ Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 9,41% xuống 20.926,79 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 10,17% xuống 7.483,67 điểm.

Đà sụt giảm diễn ra sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia kiềm chế không đưa ra các chính sách lớn hơn nữa, khiến tâm lý thị trường hụt hẫng khi vẫn đang kỳ vọng vào các biện pháp kích thích tiêu dùng nhiều hơn.

"Nếu không có sự thúc đẩy lớn và trực tiếp đối với chi tiêu, sự lạc quan gần đây có thể phai nhạt nhanh chóng, khiến các nhà đầu tư cảnh giác với việc mua đuổi cổ phiếu", Stephen Innes, Giám đốc điều hành tại SPI Asset Management cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, sau khi Samsung Electronics công bố kết quả kinh doanh không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường và mức giảm trong phiên đêm qua trên Phố Wall cũng gây ảnh hưởng tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 16,02 điểm, tương đương 0,61% xuống 2.594,36 điểm.

Samsung Electronics ước tính lợi nhuận quý III của họ đạt 9,1 nghìn tỷ won (6,8 tỷ USD), dường như không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường do mảng kinh doanh chip nhớ hồi phục chậm chạp.

Kết thúc phiên 8/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 395,20 điểm (-1,00%), xuống 38.937,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 153,28 điểm (+4,59%), lên 3.489,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 2.172,99 điểm (-9,41%), xuống 20.926,79 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 16,02 điểm (-0,61%), xuống 2.594,36 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Còn bất ổn, giá vàng còn động lực

Lãi suất USD từ 5,0% hiện tại xuống mức lãi suất cuối cùng dự kiến là 3,25%/năm vào quý I/2026. Chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed cùng với sự suy yếu dự kiến của USD sẽ tạo động lực quan trọng cho giá vàng..>> Chi tiết

- Ba nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung tại Luật Chứng khoán

Ngày 8/10, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán với sự tham dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan..>> Chi tiết

- Liệu thị trường có phá vỡ kháng cự 1.300 điểm trong tháng 10?

VN-Index đã có tổng cộng 7 tháng gần nhất duy trì trạng thái có điểm số cao nhất nằm trong vùng kháng cự 1.280 - 1.300 điểm. Thêm vào đó, thanh khoản có xu hướng giảm dần sau từng tháng tính từ tháng 6 đang đặt ra câu hỏi lớn: Liệu thị trường có phá vỡ kháng cự 1.300 điểm trong tháng 10 hay không?..>> Chi tiết

- SSI Research: Thị trường chứng khoán đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục đi lên trong quý IV/2024 và 2025

SSI Research dự kiến tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp mạnh hơn vào cuối năm 2024 và 2025 sẽ là động lực cho thị trường tiếp tục với xu hướng đi lên..>> Chi tiết

Tin bài liên quan