Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có nhiều động lực để hồi phục trong 2 tháng cuối năm

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có nhiều động lực để hồi phục trong 2 tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Ngân hàng không còn kiếm bộn tiền từ mua bán chứng khoán; Tỷ giá tăng trở lại không phải vấn đề lớn với thị trường chứng khoán; Lưu ý khi đầu tư cổ phiếu xây lắp hạ tầng; Thị trường dầu mỏ đang chia rẽ về việc liệu OPEC+ có tăng sản lượng vào tháng 12 hay không…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 31/10 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 88,00 – 90,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 12,9 USD lên 2.787,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt nhẹ và về dưới mốc 2.780 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,04 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.243 đồng/USD, giảm 3 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.090 – 25.450 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 72.660 USD xuống 72.100 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,36 USD (+0,52%), lên 68,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,22 USD (+0,30%), lên 72,77 USD/thùng.

VN-Index lên gần 1.265 điểm

Sau giao dịch nhạt nhòa trong phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều dần được kéo lên ngưỡng trên 1.265 điểm khi bảng điện tử cân bằng hơn và trên hết là hai trụ cột lớn VCB và CTG.

Dù vậy, khi hai trụ cột trên đã hết đà, thị trường đã chững lại và lùi về dưới mốc điểm trên khi đóng cửa.

Kết thúc phiên giao dịch 31/10: VN-Index tăng 5,85 điểm (+0,46%), lên 1.264,48 điểm; HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,22%), lên 226,36 điểm; UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%), xuống 92,38 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên thứ Tư (30/10), khi giới đầu tư đón nhận kết quả kinh doanh từ Google.

Alphabet - Công ty mẹ của Google đã có kết quả kinh doanh quý III vượt dự báo về mức tăng trưởng doanh thu từ mảng kinh doanh đám mây. Cổ phiếu Alphabet tăng gần 3%.

Kết thúc phiên 30/10: Chỉ số Dow Jones giảm 91,51 điểm (-0,22%), xuống 42.141,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,25 điểm (-0,33%), xuống 5.813,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 104,82 điểm (-0,56%), xuống 18.607,93 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào cuối ngày.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,5% xuống 39.081,25 điểm. Chỉ số giảm 0,3% xuống 2.695,51 điểm.

Thị trường Nhật Bản đã gặp lực cản mạnh trong tuần này bởi sự bất ổn chính trị, sau khi liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Tự do lãnh đạo mất thế đa số trong quốc hội trong cuộc bầu cử cuối tuần.

Trong khi đó, sự chú ý sẽ hướng về cuộc họp của BOJ vào cuối ngày và dự kiến Ngân hàng trung ương sẽ duy trì lãi suất thấp và báo hiệu một cách tiếp cận thận trọng hơn trong gói kích thích tiền tệ.

Chứng khoán Trung Quốc tăng về cuối phiên, trong ngày dữ liệu cho thấy PMI sản xuất trở lại vùng mở rộng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,42% lên 3.279,82 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,04% lên 3.891,04 điểm.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của nước này đã tăng lên 50,1 điểm vào tháng 10 từ mức 49,8 điểm của tháng trước. Dữ liệu này vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế.

Chỉ số PMI cải thiện cho thấy các biện pháp kích thích gần đây của Trung Quốc, từ nới lỏng tiền tệ đến nới lỏng các hạn chế đối với thị trường bất động sản, có thể đã bắt đầu ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa ít thay đổi, sau khi thị trường đón nhận chỉ số PMI sản xuất tại Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,007% lên 20.382,12 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,04% lên 7.289,83 điểm.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc dẫn đầu mức tăng trong số các công ty Đại lục, sau khi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý III, trong khi China Life Insurance cũng tăng sau khi lợi nhuận tăng vọt nhờ đầu tư từ cổ phiếu.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi cổ phiếu Samsung Electronics đảo chiều tăng trở lại và giúp chỉ số hãm đà rơi, sau khi công bố đạt được tiến bộ mới trong việc phát triển chip.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 37,64 điểm, tương đương 1,45% xuống 2.556,15 điểm.

Cổ phiếu của Samsung Electronics mở cửa giảm, có thời điểm mất 1,4%, trước khi bật tăng 3,2% và đóng cửa tăng nhẹ, sau khi nhà sản xuất chip báo cáo lợi nhuận chip giảm trong quý vừa qua, nhưng cũng cho biết họ đã đạt được "tiến bộ lớn" trong các bài kiểm tra cho con chip mới.

Kết thúc phiên 31/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 196,14 điểm (-0,50%), xuống 39.081,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,59 điểm (+0,42%), lên 3.279,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 63,31 điểm (-0,31%), xuống 20.317,33 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 37,64 điểm (-1,45%), xuống 2.556,15 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng không còn kiếm bộn tiền từ mua bán chứng khoán

Khác với trước, mảng chứng khoán kinh doanh và đầu tư không còn mang lại lợi nhuận cao cho các ngân hàng trong quý III/2024..>> Chi tiết

- Tỷ giá tăng trở lại không phải vấn đề lớn với thị trường chứng khoán

Các chuyên gia cho rằng, tác động của tỷ giá chỉ mang tính tạm thời, xét về tổng thể, tỷ giá sẽ ổn định trở lại và thị trường chứng khoán có nhiều động lực để hồi phục trong 2 tháng cuối năm..>> Chi tiết

- Lưu ý khi đầu tư cổ phiếu xây lắp hạ tầng

Dòng tiền của các nhà thầu xây dựng, xây lắp phụ thuộc nhiều vào khả năng thanh toán của chủ đầu tư dự án. Khi thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, nhà thầu càng làm gia tăng áp lực ở khoản phải thu, vì chủ đầu tư trì hoãn thanh toán..>> Chi tiết

- Thị trường dầu mỏ đang chia rẽ về việc liệu OPEC+ có tăng sản lượng vào tháng 12 hay không

Thị trường dầu mỏ đang chia rẽ về việc liệu OPEC+ có tiếp tục kế hoạch khôi phục sản lượng vào tháng 12 hay không trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu mong manh..>> Chi tiết

Tin bài liên quan