Nhóm hàng nông sản đồng loạt tăng giá, Ngô tăng giá 1,77%, Đậu tương tăng 1,82% và Lúa mỳ tăng 1,83%. Giá nông sản tăng nhờ lực hỗ trợ chính từ tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc và từ việc chính phủ mới của Argentina quyết định tăng thuế xuất khẩu lên các mặt hàng nông sản. Do vụ thu hoạch nông nghiệp tại Mỹ đã kết thúc, số liệu xuất khẩu và tình hình đàm phán thương mại sẽ là yếu tố tác động chính trong tuần sau.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ có những biến động rất mạnh trong tuần vừa rồi. Giá cà phê Arabica giảm 0,15% dù trong tuần liên tục biến động mạnh, giá cà phê Robusta giảm 3,03%. Giá cà phê giảm do có những khởi sắc về tình hình nguồn cung cà phê thế giới, trong đó nổi bật là tại Brazil với điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.
Giá Ca cao cũng giảm mạnh 6,03% do sản lượng thu mua và xuất khẩu ca cao nguyên liệu tại Ghana và Bờ Biển Ngà, hai nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, tăng mạnh.
Giá đường thế giới tăng nhẹ 0,3% trong tuần vừa rồi nhờ sự hỗ trợ của việc đồng Real Brazil mạnh lên, khiến nông dân hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Giá Bông sợi thế giới cũng tăng 1,74% chủ yếu từ lực mua kỹ thuật của các quỹ đầu tư, bất chấp khối lượng xuất khẩu tuần này giảm nhẹ. Sang tuần tới, yếu tố cung cầu và các tác động vĩ mô vẫn sẽ là động lực chính cho giá nguyên liệu công nghiệp nhẹ.
Nhóm hàng kim loại tiếp tục tăng với giá Bạc tăng 1,25% trong khi giá Đồng tăng 0,90%. Giá Bạc tăng trước tình hình bất ổn chính trị tại Mỹ cùng với nguy cơ Brexit không thỏa thuận lại một lần nữa xuất hiện. Tuy nhiên những thông tin tích cực từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung lại hỗ trợ giá Đồng.
Giá Cao su RSS3 của nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp nặng cũng đã liên tục tăng cao trong hai tuần vừa rồi khiến cho áp lực chốt lời của nhà đầu tư tăng cao, đẩy giá cao su giảm mạnh hôm thứ 5 tuần này. Kết tuần, giá cao su giảm 3,47%.
Các yếu tố kinh tế vĩ mô và rủi ro địa chính trị tiếp tục là yếu tốc định hướng cho giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp.