Mùa hè 2019 có nhiều sắc xanh
“Thị trường mùa hè” (Summer Market) là thuật ngữ nói về thị trường có dòng tiền không quá khỏe, thanh khoản kém, sự phân hóa cao, “sóng” thường xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Thị trường mùa hè thường ở quanh thời điểm sau nhịp sóng mùa xuân, chỉ số đi ngang hoặc tăng nhẹ, nhưng với những cổ phiếu tăng giá thì mức độ tăng rất lớn.
Khác với mùa hè theo khung thời gian mùa, mùa hè của thị trường chứng khoán thường trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8.
Nhìn lại năm 2019, thị trường trong trạng thái đi ngang suốt hè sau nhịp hồi phục đầu năm; thời điểm đó, thị trường chứng khoán thế giới có nhiều thông tin tiêu cực, nội lực thị trường Việt Nam không đủ để gượng dậy chỉ số và trạng thái thanh khoản rất kém.
Tuy nhiên, đó lại là mùa hè có rất nhiều sắc xanh, khiến nhà đầu tư cảm thấy dễ giao dịch, đặc biệt là không ít cổ phiếu có mức tăng giá lớn.
Chẳng hạn, các mã D2D, VGI, PHR, SZL, SZC, DPR, GVR... có mức tăng phổ biến trên 20%, một số mã tăng giá trên 50%. Không cần đến các dòng trụ chính như ngân hàng, bất động sản, thực phẩm - đồ uống, dầu khí... dẫn dắt, nhiều nhóm ngành “ngách” tự thân vận động và bứt phá.
Mùa hè 2020 có thể mang màu hè cũ
Sau đợt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường phục hồi tích cực từ cuối tháng 3, có một tháng 4 tươi đẹp và tiếp tục diễn biến khả quan trong những ngày đầu tháng 5.
Về mặt chỉ số là như vậy, nhưng giao dịch chứng khoán là giao dịch với cổ phiếu cụ thể và để xác định cơ hội có dễ kiếm hay không thì cần phân tích sâu hơn, bởi nhiều khi chỉ số cũng chỉ là chỉ số, tình trạng chỉ số tích cực mà cơ hội khó kiếm không hiếm xảy ra.
Ở góc nhìn ngắn và trung hạn, nội tại của thị trường hiện nay có sự cải thiện rất nhiều so với hè năm ngoái.
Nhiều cổ phiếu có giá trị giao dịch trung bình trên 1 tỷ đồng/phiên tăng giá mạnh trong mùa hè 2019.
Cụ thể, với VN-Index ở vùng 950 - 1.000 điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát và vùng 750 - 800 điểm hiện tại, cơ hội giao dịch là tương đương, dù mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại giảm nhiều.
Sở dĩ có thể nhận định như vậy vì dựa trên quan điểm giao dịch cổ phiếu theo xu hướng, số lượng cổ phiếu trên đường trung bình di động 50 ngày (MA50) ở thời điểm hiện tại là tương đương khi thị trường ở vùng 950 - 1.000 điểm, khoảng 50% số lượng mã cổ phiếu trên HOSE.
Thật bất ngờ, nhưng đúng là như vậy. Xác suất để tìm một cổ phiếu có xu hướng tăng trung hạn ở hai vùng thị trường nêu trên là tương đương.
Diễn biến VN-Index và biến động giá cổ phiếu từ tháng 5/2019 đến nay.
Thị trường trong trung hạn được dự báo là “ổn”, trong ngắn hạn có vẻ “khỏe” hơn, khiến cho góc nhìn về mùa hè năm 2020 là tương đồng với mùa hè năm 2019.
Xu hướng dài hạn của thị trường đang có “vấn đề”, đặc biệt với các cổ phiếu trụ vì hiện tại chỉ có khoảng 24% cổ phiếu trên HOSE là còn trụ trên MA200.
Tình trạng các nhóm ngành trên HOSE.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ngắn hạn đến trung hạn, 1 - 3 tháng tới, tương ứng với thị trường mùa hè năm nay, thì có cơ sở để hy vọng nhiều cơ hội sẽ xuất hiện.
Kỳ vọng nhiều hơn vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ
Nhịp hồi phục của thị trường vừa qua là rất mạnh mẽ, tuy nhiên, đối với các cổ phiếu trụ ở các ngành mang trọng số vốn hóa lớn, đây chỉ là nhịp tăng ngắn hạn trong xu hướng trung và dài hạn có những tín hiệu xấu xuất hiện.
Thị trường thiếu đi những đầu kéo lớn thì sẽ khó bứt phá xa. Phân tích sâu về chỉ số có lẽ không quá cần thiết, bởi như đã nói ở trên, trong giao dịch chứng khoán, lựa chọn cổ phiếu nào mới là điều quan trọng nhất.
Chỉ số thị trường ở đây nên được nhìn ở góc độ tạo điều kiện, môi trường để có thể giao dịch. Theo đó, quan điểm về chỉ số trong mùa hè năm nay có thể khó tăng mạnh, nhưng đủ để “giữ trận”.
Thị trường chỉ cần giữ được vùng hỗ trợ quanh 750 điểm đã là môi trường giao dịch chấp nhận được. Ở môi trường đó, nếu các đầu kéo lớn chững lại thì các ngành nhỏ hơn vẫn có thể đủ “khỏe”, đủ tự tạo “sóng”, đủ tự phân hóa như những gì đã diễn ra trong mùa hè 2019.
Các nhóm ngành ngách như công nghệ thông tin, viễn thông, hóa chất, y tế, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng... đang ở vùng tích cực và có nhiều đại diện để có thể lựa chọn.
Cuối tháng 4, trên trang The NewYork Times, Paul Krugman, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về khủng hoảng, người đạt giải Nobel năm 2008 đã có một bài viết thú vị với tiêu đề “Crashing economy, rising stocks: What’s going on?” (tạm dịch: Kinh tế sụp đổ, chứng khoán tăng: Ðiều gì đang diễn ra?).
Trong bài viết này, có một đoạn rất đáng chú ý và được nhiều nhà giao dịch trên toàn thế giới chia sẻ: “Bất cứ khi nào bạn suy nghĩ về mối liên hệ giữa nền kinh tế và giá cổ phiếu, hãy ghi nhớ ba nguyên tắc. Ðầu tiên, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Và thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế”.
Tạm gác lại những dấu hiệu tiêu cực ở phía xa, thì trong ngắn hạn, hy vọng năm 2020 sẽ có một mùa hè thú vị.