Trong sự sụt giảm đó, nhiều người thích dùng những từ to lớn để miêu tả kiểu như “thị trường bốc hơi 8 tỷ USD” trong một phiên, hay “giảm 16 tỷ USD trong 2 phiên”.
Những con số tỷ USD luôn tạo ấn tượng với một nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, và cũng rất ấn tượng với một thị trường chứng khoán ở vị trí “cận biên”, đang phấn đấu vào nhóm “thị trường mới nổi” như Việt Nam.
Nhưng có đáng phải lo ngại với tình hình thị trường hiện tại? Câu trả lời là “không”, nếu có gì đó nguy hiểm, chắc cơ quan quản lý nhà nước sẽ lên tiếng trấn an, giống như các thị trường bình thường khác. Nhưng đến giờ này, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán và lãnh đạo 2 Sở giao dịch Chứng khoán chưa hề lên tiếng, kể cả trên facebook cá nhân. Lãnh đạo các công ty chứng khoán cũng vậy, khi thị trường sôi động, nhiều ông chủ đã có ý kiến “ngược - xuôi”, bóng gió gửi thông điệp cho nhà đầu tư. Nhưng đến giờ này, gần như tất cả đều im lặng, chỉ có nhà đầu tư “lao xao”.
Sự bình thường của thị trường, còn thể hiện trong dữ liệu quá khứ của chứng khoán Việt Nam. Gần nhất là ảnh hưởng từ vụ “dàn khoan 981” tháng 5/2014, VN-Index đã giảm tới 5,89% trong phiên ngày 8/5 – mức giảm nhỏ hơn mức mở cửa sáng nay và lớn hơn mức mất điểm phiên ngày hôm qua.
Xa hơn nữa, giai đoạn 2008-2010, nhiều phiên thị trường “trắng bên mua” với mức giảm của chỉ số còn lớn hơn, gần hết biên độ một phiên.
Nhưng sau những đợt giảm đó là gì? Chẳng có nhiều điều đáng nói, và mọi thứ dường như rất nhanh bị lãng quên, lại có những đợt sóng thần như 3 tháng vừa qua. Người nhớ lâu, có lẽ, là người bị cháy tài khoản!
Trong cú sập hơn 100 điểm với VN-Index lúc này, cũng như vậy thôi, đó là sự bình thường của thị trường chứng khoán. Đang có nhiều “thuyết âm mưu” được đưa ra, và cái được nhiều người tin hơn cả là tay to mượn sự tác động của thị trường thế giới “đạp xuống” để margin “bị call, bị force”, và để làm lại ván mới…
Nếu nhớ lại chỉ cách đây 3 tháng, khi thị trường tăng vọt cũng có rất nhiều “thuyết âm mưu” được đưa ra. Điều đáng tin lại là tay rất to kéo thị trường lên để làm “game thoái vốn”, hay “đánh lên để kéo phái sinh”…
Những lý do như nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, vốn ngoại vào nhiều,… đều không được tin cậy bằng những “thuyết âm mưu”. Vì sao vậy?
Câu trả lời cũng bình thường, một mã cổ phiếu đột biến tăng giá mạnh vì một thông tin gì đó là điều vẫn diễn ra, nhưng cả nhóm VN30 đều “đột biến” với hàng loạt mã tăng giá gấp đôi thì lý do thông thường không thể tin được! Cần có những lý do phi thường để thuyết phục hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam là như vậy, gần sắp kỷ niệm 20 năm ngày giao dịch đầu tiên nhưng những điều không bình thường vẫn phải coi là bình thường! Đầu tư chứng khoán lỗ vẫn phải đóng thuế, cũng bình thường! Giao dịch điện tử trực tuyến, nhưng mua hay bán thì phải mấy hôm chứng khoán hay tiền mới về tài khoản, cũng bình thường! Hệ thống giao dịch bị lỗi, nghỉ 2 ngày, cũng bình thường!
Và phiên giảm hôm qua, và đầu giờ hôm nay, cũng nằm trong hệ thống “bình thường” đó. Tăng rồi sẽ giảm, giảm rồi sẽ tăng, dù mức tăng giảm có bất thường đến đâu! Trong cơn lốc giảm giá, cố gắng đừng để cháy tài khoản, vì như thế bạn sẽ phải rời cuộc chơi rất thú vị.
Cuộc chơi trên Thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi có nhiều điều rất bình thường.